5 tháng 2023, cả nước có 4 địa phương đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, giảm 1 địa phương so với cùng kỳ.
Hết tháng 5/2023, cả nước có 4 tỉnh, thành phố đạt kim ngạch xuất khẩu từ 10 tỷ USD trở lên, giảm 1 địa phương so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho hay.
4 địa phương này bao gồm: TP.HCM, Bắc Ninh, Bình Dương và Thái Nguyên.
Địa phương rời top đạt kim ngạch xuất khẩu trên chục tỷ USD là Đồng Nai với kết quả 5 tháng chỉ đạt 8,53 tỷ USD trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 10,73 tỷ USD.
TP. HCM tiếp tục duy trì vị thế xuất khẩu lớn nhất cả nước với kim ngạch đạt 16,27 tỷ USD, tiếp đến là Bắc Ninh với 14,12 tỷ USD; Bình Dương với 12,09 tỷ USD; Thái Nguyên với 11,02 tỷ USD.
Dù vẫn duy trì được kim ngạch đạt từ 10 tỷ USD trở lên, nhưng kim ngạch cả 4 địa phương kể trên đều giảm sâu hai con số so với cùng kỳ năm ngoái.
Với 53,5 tỷ USD, riêng 4 địa phương trọng điểm kể trên chiếm 39,56% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
5 tháng đầu năm 2023, hoạt động xuất khẩu tiếp tục chịu ảnh hưởng từ những khó khăn trong sản xuất và sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu. Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, kim ngạch ước đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 35,19 tỷ USD, giảm 13,2%, chiếm 25,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 100,98 tỷ USD, giảm 11,1%, chiếm 74,2%.
Bên cạnh sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu, giá hàng hoá xuất khẩu giảm cũng là một trong những yếu tố làm giảm kim ngạch xuất khẩu 5 tháng.
Giá xuất khẩu bình quân nhiều mặt hàng giảm so với cùng kỳ năm trước, như: Chè giảm 7,9%, hạt điều giảm 1,5%, hạt tiêu giảm 34,3%, cao su giảm 21,1%, phân bón giảm 35,2%, chất dẻo nguyên liệu giảm 24,4%… Chỉ có một số ít mặt hàng có giá xuất khẩu tăng như: gạo tăng 7,9%, cà phê tăng tăng 3,5%, than đá tăng 38,5%...
5 tháng qua, cả nước có 23 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 01 tỷ USD (cao hơn 3 mặt hàng so với 4 tháng đầu năm), chiếm 87,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 07 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 65,4%). Có 26/45 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung các ngành hàng đều gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, nhất là là đối với hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu.
Kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm, tuy nhiên mức độ tác động đến xuất khẩu từng ngành hàng có sự khác nhau.
Những ngành hàng như dệt may, da giày, gỗ, thuỷ sản với thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU... có mức sụt giảm nhiều nhất; trong khi các ngành hàng như cao su, gạo, rau quả, hạt điều... với thị trường xuất khẩu chính là châu Á ít chịu tác động hơn.
Xuất khẩu sang Mỹ đạt 37 tỷ USD, giảm 19,5%, sang Trung Quốc đạt 19,8 tỷ USD, giảm 9,3%, sang 18,4 tỷ USD, giảm 6,5%, ASEAN đạt 13,9 tỷ USD, giảm 5,1%; Hàn Quốc đạt 9,5 tỷ USD, giảm 7,1%; duy Nhật Bản tăng nhẹ 0,4%, đạt 9,4 tỷ USD.