Dự án Hệ thống thoát nước khu vực suối Nước Trong
Tranh thủ đẩy tiến độ xây dựng
Tại công trường xây dựng Dự án Hệ thống thoát nước khu vực suối Nước Trong (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), các nhà thầu đảm nhận công tác thi công 5 gói thầu số 14, 15, 17, 25, 26 đang huy động hàng trăm kỹ sư, công nhân tranh thủ thời tiết nắng ráo để chạy hết tốc lực thi công nhằm đảm bảo tiến độ theo đúng thời gian giao kết trong các hợp đồng xây lắp ký với chủ đầu tư.
Được biết, dự án trên có tổng mức đầu tư 584 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp 309 tỷ đồng. Năm 2021, kế hoạch vốn bố trí cho Dự án gần 121 tỷ đồng. Mặc dù công trình xây dựng này bị đình trệ 4 tháng do ảnh hưởng của giãn cách xã hội, song với sự nỗ lực của chủ đầu tư và các nhà thầu, đến nay, Dự án đã giải ngân được gần 75 tỷ đồng.
Điều đáng mừng là, dự án này đang vào guồng thi công rất trơn tru và các nhà thầu kỳ vọng, với tốc độ xây dựng như hiện tại, Dự án vẫn sẽ về đích đúng hẹn. Hiện khối lượng xây lắp đã thực hiện ở 5 gói thầu từ 50 - 70% khối lượng hợp đồng.
Ông Hoàng Xuân Tài, Chỉ huy trưởng Gói thầu số 15 (Công ty TNHH Tư vấn kỹ thuật xây dựng Đồng Nai) cho biết, sau thời gian giãn cách xã hội, nhà thầu này thường xuyên huy động trên 40 nhân công với đầy đủ máy móc, thiết bị và tận dụng thời tiết thuận lợi để đẩy cường độ thi công lên mức cao nhất. Công ty tranh thủ từng ngày nắng ráo để thi công hạng mục đáy kênh, mái kênh, lan can và hệ thống cống thoát nước ngang.
“Bên cạnh đó, hạng mục đường quản lý 2 bên suối cũng được tập trung thi công. Hiện tại, khối lượng thi công đạt gần 60%. Theo tính toán, chúng tôi sẽ hoàn thành thi công vào dịp 30/4/2022, sớm hơn tiến độ giao kết trong hợp đồng xây lắp khoảng 2 tháng”, ông Tài nói.
Năm 2021, tổng nguồn vốn đầu tư công toàn tỉnh Đồng Nai được bố trí hơn 14.200 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương hơn 9.000 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương hơn 5.100 tỷ đồng và nguồn bội chi ngân sách địa phương 5,4 tỷ đồng.
Ông Tài cho biết thêm, Gói thầu số 15 còn vướng 4 điểm chưa giải phóng được mặt bằng, trong đó có 2 điểm hành lang bảo vệ Quốc lộ 51, đường ống cấp nước D.2000. Chủ đầu tư và Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Long Thành đang nỗ lực tháo gỡ vướng mắc mặt bằng và nhà thầu hy vọng sẽ sớm được bàn giao 100% mặt bằng của gói thầu.
Ở các dự án thành phần thuộc Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, cũng ghi nhận những nỗ lực triển khai xây dựng khẩn trương để lấy lại nhịp độ giải ngân sau dịch. Cụ thể, Dự án thành phần Hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn đã hoàn thành thi công và nghiệm thu 5 gói thầu ưu tiên, gồm 4 tuyến đường N23, N39, D1, D18 và Tuyến thoát nước ra suối Ông Quế. Hiện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai đang đôn đốc các nhà thầu lập hồ sơ quyết toán để hoàn tất việc giải ngân.
Với các gói thầu xây dựng (đợt 2), đã có 8/12 khu được các nhà thầu hoàn thành thi công khối lượng theo hợp đồng và nhà thầu lập hồ sơ quyết toán. Đối với các khu 1, 3, 6 và 12 (4 khu còn lại), dù thi công chậm, nhưng tình hình cũng khả quan, đã thi công xong hệ thống đường giao thông, hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thoát nước thải; khối lượng công việc còn lại chủ yếu là thi công bó nền, lát gạch vỉa hè, trồng cây xanh, sơn kẻ đường, lắp đặt biển báo giao thông. Hiện công tác thi công được các nhà thầu đẩy nhanh và dự kiến hoàn thành 4 khu này vào cuối tháng 11 và tháng 12/2021.
Các gói thầu xây dựng hệ thống điện trung hạ thế, viễn thông; gói thầu hệ thống chiếu sáng dù còn khó khăn, nhưng đạt tiến bộ. Theo đó, Gói thầu Hệ thống điện trung hạ thế, viễn thông đã thi công xong 100% hệ thống mương cáp ngầm, lắp đặt xong 100% tủ RMU, trạm biến áp và Điện lực Long Thành nghiệm thu đóng điện được tổng cộng 48/52 TBA, có thể cung cấp điện hạ thế cho 10 khu vực của Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn…
Đáng chú ý là Gói thầu Trạm xử lý nước thải, được khởi công ngày 18/1/2021. Nhà thầu đã nỗ lực vượt dịch thi công và đã hoàn thành các loại bể; các khối nhà chức năng cơ bản hoàn thành xây dựng, đang tiếp tục đẩy mạnh thi công lắp đặt cửa, sơn hoàn thiện; tiếp tục thi công san nền và đường nội bộ. Hạng mục lắp đặt các thiết bị công nghệ như cụm khử mùi, cụm hóa chất, phòng cháy chữa cháy, máy phát điện, tủ ATS cũng sẽ hoàn thành công tác xây lắp, lắp đặt thiết bị trong nước trong năm 2021 và dự kiến đến hết tháng 3/2022 sẽ lắp đặt xong toàn bộ thiết bị nhập khẩu để hoàn tất thủ tục xin Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép xả thải.
Tương tự, Dự án thành phần các công trình xã hội Khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn đang được gấp rút triển khai. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai, các nhà thầu đang thi công 11 công trình. Tất cả các gói thầu đều bị chậm tiến độ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hiện chủ đầu tư đôn đốc, yêu cầu các nhà thầu tổ chức làm tăng ca, khắc phục chậm tiến độ. Dự kiến, 4 công trình hoàn thành phần xây dựng trong năm 2021, 5 công trình kéo dài thời gian hoàn thành trong quý I/2022.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, trên địa bàn TP. Biên Hòa, nhiều dự án đầu tư công do UBND TP. Biên Hòa làm chủ đầu tư đã bắt nhịp tốt sau thời gian giãn cách. Theo đó, nhiều nhà thầu tranh thủ từng giờ đẩy tiến độ xây dựng nhằm nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong kế hoạch năm 2021. Nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân cao, dù triển khai trong điều kiện nhiều thách thức, như: đường nối từ đường Nguyễn Ái Quốc đến đường nối Phan Đình Phùng - Cây Chàm (69%), hệ thống thoát nước khu vực Quốc lộ 51 và Khu phố Bình Dương (70%), hạ tầng kỹ thuật Khu tái định cư phường Thống Nhất và Tân Mai (68,5%), Khu dân cư phục vụ tái định cư phường Tam Hiệp (97,1%)…
Nỗ lực giải ngân cao nhất
Theo đánh giá của nhiều đơn vị được UBND tỉnh Đồng Nai giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư các dự án công, tình hình giải ngân vốn năm 2021 rất căng và khó có thể đạt được kỳ vọng đặt ra, mặc dù chính quyền địa phương nỗ lực thực hiện hàng loạt giải pháp quyết liệt. Vốn đầu tư công tại Đồng Nai chưa thể chảy nhanh vào các dự án phần lớn do những nguyên nhân khách quan như hầu hết các công trình bị ngưng trệ trước các biện pháp giãn cách xã hội, tình trạng đứt gãy nguồn cung lao động, vật liệu, thiết bị và giá cả vật tư tăng cao. Dịch bệnh cũng khiến công tác giải phóng mặt bằng vốn đã khó lại càng thêm khó, vì các cơ quan hữu trách không thể đo vẽ, kiểm kê và gặp gỡ người dân để thỏa thuận đền bù và hỗ trợ giải tỏa.
Ông Ngô Thế Ân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện có 57 dự án do đơn vị làm chủ đầu tư đang được triển khai với tổng số 72 gói thầu xây lắp. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Đồng Nai, có 36 gói thầu buộc phải ngưng thi công hoàn toàn. Dù tỉnh có chủ trương các dự án đầu tư công trọng điểm vẫn được phép duy trì thi công trong điều kiện giãn cách xã hội, nhưng công tác vừa thi công, vừa chống dịch với nguyên tắc 5K, phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” không đơn giản. Trên thực tế, các nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn khi duy trì tiến độ thi công, nên dù nỗ lực khắc phục, nhiều nhà thầu đã phải tạm dừng thi công sau một thời gian ngắn ngủi áp dụng phương án này.
Được biết, kế hoạch vốn đầu tư công của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai năm 2021 được giao là hơn 1.730 tỷ đồng, song tới đầu tháng 11/2021, tỷ lệ giải ngân mới đạt mức khá khiêm tốn, gần 50%. Ông Ngô Thế Ân cho rằng, ngoài lý do nhiều gói thầu phải ngưng trệ thi công, nguồn cung vật tư, vật liệu, nguồn nhân - vật lực phục vụ thi công bị gián đoạn, thì vướng mắc lớn là thiếu mặt bằng sạch để bàn giao cho các nhà thầu. Hiện có 18 dự án do Ban Quản lý làm chủ đầu tư bị vướng mắc mặt bằng kéo dài, như cầu Vàm Sứt, đường Hương lộ 2, Dự án chống ngập khu vực suối Chùa, suối Bà Lụa, suối Cầu Quan, Dự án kè gia cố bờ sông Đồng Nai…
Về phía các địa phương được UBND tỉnh Đồng Nai giao làm chủ đầu tư, theo đánh giá, tiến độ giải ngân cũng gặp khó. Đơn cử. TP. Biên Hòa được giao kế hoạch vốn lớn, song những khó khăn chung khiến Thành phố phải rất nỗ lực giải ngân thực hiện các dự án. Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ tịch UBND TP. Biên Hòa cho biết, kế hoạch vốn tỉnh Đồng Nai giao Thành phố làm chủ đầu tư năm 2021 là 1.073 tỷ đồng, tới đầu tháng 11/2021, mới giải ngân được hơn 54%. Đối với nguồn vốn kế hoạch đầu tư công của TP. Biên Hòa là 1.108 tỷ đồng, tới đầu tháng 11/2021 giải ngân được 726.884 triệu đồng, đạt 115% kế hoạch tỉnh giao và đạt 65,5% kế hoạch HĐND TP. Biên Hòa giao.
Đáng chú ý nhất trên địa bàn Biên Hòa là hai dự án trọng điểm của tỉnh: Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường ven sông Đồng Nai có tổng mức đầu tư hơn 1.3000 tỷ đồng và Dự án xây dựng công viên và kè sông Đồng Nai có tổng mức đầu tư 614 tỷ đồng. Theo dự kiến, 2 dự án sẽ được khởi công xây dựng trong quý II/2021. Tuy nhiên, dịch Covid-19 khiến công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng bị chậm trễ, nên thời điểm khởi công được điều chỉnh sang đầu tháng 12/2021.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, để đạt mục tiêu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 trên 95%, tỉnh đang chạy nước rút triển khai các dự án. Tuy nhiên, mục tiêu này rất khó khả thi. Đồng Nai quyết liệt yêu cầu các chủ đầu tư chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai nhanh các dự án ngay sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Đáng chú ý, các nhà thầu phải lên kế hoạch tăng ca ít nhất 1,5 lần để đảm bảo bù lại tiến độ đã chậm, nhằm hoàn thành kế hoạch tiến độ như hợp đồng xây lắp đã giao kết.
Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh thành lập Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ở từng địa phương do Chủ tịch UBND cấp huyện, thành phố đứng đầu để thường xuyên lãnh đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công. Các chủ đầu tư phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm, dự án có vốn lớn. Lãnh đạo đơn vị trực tiếp phụ trách từng dự án, tổ chức giao ban định kỳ với các cơ quan hữu trách liên quan để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong giải ngân cho các dự án.
Cùng với đó, Đồng Nai sẽ khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công năm 2021 để hoàn thành việc giao vốn chi tiết cho các dự án. Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai, tài nguyên; thực hiện nghiệm thu, thanh toán ngay khi có khối lượng. Tỉnh chủ động rà soát điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, còn thiếu vốn.
Tỉnh cũng sớm giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 làm cơ sở giao vốn cho các dự án khởi công mới. Công tác rà soát việc phân bổ vốn cho các dự án cũng được nâng cao để phù hợp với tiến độ thực hiện, khả năng giải ngân, bảo đảm trọng tâm, không dàn trải, manh mún. Địa phương này cũng đang rốt ráo thành lập tổ công tác chuyên về bồi thường giải phóng mặt bằng để kịp thời giải quyết những vướng mắc, đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho các dự án.