IPO của Westports dự kiến sẽ huy động được 624 triệu USD tại Malaysia

IPO của Westports dự kiến sẽ huy động được 624 triệu USD tại Malaysia

Đông Nam Á rộn ràng IPO

Sau những tháng ngày ủ ê vì dòng vốn nước ngoài liên tục tháo chạy, các thị trường mới nổi Đông Nam Á lại trở nên rộn ràng nhờ các đợt IPO (chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng) lớn của một số doanh nghiệp.

Theo bản điều khoản đầu tư, Travellers International Hotel Group Inc., một công ty điều hành casino của Philippines, đã bắt đầu nhận lệnh mua từ các nhà đầu tư vào hôm thứ 6 tuần qua cho đợt IPO sắp tới của mình. Travellers dự kiến sẽ bán ra khoảng 1,57 tỉ cổ phần để huy động 400 triệu USD trước đợt niêm yết vào ngày 5.11. Nếu lượng đặt mua lớn, Công ty có thể phát hành tới 1,81 tỉ cổ phần trị giá khoảng 460 triệu USD. Như vậy, sau gần 3 tháng trì hoãn do thị trường ảm đạm, Travellers đã quyết định khởi động lại kế hoạch niêm yết. IPO của Travellers dự kiến sẽ là đợt IPO lớn nhất từ đầu năm đến nay tại Philippines .

 

Nhà khai thác cảng Malaysia là Westports Holdings Bhd. cũng đang rộn ràng với kế hoạch lên sàn. Theo bản điều khoản đầu tư, Công ty đã bán 813,2 triệu cổ phần, tương đương 23,8% vốn, với giá 0,77 USD/cổ phần trước đợt niêm yết ngày 18.10 tới. IPO của Westports dự kiến sẽ huy động được 624 triệu USD tại Malaysia .

 

Kể từ cuộc tổng tuyển cử của Malaysia vào tháng 5, đã có không ít đợt IPO của doanh nghiệp trên sàn chứng khoán Kuala Lumpur nhưng chưa có đợt IPO nào lớn hơn 500 triệu USD như của Westports. Điều này cho thấy nhà đầu tư đã bắt đầu hứng thú trở lại với các cổ phiếu mới.

 

Các quỹ trong nước và nước ngoài đã giành nhau mua cổ phiếu của Westports, công ty có một phần vốn sở hữu của tỉ phú Hồng Kông Li Ka-Shing, người giàu nhất châu Á. Đây là tín hiệu tốt cho đợt IPO 730 triệu của công ty dầu khí UMW Oil & Gas Corp vào tháng 10, dự kiến sẽ là lớn nhất năm nay của Malaysia.

 

Các đợt IPO thành công của Travellers và Westports sẽ giúp các doanh nghiệp khác tại Malaysia, Philippines và các nước Đông Nam Á khác lấy lại niềm tin để xúc tiến kế hoạch niêm yết sau nhiều lần trì hoãn.

 

Trên thực tế, kể từ đầu năm đến nay, các thị trường mới nổi Đông Nam Á đã nhiều lần dậy sóng. Sau khi tăng mạnh từ tháng 1 đến giữa tháng 5, các chỉ số chứng khoán tại Kuala Lumpur và Manila đã mất hầu hết số điểm đạt được trong 3 tháng kết thúc vào tháng 8 sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke phát đi tín hiệu rằng FED sẽ sớm thu hẹp chương trình mua lại trái phiếu 85 tỉ USD/tháng. Thị trường huy động vốn doanh nghiệp đã bị tác động nặng nề. Theo công ty nghiên cứu Dealogic, trong quý III/2013, các đơn vị phát hành chỉ huy động được tổng cộng 3,7 tỉ USD, mức thấp nhất kể từ quý III/2011.

 

Thế nhưng, nhiều thị trường Đông Nam Á đã tăng trở lại trong tháng 9 khi FED quyết định vẫn giữ gói nới lỏng định lượng. Kuala Lumpur Composite Index đã tăng 2,3% trong tháng 9 và chỉ số chứng khoán của Philippine tăng 1,9%.

 

“Các đơn vị phát hành tại Đông Nam Á đang tận dụng cửa sổ mới này, vốn được mở ra sau khi FED bất ngờ quyết định giữ nguyên tốc độ mua vào trái phiếu. Nó cũng giống như việc được tiêm một liều thuốc adrenaline, khiến cho các nhà đầu tư mạnh dạn chấp nhận rủi ro hơn trên các thị trường mới nổi”, James Fleming, đồng đứng đầu các thị trường vốn toàn cầu châu Á – Thái Bình Dương tại Bank of America/Merrill Lynch ở Hồng Kông, nhận xét.

 

Đông Nam Á rộn ràng IPO ảnh 1Số vốn dự kiến huy động được qua IPO của một số doanh nghiệp Đông Nam Á

 

IPO được dự kiến sẽ sôi động hơn trong những tháng tới. Giới phân tích còn dự đoán năm 2014 có thể sẽ lặp lại sự nhộn nhịp của năm 2012 khi Malaysia trở thành điểm đến niêm yết hàng đầu của châu Á. Các đợt IPO hoành tráng sẽ đến từ tập đoàn đầu tư nhà nước Malaysia Development Bhd. Đơn vị này dự kiến phát hành cổ phiếu trị giá 3 tỉ USD đối với các tài sản năng lượng. Hay việc nhà sản xuất điện Malakoff Corp dự tính phát hành IPO trị giá lên tới 1 tỉ USD.

 

Robinsons Retail Group, công ty điều hành chuỗi bán lẻ do tỉ phú Philippine John Gokongwei sở hữu, đang tìm cách huy động tới 800 triệu USD thông qua việc IPO trên sàn chứng khoán Manila . Trong khi đó, gia tộc Salim, một trong những gia tộc giàu nhất Indonesia, đang lên kế hoạch huy động 500 triệu USD trong năm nay bằng cách bán cổ phiếu của công ty bán lẻ và qua đợt IPO của chi nhánh cho vay mua xe ô tô của mình. Tại Singapore, Viva Industrial Trust, công ty đầu tư chuyên về bất động sản công nghiệp, cũng đã bắt đầu thương thảo với các nhà đầu tư tiềm năng cho đợt IPO trị giá 320 triệu USD.

 

Tuy vậy, sự hào hứng này có thể sẽ không kéo dài. “Với đợt tăng giá mạnh kể từ năm 2010, giá các doanh nghiệp ở Đông Nam Á không còn rẻ nữa”, David Poh, phụ trách bộ phận các giải pháp quản lý danh mục đầu tư khu vực châu Á -Thái Bình Dương, thuộc Societe Generale Private Banking, nhận xét.

 

Trong bối cảnh thị trường còn nhiều bất ổn, định giá cao sẽ khiến nhà đầu tư vơi đi niềm phấn khởi ban đầu. “IPO vào thời điểm này là một cơ hội lớn nếu doanh nghiệp có các chỉ số nền tảng tốt và được định giá hợp lý, nhưng đồng thời rủi ro cũng rất lớn cho các nhà đầu tư nếu xuất hiện một đợt tháo chạy vốn mới”, Poh nói thêm.

 

Một số nhà quản lý tiền tệ cũng hoài nghi đối với triển vọng thị trường vốn Đông Nam Á. “Chúng tôi đã thấy một số dấu hiệu khởi sắc trong tháng 9, nhưng thị trường vẫn còn phát đi những tín hiệu tốt xấu lẫn lộn trong lúc này”, Andrew Gillan, nhà quản lý đầu tư tại Aberdeen Asset Management (Singapore), nhận xét.