Đấu giá 7 khu đất mới
Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết năm 2021, tỉnh Đồng Nai sẽ đưa 7 khu đất đăng ký mới ra đấu giá để tăng thêm nguồn vốn cho ngân sách để đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật. Các khu đất này có diện tích gần 100ha, giá khởi điểm gần 1,3 ngàn tỷ đồng. Đặc biệt, các khu đất mới đưa vào kế hoạch đấu giá năm 2021 có rất nhiều lợi thế đưa bởi đều có ví trí đặc địa trên địa bàn các huyện Cẩm Mỹ, Long Thành và hai thành phố Long Khánh, Biên Hòa.
Đơn cử năm 2021, tỉnh Đồng Nai có kế hoạch đưa 2 khu đất có diện tích 310ha tại Nhơn Trạch ra đấu giá. Các khu đất này nằm trải dài trên trục giao thông qua các xã Phước An, Long Thọ, Long Tân và trị trấn Hiệp Phước. Tại huyện Long Thành tỉnh cũng đưa vào kế hoạch sử dụng và sẽ đấu giá 14 khu đất với diện tích trung bình từ 1 đến 30ha/khu.
Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục đưa ra đấu giá các khu đất chưa đấu giá trong năm vừa qua. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai thì thời gian tới các địa phương phối hợp cùng cơ quan hữu trách sẽ tiến hành rà soát các khu đất thời gian qua chưa đấu giá thành để tháo gỡ vướng mắc về quy hoạch, về giá quá để lập kế hoạch đảm bảo đấu giá thành công tất cả quỹ đất trong năm 2021.
Một thông tin rất đáng quan tâm cho các nhà đầu tư mà phóng viên Báo Đầu tư tìm hiểu được là UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành quyết định thu hồi gần 100 ngàn m2 đất tại huyện Long Thành do Tổng công ty Cao su Đồng Nai giảm nhu cầu sử dụng giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Đồng Nai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và lập kế hoạch đấu giá trong thời gian tới.
Thông tin từ Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Đồng Nai cho hay trong hai năm 2019, 2020 tỉnh Đồng Nai đã tổ chức đấu giá gần 10 khu đất “vàng”, thu về hơn 9 ngàn tỷ đồng. Điển hình nhất thể kể ra như việc đấu giá 3 khu đất vàng “ngàn tỷ” đã đấu giá thành: Khu đất hơn 60 ha (huyện Nhơn Trạch) với giá trúng đấu giá 901 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với mức giá khởi điểm 584 tỷ đồng; Khu đất 49,8 ha (huyện Long Thành), giá khởi điểm 612 tỷ đồng, giá trúng đấu giá là 1.268 tỷ đồng, cao gấp đôi giá khởi điểm; Khu đất 92,2 ha (huyện Long Thành) với giá trúng đấu giá lên tới 3.060 tỷ đồng, cao gần gấp 2 lần giá khởi điểm.
Theo đó, nguồn vốn thu về từ hoạt động đấu giá giúp tỉnh Đồng Nai bổ sung nguồn lực quan trọng để đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật mang tính chất động lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân.
Quy hoạch tạo nguồn đất “vàng”
Ngoài lợi ích thu ngân sách, việc đấu giá đất vàng thành công giúp tỉnh Đồng Nai thu hút nhiều nhà đầu tư “xứng tầm” để phát triển các dự án giúp hiệu quả sử dụng đất được tối ưu.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Đồng Nai yếu tố tạo sức hút cho các quỹ đất vàng, qua đó đấu giá thành công nằm ở khâu quy hoạch hạ tầng giao thông lớn. Theo đó. Đồng Nai thực hiện song song việc quy hoạch các khu đất lợi thế đắc địa bám các tuyến giao thông đã và sẽ được mở mới hoặc nâng cấp. Sau khi hình thành các tuyến đường, quỹ đất lợi thế trở thành đất “vàng” dành cho đấu giá tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết nguồn vốn ngân sách phân bổ thực hiện dự án đầu tư công rất hạn chế, không đáp ứng nhu cầu thực tế. Muốn có đủ vốn đầu tư hệ thống hạ tầng, Đồng Nai phải khai thác từ nguồn đấu giá đất. Việc quy hoạch quỹ đất lợi thế, bán đấu giá khi thực hiện các dự án giao thông là một trong những kênh tạo vốn quan trọng mà Đồng Nai sẽ thực hiện để có nguồn vốn tái đầu tư. Vì vậy, vấn đề quy hoạch sử dụng đất cấp giai đoạn 2021-2030 phải đưa các khu đất lợi thế vào quy hoạch.
“Đồng Nai tạo nguồn quỹ đất “vàng” thông qua công tác quy hoạch các tuyến đường giao thông huyết mạch kết nối với cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc, quốc lộ, vành đai... Nhiều diện tích đất dọc hai bên những tuyến giao thông này sẽ được thu hồi, giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Đồng Nai tiến hành hoàn tất các thủ tục, đấu giá”, ông Dũng nói và cho biết thêm Đồng Nai nằm ở vị trí trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, “cửa ngõ” của đô thị lớn nhất cả nước, TP.HCM. Do đó, hiện nay nhiều dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia cũng đang được thực hiện trên địa bàn như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Để khai thác tối đa lợi thế từ các dự án trên, đòi hỏi Đồng Nai phải đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối một cách đồng bộ. Hiện tại, Đồng Nai đã quy hoạch hàng loạt dự án giao thông kết nối với các dự án giao thông trọng điểm quốc gia.
Trong thời gian tới, tỉnh Đồng Nai có 230 dự án giao thông được thực hiện theo đó có hàng trăm khu đất lợi thế được quy hoạch để đấu giá. Đặc biệt, 2 dự án giao thông nhóm A được triển khai tại TP.Biên Hòa với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng. Đó là các Dự án xây dựng Đường ven sông Cái đoạn từ đường Hà Huy Giáp đến đường Trần Quốc Toản; Dự án xây dựng Đường trục trung tâm thành phố Biên Hoà đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn (cầu Thống Nhất và đường kết nối 2 đầu cầu).
Ngoài địa bàn TP.Biên Hòa, hàng loạt các dự án giao thông ở khu vực khác có thể hình thành quỹ đất vàng cho tỉnh Đồng Nai đấu giá như: Nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 770 (Suối Tre - Bình Lộc); Đường tỉnh 772 (Trảng Bom - Xuân Lộc); Nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 773 (Long Thành - Cẩm Mỹ - Xuân Lộc); Tuyến đường tỉnh 768B, tuyến đường Long Phước - Phước Thái (song song phía Tây của quốc lộ 51) và tuyến đường Phước Bình - Bàu Cạn - Cẩm Đường (song song phía Đông quốc lộ 51).
Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết Sở này đưa các khu đất có giá trị lớn vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030. Cùng với đó tham mưu cho UBND tỉnh Đồng Nai đầu tư hoàn thiện hạ tầng trước khi đấu giá nhằm nâng giá trị các khu đất vàng.
Cũng theo vị lãnh đạo Sở Tài nguyên- Môi trường thì trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 10 năm tới cũng sẽ có hàng trăm khu đất lợi thế được đưa vào quy hoạch để đấu giá. Các nhà đầu tư đang rất quan tâm đến đất đai đấu giá tại địa bàn các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Thống Nhất và các TP Long Khánh, Biên Hòa. Nếu có hạ tầng tốt, quy hoạch chi tiết đồng nhất, các khu đất “vàng” có thể được đấu giá thành ở mức giá giá cao từ 30- 50 tỷ đồng/ha.