Đông Nam Á xua tan hoài nghi về các thị trường mới nổi

Đông Nam Á xua tan hoài nghi về các thị trường mới nổi

(ĐTCK) Nếu như “Bộ 5 bất ổn” là một “boy band” (ban nhạc), thì ít nhất một trong các thành viên sáng lập đang có xu hướng tách ra theo nghiệp “solo”, đó là Indonesia.

Trong thời gian “cơn bão” mang tên “rút gói QE” tràn qua các thị trường mới nổi hồi mùa hè năm ngoái, rất ít nơi dính hậu quả tồi tệ hơn nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này. Mức thâm hụt cán cân vãng lai sâu đã khiến nền kinh tế Indonesia bị phơi nhiễm nặng với sự thay đổi của tâm lý nhà đầu tư toàn cầu, trong khi cuộc bầu cử tổng thống đang đến gần phủ bóng lên triển vọng cải cách.

Các nước láng giềng của Indonesia là Thái Lan và Philippines cũng phải hứng chịu hàng loạt tác động bao gồm lãi suất tăng, tăng trưởng chậm và sự thoái lui của các dòng vốn nước ngoài do đồng USD mạnh lên.

Bước vào năm 2014, nhiều quốc gia mới nổi tiếp tục “ngồi trên đống lửa” khi những lo ngại về việc cắt giảm gói nới lỏng định lượng (QE) của Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp diễn, trong khi có thêm nghi ngờ về triển vọng kinh tế Trung Quốc. Các vấn đề khu vực như biểu tình chống đối ở Ukraine và cú sốc tiền tệ ở Argentina làm tăng thêm cảm quan chung rằng, các thị trường mới nổi đang trong cơn khủng hoảng.

Nhưng ở thời điểm hiện tại, Đông Nam Á đang xua tan những nghi ngờ đó. Thái Lan, Indonesia và Philippines đang ổn định trở lại với sự khởi sắc của TTCK, ít nhất là không tệ như các thị trường mới nổi khác.

Chỉ số chứng khoán Jakarta (Indonesia) đã có mức tăng tốt nhất trong số các thị trường lớn – tính cả các thị trường mới nổi và các thị trường khác - trong năm nay, với 5,2%. Trong đó, lĩnh vực tài chính tăng mạnh nhất với cổ phiếu của Bank Rakyat, ngân hàng lớn nhất và lâu đời nhất Indonesia, tăng tới hơn 20%.

Thị trường Philippines đã tăng 1,5% trong khi Thái Lan giảm 0,4% - không đáng kể so với mức giảm ở các thị trường mới nổi khác. Cùng thời gian, chỉ số Micex của Nga giảm 7,2% và Bovespa của Brazil giảm 7,9%.

Bức tranh tương tự cũng xuất hiện trên các thị trường tiền tệ. Đồng rupiah của Indonesia và đồng baht của Thái Lan đã tăng mạnh nhất so với đồng USD trong số các đồng tiền của các thị trường mới nổi tính từ đầu năm đến nay.

Sự hồi phục của các thị trường Đông Nam Á là do các thị trường này ít phụ thuộc về xuất khẩu vào Trung Quốc so với nhiều thị trường mới nổi khác. Khi những lo ngại về tăng trưởng kinh tế và bong bóng tài chính tăng trở lại ở Trung Quốc thì các nước Đông Nam Á lại có vẻ được lợi.

Dữ liệu được công bố tuần qua cho thấy, nền kinh tế Indonesia đã tăng trưởng nhanh hơn kỳ vọng trong quý IV/2013, một phần nhờ vào sự cải thiện trong lĩnh vực xuất khẩu - một dấu hiệu tích cực đối với cán cân thanh toán. Bên cạnh đó, ngân hàng trung ương nước này cũng đã thực thi một số biện pháp mau lẹ và quyết đoán, như khắc phục thâm hụt cán cân vãng lai và tạm dừng việc thả lỏng đồng rupiah.

“Năm ngoái, chúng tôi đã nghĩ đến những kịch bản tồi tệ đối với nền kinh tế này, song giờ đây, tình hình đã sáng sủa hơn nhiều”, Bill Maldonado, Giám đốc đầu tư khu vực châu Á của Công ty Quản lý tài sản HSBC nói.

Hozefa Topiwalla, Trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á của Morgan Stanley, cũng có cái nhìn lạc quan hơn về Indonesia và đã tăng hạng thị trường này trong tháng trước.

Một số nhà đầu tư hy vọng, nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, Thị trưởng TP. Jakarta, ông Joko Widodo - hiện đang dẫn đầu về tỷ lệ thăm dò - sẽ tuyên bố các cải cách cần thiết trong lĩnh vực kinh doanh.

Ở một góc độ khác, mức định giá thấp cũng đang hỗ trợ cho các TTCK Đông Nam Á tăng điểm. Xét trên cơ sở hệ số P/B (thị giá trên giá trị sổ sách), chỉ số Jakarta đang ở mức thấp trong vòng 4 năm, trong khi chứng khoán Thái Lan đang được giao dịch ở mức đáy 2 năm.

“Chứng khoán Thái Lan đang rất rẻ, chúng có mức sinh lời tương tự như cổ phiếu Indonesia nhưng được giao dịch ở mức chiết khấu cao hơn”, ông Maldonado phân tích. Và trong khi bất ổn chính trị ở Bangkok vẫn còn đáng ngại, TTCK nơi đây đang “bước theo một nhịp điệu riêng”.

Tuy nhiên, vẫn có câu hỏi về sự bền vững của những cải thiện trong khu vực. Chẳng hạn, sự gia tăng trong xuất khẩu của Indonesia có thể chỉ là tạm thời khi nhiều công ty đã vội vã rời khỏi nước này trước khi thuế xuất khẩu khoáng sản tăng. Ngân hàng Thế giới là một trong những tổ chức cho rằng, tăng trưởng của Indonesia sẽ giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009.          

Tin bài liên quan