Sân bay Long Thành đang thi công nhà ga, dự kiến sẽ đưa vào khai thác năm 2026 - Ảnh: ACV

Sân bay Long Thành đang thi công nhà ga, dự kiến sẽ đưa vào khai thác năm 2026 - Ảnh: ACV

Đồng Nai nhận diện cơ hội và thách thức khi Sân bay Long Thành hoạt động

0:00 / 0:00
0:00
Khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động năm 2026, sẽ là cơ hội rất lớn cho Đồng Nai “cất cánh”, song địa phương này sẽ gặp nhiều thách thức không nhỏ về đầu tư, quy hoạch, xây dựng.

Vấn đề này được các chuyên gia đề cập tại Hội thảo "Cơ hội, thách thức đối với Đồng Nai sau khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động", do Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức.

Cơ hội nhiều thách thức lớn

Hầu hết các sở, ngành và các chuyên gia tham dự hội thảo đều đồng tình khi Sân bay Long Thành đưa vào khai thác thì Đồng Nai sẽ được hưởng lợi rất lớn từ dự án quan trọng bậc nhất của cả nước.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai cho biết, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Nai xác định lấy sân bay Long Thành làm trọng tâm là động lực phát triển kinh tế, giúp địa phương đột phá phát triển chuyển đổi mô hình kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu.

Từ đó, chuyển từ các ngành công nghiệp hỗ trợ hỗn hợp sang 3 nhóm ngành công nghiệp mũi nhọn gồm:công nghiệp hàng không, công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip và trí tuệ nhân tạo…

Khi Sân bay Long Thành đi vào hoạt động sẽ giúp Đồng Nai phát triển các khu đô thị, trung tâm logistics, các khu công nghiệp… Tuy nhiên, cùng với cơ hội thì khó khăn thách thức đi cũng rất nhiều.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, có 4 thách thức mà Đồng Nai phải đối mặt gồm: hạ tầng chưa đầu tư kịp thời; nguồn lao động chưa đáp ứng được nhu cầu; chưa có cơ chế chính sách cho đô thị sân bay; tốc độ đô thị hoá nhanh sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ.

Nhìn ở quy mô tổng thể trong cả vùng Đông Nam Bộ, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, những năm gần đây vùng Đông Nam Bộ đang có nhiều nút thắt cần được tháo gỡ.

Vì vậy, khi có sân bay Long Thành, cùng với việc đầu tư hàng loạt tuyến cao tốc, đường vành đai các nút thắt sẽ dần được tháo gỡ.

Riêng đối với Đồng Nai, ông Thiên cho rằng, khi Sân bay Long Thành đi vào hoạt động, địa phương sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình đầu tư các dự án đầu tư quy mô lớn để tận dụng và khai thác tiềm năng từ sân bay quốc tế này.

“Khi có Sân bay lớn, tỉnh muốn đầu tư thật nhanh các dự án quy mô lớn, song nguồn lực của Đồng Nai còn hạn chế. Do đó, tỉnh cần những nhà đầu lớn với nguồn vốn lớn thì mới tận dụng được cơ hội”, PGS-TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Chuyên gia khuyến cáo quanh sân bay quy hoạch mật độ dân cư thấp

Dù Sân bay Long Thành đến năm 2026 mới đưa vào khai thác nhưng từ kinh nghiệm tư vấn các dự án sân bay ở nước ngoài, ông Jamie Bloomfield, Giám đốc Công ty Propelo Aviation (Singapore), khuyến cáo ngay từ lúc này Đồng Nai cần phải tính đến các phương án bảo vệ không gian ngoài ranh sân bay ngay từ bây giờ.

“Khi Sân bay Long Thành đi vào hoạt động sẽ tạo động lực phát triển đô thị nhưng chính sự phát triển này có thể cản trở tiềm năng mở rộng hoặc điều chỉnh trong tương lai” ông Jamie Bloomfield chỉ ra vấn đề.

Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh trao đổi với các chuyên gia và doanh nghiệp tại hội thảo. Ảnh: Anh Quân

Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh trao đổi với các chuyên gia và doanh nghiệp tại hội thảo. Ảnh: Anh Quân

Vị chuyên gia này cho rằng, ngay từ bây giờ Đồng Nai cần có phương án bảo vệ không gian ngoài ranh sân bay. Trong đó, phải hạn chế xây dựng các toà nhà cao tầng, xung quanh sân bay chỉ làm bãi đậu xe, sân golf…

Đồng thời, phát triển khu dân cư hợp lý, xung quanh sân bay quy hoạch để mật độ dân cư thấp để tránh sau này sân bay lại nằm trong đô thị, gây ra tiếng ồn.

Từ ý kiến của các chuyên gia, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh tổng kết và chỉ ra 5 thách thức mà tỉnh sẽ phải đối mặt khi Sân bay Long Thành đi vào hoạt động là: nhân lực chất lượng; nền kinh tế sân bay; hoàn thiện hạ tầng giao thông; phát triển các dịch vụ cho sân bay; xử lý và kiểm soát vấn đề môi trường; an ninh kinh tế, phòng chống tội phạm công nghệ cao.

“Tất cả những thách thức trên đòi hỏi Ban Cán sự Đảng, UBND tỉnh phải nghiên cứu, đề ra các giải pháp chủ động khắc phục, vượt lên trong thời gian tới. Có như vậy, Đồng Nai mới hiện thực hóa thành công mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại, tốc độ tăng trưởng cao và đi đầu trong phát triển kinh tế hàng không, công nghiệp công nghệ cao” Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai nhấn mạnh.

Tin bài liên quan