Chờ điều chỉnh chính sách
Từ đầu năm tới nay, nhiều dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh Đồng Nai bị chậm lại do chờ điều chỉnh về chính sách quản lý chi phí xây dựng theo Nghị định 68/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/10/2019.
Nhắc lại rằng, sau khi Nghị định 68 ban hành, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 16/2019/TT-BXD về hướng dẫn chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng và Thông tư 09/2019/TT-BXD hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Các thông tư trên có hiệu lực từ 15/2/2020. Vì thế, tỉnh Đồng Nai có những dự án chưa được duyệt dự toán buộc dừng lại để chờ đơn giá mới để tính toán mức đầu tư, dẫn đến tiến độ các dự án bị chậm để điều chỉnh lại hồ sơ cho phù hợp.
Ông Trần Văn Thanh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh (đơn vị được giao làm chủ đầu tư hơn 50% dự án đầu tư công của tỉnh Đồng Nai) cho biết: “Nhiều dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, nguồn vốn nhà nước ngoài ngân sách và dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư bị chậm tiến độ do phải điều chỉnh lại nhiều khâu như: định mức chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí xây dựng... Giữa tháng 2/2020, các thông tư hướng dẫn thực hiện các điều chỉnh trên mới có hiệu lực. Hơn nữa, mất ít nhất 3 tháng để UBND tỉnh hoàn thành việc xây dựng, ban hành các bộ đơn giá mới dựa trên định mức do Bộ Xây dựng đưa ra nên các dự án đã chậm tiến độ mất vài tháng”.
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có hàng trăm dự án bị chậm trễ vì hồ sơ sau khi điều chỉnh phải tiến hành lấy ý kiến các sở, ngành, nếu thống nhất và được phê duyệt mới tiếp tục thực hiện. Một số dự án lớn đã phải chậm tiến độ vì tính toán lại chi phí xây dựng như: dự án chống ngập các suối Chùa, Bà Lúa và cầu Quan (TP.Biên Hòa); dự án đường kết nối cảng Phước An...
Tính toán lại giá bồi thường
Thêm một vướng mắc nữa là các cơ quan hữu trách phải tính toán lại giá bồi thường theo Bảng giá đất mới. Cụ thể, Bảng giá đất mới giai đoạn 2020-2024 được UBND tỉnh ban hành vào đầu năm nên các dự án đang triển khai có thu hồi đất của người dân, các tổ chức cũng phải tính toán lại cho phù hợp.
Theo bảng giá đất mới, có những địa bàn giá đất tăng từ 10-200%, thực tế sẽ có lợi hơn cho người dân bị thu hồi đất, song phía các chủ đầu tư phải tính toán lại tổng mức đầu tư của dự án. Với những dự án đầu tư công, tổng vốn thực hiện tăng thêm sẽ kéo theo những thủ tục khác mất nhiều thời gian như xin điều chỉnh vốn và thông qua HĐND.
Cần phải nhắc lại rằng, rất nhiều dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh Đồng Nai không thể hoàn thành đúng kế hoạch đề ra vì vướng ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng. Vấn đề khiến người dân thắc mắc nhiều và chưa đồng tình để giao đất cho chủ đầu tư về giá bồi thường.
Tại một số khu vực tại Đồng Nai giá đất “ảo” cao ngất ngưởng nên khi các dự án triển khai tính toán bồi thường, người dân sẽ so sánh với mức giá “ảo” để yêu cầu đền bù. Việc Bảng giá đất mới được ban hành tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khâu đền bù giải phóng mặt bằng, song phải mất hơn 2 tháng chờ đợi UBND tỉnh ban hành hệ số giá đất, các công trình mới tiến hành áp dụng tính toán cụ thể tiền bồi thường, hỗ trợ cho các dự án.
Cần kịp thời gỡ khó
Đến hết tháng 4, tỉnh Đồng Nai giải ngân được gần 1 ngàn tỷ đồng, đạt tỷ lệ gần 25%. Để gỡ khó đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tỉnh Đồng Nai đã đưa ra các giải pháp để gấp rút giải ngân vốn cho các công trình, dự án.
Hiện tại, khó khăn về xây dựng đơn giá, định mức cho các công trình, dự án đều đã được tháo gỡ. Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện nhanh các điều chỉnh để trình phê duyệt nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Ngoài ra, đầu năm các chủ đầu tư thường tập trung vào các khâu như lập, trình cơ quan thẩm quyền duyệt thiết kế bản vẽ thi công, lựa chọn nhà thầu tư vấn giám sát, tư vấn lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu; lựa chọn nhà thầu… công tác thi công dự án, thường vào tháng cuối năm mới hoàn tất thủ tục để giải ngân dự án. Đây là một trong những lý do dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công chậm. Tỉnh Đồng Nai đã đốc thúc các chủ đầu tư nhanh chóng hoàn thành thủ tục để giải ngân, không để dồn vốn đến cuối năm.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công có thể điều chỉnh vốn các dự án nếu cần. Năm 2020, các dự án đầu tư công tỉnh Đồng Nai không lo thiếu vốn để thực hiện. Các dự án không giải ngân hết vốn sẽ lưu chuyển cho dự án khác cần nguồn vốn giải ngân nhiều hơn. Những năm gần đây, tỉnh Đồng Nai đã thực hiện việc điều chỉnh vốn trong các dự án nên tình hình giải ngân vốn đầu tư công mỗi năm đều đạt khá cao, với tỷ lệ trên 95%.