Một thời loạn phân lô bán nền
Trong gần 1 năm qua, tình hình giao dịch đất đai ở Đồng Nai khá “nóng” và đã xảy ra tình trạng các chủ đầu tư, công ty môi giới bất động sản, kể cả các cá nhân tiến hành phân lô, bán nền trái phép trên đất nông nghiệp. Điều này cũng khiến giá đất ở Đồng Nai tăng “phi mã”, đã có lúc đất nông nghiệp ở TP. Biên Hòa bị đẩy lên tới 20 - 50 tỷ đồng/ha, tại các huyện cũng có nơi bị giới đầu cơ đẩy lên 10 - 15 tỷ đồng/ha.
Đơn cử như vụ việc xảy ra tại phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa, vào khoảng đầu tháng 6/2018, một đầu nậu đất ở đây đã tự ý san ủi những ngọn đồi để phân lô rồi bán với giá 200 - 350 triệu đồng/lô (100 m2). Hay tại khu phố 2, phường Tân Biên, TP. Biên Hòa, một số người đã tự ý dùng ống cống để đổ bê tông làm bờ kè sát suối và không lâu sau đó thì những căn “nhà tạm” đã được dựng lên.
Chính quyền địa phương đã gắn nhiều biển cảnh báo cho người dân và khách hàng
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản tại xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, vào thời điểm cuối tháng 6/2018, “cò” đất hoạt động khá nhộn nhịp, đâu đâu cũng thấy các biển quảng cáo bán đất như từ quán cafe, cột điện hay các trực đường... và việc mua bán đất cũng khá dễ dàng, không phải lặn lội tìm kiếm.
Theo một cò đất tại đây, giá đất đang giao dịch chỉ ở khoảng 5 - 7 triệu đồng/m2 nhưng tất cả đều là sổ chung, chưa tách được thửa. Tuy nhiên, khách mua mà có nhu cầu muốn xây dựng thì vẫn thoải mái, chỉ cần đóng phạt khoảng 20 triệu đồng... và nếu cần thì sẽ có người làm cho?
Cò đất này cũng không ngần ngại dẫn khách đến những mảnh đất đã được san ủi và những công trình như điện, đường và hệ thống mương thoát nước đã được xây lắp hoàn chỉnh, kể cả những căn nhà được xây dựng trái phép. Nghiêm trọng hơn, có tổ chức còn phân lô, bán cả đất được giới thiệu làm cụm công nghiệp.
Cụ thể, vụ việc xảy ra ở Cụm công nghiệp Phước Tân (xã Phước Tân, TP. Biên Hòa), sau khi được UBND tỉnh Đồng Nai giới thiệu địa điểm 72 ha đất ở ấp Tân Cang (xã Phước Tân) làm cụm công nghiệp, theo luật, chủ đầu tư phải tiến hành các thủ tục pháp lý liên quan như xin phép chuyển đổi mục đích sử dụng, xin giấy phép làm cụm công nghiệp; đầu tư hệ thống hạ tầng, điện, nước, hệ thống xử lý nước thải…
Tuy nhiên, dù chưa hoàn thiện các thủ tục hồ sơ pháp lý trên nhưng chủ đầu tư đã phân lô, bán nền, ồ ạt xây dựng trái phép. Hệ quả, có khoảng 60 doanh nghiệp đã xây dựng nhà xưởng, nhà máy trái phép tại đây.
Đã khắc phục nhưng tình hình vẫn phức tạp
Nhằm ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền tràn lan, phá vỡ quy hoạch, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn và đã thành lập đoàn thanh tra để kiểm tra, làm rõ những sai phạm tại các “điểm nóng”. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đã thực hiện và triển khai nhiều biện pháp để khắc phục và ngăn chặn cụ thể.
Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản trên những tuyến đường lớn như Quốc lộ 51, Võ Nguyên Giáp... đã không còn cảnh cò đất lao ra đường bắt khách, văn phòng giao dịch dã chiến và những thông tin rao bán dự án tràn lan. Thay vào đó là cảnh những con đường đang được làm dang dở, những mảnh ruộng được san ủi nay để bỏ không, những thông tin rao bán bị tẩy xóa.
Những dự án phân lô bán nền tự phát bị chính quyền địa phương mạnh tay xử lý
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tôn Trọng, Chủ tịch UBND xã Phước Tân cho biết, UBND xã đã xử lý dứt điểm các trường hợp phát sinh thông qua các kế hoạch cưỡng chế, tăng cường kiểm tra, xử lý ngay khi phát hiện. Những trường hợp vi phạm về lĩnh vực đất đai, nhất là các đối tượng có hành vi phân lô, bán nền phá vỡ quy hoạch chung của tỉnh, của TP. Biên Hòa thì buộc phải khôi phục trả lại hiện trạng ban đầu.
“Từ tháng 1/2018 đến hết tháng 11/2018, trên địa bàn xã có 2 khu vực san lấp không phép với mục đích làm sân bãi và 32 trường hợp phân lô bán nền trái phép. So với cùng kỳ năm 2017 thì số trường hợp san lấp không phép giảm từ 13 vụ xuống còn 2 vụ, nhưng trường hợp làm đường phân lô bán nền trái phép lại tăng từ 14 vụ lên 32 vụ”, Chủ tịch UBND xã Phước Tân nói.
Ông Trọng cho biết thêm, theo kết quả kiểm tra xử lý thì UBND xã đã xử lý dứt điểm 24/32 trường hợp (đạt 75%), tình hình phân lô bán nền không còn diễn ra phức tạp như trước. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương còn đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân biết không nên mua đất của các đối tượng có hành vi phân lô, bán nền, những địa điểm giấy tờ không rõ ràng. Qua một thời gian chính quyền mạnh tay xử lý, tình trạng phân lô, bán nền, xây dựng nhà cửa và các công trình khác trên đất nông nghiệp trên địa bàn xã Phước Tân đã ổn định.
Tương tự, đại diện lãnh đạo UBND xã Tam Phước cho biết, qua kiểm tra, địa phương phát hiện trên địa bàn có đến 13 điểm có dấu hiệu san lấp, làm đường sá, dựng cột điện và nhất là có biểu hiện phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm.
“Những điểm có biểu hiện phân lô, bán nền trái pháp luật, địa phương đã tiến hành xử lý bằng cách cưỡng chế khôi phục lại hiện trạng ban đầu được 11/13 điểm, 2 điểm còn lại chúng tôi đã có kế hoạch xử lý trong thời gian tới. Những điểm bị cưỡng chế xong vẫn được địa phương tiếp tục theo dõi và kiên quyết không để tái phạm”, đại diện UBND xã Tam Phước chia sẻ.
Tuy nhiên, để giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực này, chính quyền địa phương cũng gặp không ít khó khăn như: những đối tượng đầu nậu khi giao dịch mua bán đất của dân không thông qua chính quyền sở tại; khi phân lô bán nền, người có nhu cầu mua cũng không qua chính quyền để tìm hiểu nguồn gốc đất có phù hợp với quy hoạch khu dân cư không...
Chưa kể, việc thực hiện cưỡng chế thu tiền phạt theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn nhiều vướng mắc, phức tạp, chưa có hướng dẫn cụ thê. Trong quá trình cưỡng chế đối với các trường hợp làm đường (đá) các đối tượng vi phạm thường dùng đất để lấp lên hoặc sao khi cưỡng chế thì lại tiếp tục san ủi lại. Đồng thời, có một số trường hợp cố tình chống đối gây khó khăn trong quá trình xử lý, như không hợp tác cung cấp hồ sơ liên quan, thi công vào ban đêm.
“Theo hướng dẫn thì UBND xã không đủ thẩm quyền đề tạm giữ các phương tiện thực hiện việc cải tạo, san lấp mặt bằng (xe tải, xe ủi) mà phải báo cáo Đội phản ứng nhanh của TP.Biên Hòa để xử lý. Nhưng trên thực tế, việc phối hợp giữa UBND xã và Đội phản ứng nhanh của Thành phố còn nhiều bất cập, chưa hiệu quả”, ông Trọng, Chủ tịch UBND xã Phước Tân nói và cho biết thêm, UBND xã đã kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo các ngành chuyên môn hỗ trợ địa phương có biện pháp xử lý dứt điểm.
Đồng thời, chỉ đạo Công an TP. Biên Hòa tăng cường kiểm tra xử lý, tạm giữ các xe cơ giới thực hiện việc vận chuyển đất, đá vào khu đất chưa được UBND Thành phố cấp phép san lấp, cải tạo mặt bằng.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com