Doanh nghiệp cần sự an tâm, an toàn từ cơ chế, chính sách, từ tư duy ủng hộ, cổ súy đổi mới, sáng tạo, tạo điều kiện cho kinh doanh thuận lợi. Ảnh: Đức Thanh
1. Trước Ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2022, giới kinh doanh Việt nhận tin xấu. Thêm những doanh nhân tên tuổi bị bắt vì những hành vi vi phạm pháp luật. Không khí của ngày kỷ niệm như trùng lại.
“Tôi đã chủ đích đến hỏi một số doanh nghiệp lớn. Họ nói với tôi, không thể vì một vài trường hợp sai phạm mà đánh đồng cả cộng đồng doanh nhân”, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tâm tư.
Sự đánh đồng này không chỉ gây ra những tác động tâm lý, mà đang gây khó cho hoạt động kinh doanh của những ngành, lĩnh vực có doanh nghiệp vi phạm. Thậm chí, thị trường đang quay lưng với trái phiếu doanh nghiệp trong đúng thời điểm đáng ra đây là kênh huy động vốn, đỡ gánh nặng cho hệ thống ngân hàng, giảm áp lực lạm phát cho nền kinh tế.
Không chỉ ông Trần Đình Thiên cảm nhận được không khí trầm lắng này. Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lo ngại hơn, bởi sự bất an từ cả doanh nghiệp và thị trường đang lan rộng.
“Trong kinh doanh, sẽ có những doanh nghiệp thiếu liêm chính, sẵn sàng đặt lợi nhuận lên trên pháp luật, cần phải xử lý nghiêm, để thiết lập môi trường kinh doanh lành mạnh, để bảo vệ nhà đầu tư, doanh nghiệp làm ăn chân chính, làm nền móng cho sự phát triển của thị trường. Tuy nhiên, thông điệp này chưa được các cơ quan quản lý nhà nước thể hiện rõ trong cả cơ chế, chính sách, cũng như cách ứng xử”, ông Tuấn bày tỏ quan điểm.
Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước có nhiều cải thiện. Trong rất nhiều hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật, người dân cũng như doanh nghiệp đã được xác định là trung tâm. Tuy nhiên, ông Tuấn nhắc đến Dự thảo Luật Thanh tra mà VCCI vừa có văn bản góp ý gửi Ủy ban Pháp luật của Quốc hội vào tuần trước, để chứng minh cho thực tế là còn rất nhiều vấn đề trong mối quan hệ này.
“Mục tiêu của thanh tra là thúc đẩy doanh nghiệp an tâm thực thi pháp luật, chứ không phải để bắt lỗi, để doanh nghiệp lo sợ vì các quy định không rõ ràng. Có doanh nghiệp phản ánh rằng, đoàn kiểm tra không chỉ ra được hành vi mà doanh nghiệp vi phạm, nhưng cũng không đưa ra kết luận không vi phạm để doanh nghiệp có thể khôi phục hoạt động bình thường”, ông Tuấn nói.
Đó là chưa kể nhiều trường hợp, các đoàn thanh tra hoặc thành viên đoàn thanh tra vội vàng cung cấp thông tin cho báo chí hoặc bên thứ ba khi mới bắt đầu thanh tra doanh nghiệp, thông tin chưa đầy đủ, gây hiểu nhầm và thiệt hại cho doanh nghiệp. Hệ quả là tạo ra hình ảnh thiếu tin cậy của doanh nghiệp, khoảng rộng của khu vực phi chính thức vẫn chưa được thu hẹp dù có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển đổi...
Ngay trong khu vực doanh nghiệp, nhiều hoạt động được đưa vào “vùng xám”. “Nhiều doanh nghiệp không muốn lớn lên, sợ bị chú ý, nên coi ‘vùng xám’ là sự bảo vệ, chấp nhận ‘hai sổ’, chấp nhận bỏ qua các nguyên tắc quản trị... Nhưng đó lại là những cái bẫy pháp lý mà doanh nghiệp có thể bị sập bất cứ lúc nào”, ông Tuấn phân tích.
2. Nếu không có những vụ việc trên, ông Tuấn đã có thể kể nhiều hơn về chuyến làm việc với Meta trong chuyến đi Mỹ hồi tháng 8 vừa qua, về cái tên Việt Nam được nhắc đến nhiều, bên cạnh Ấn Độ, Indonesia. Đặc biệt, một số doanh nghiệp Singapore đang tìm đến Việt Nam để start-up, bởi họ cần nguồn nhân lực chất lượng của Việt Nam...
“Nhưng vấn đề là đằng sau nhiều biển tên công ty TNHH, công ty cổ phần của Việt Nam là những cơ thể chưa trưởng thành về quản trị. Các vụ việc của doanh nghiệp vừa qua cho thấy, quyết định sai trái của người đứng đầu đã làm hỏng cả doanh nghiệp”, ông Tuấn tâm tư.
Tạo môi trường cạnh tranh, khuyến khích và hậu thuẫn cho đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy quản trị doanh nghiệp hiện đại, thúc đẩy doanh nghiệp liêm chính... là cách tiếp cận để đưa doanh nghiệp lớn lên, mạnh hơn, chuyên nghiệp hơn.
Nhìn vào các vụ việc, có thể thấy, quản trị trong các doanh nghiệp này thiếu cơ chế ngăn ngừa xung đột lợi ích giữa các doanh nghiệp trong hệ thống, thiếu hệ thống giám sát nội bộ có hiệu quả..., dẫn đến sự lạm quyền và các hành vi vi phạm pháp luật của người đứng đầu. Trong khi đó, công cụ để bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, có cơ chế ngăn chặn sai phạm sớm, cũng như vai trò giám sát của cộng đồng, xã hội, lại chưa hoàn thiện.
Đang có nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam đã có 2 thập kỷ thành công với những cuộc cách mạng về gia nhập thị trường, song mong muốn nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp thông qua phiên bản Luật Doanh nghiệp 2015 chưa có nhiều dấu ấn. Hệ quả là, nhiều doanh nghiệp đã lớn lên về quy mô, nhưng quản trị doanh nghiệp không được cải thiện, tạo nên những “quả bom nổ chậm” trong nền kinh tế.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc tuân thủ thông lệ quản trị doanh nghiệp tốt chính là để bảo vệ doanh nghiệp. Ở nhiều nước, các doanh nghiệp đã vượt qua sự tuân thủ, nghĩa là luật quy định ở A, doanh nghiệp thực hiện tốt hơn, ở mức A+ chẳng hạn.
“Còn doanh nghiệp Việt Nam đang ở mức thúc đẩy tuân thủ đúng luật. Ở đây, cũng phải làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp, rằng nếu muốn đi xa hơn, muốn trường tồn, thì dù là công ty gia đình, cũng phải tuân thủ các nguyên tắc quản trị”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Đặc biệt, nhận thức về quản trị doanh nghiệp cũng cần được phổ biến trong cộng đồng xã hội, cơ quan quản lý nhà nước. Khi doanh nhân vi phạm, bị bắt, thì không đồng nghĩa với doanh nghiệp có họ trở thành con tin. Chìa khóa của sự nhận thức này, theo TS. Lê Duy Bình, nằm ở sự trở lại nguyên tắc thị trường trong điều hành.
Sau 2 năm dịch bệnh, do tình huống đặc biệt, Chính phủ phải áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, phục vụ mục tiêu phục hồi nhanh. Nhiều quyết định hành chính xuất hiện trong điều hành, cùng với tâm lý trông chờ hỗ trợ của nhiều doanh nghiệp. Đã có doanh nghiệp lợi dụng cơ chế đó để làm giàu, nhưng nhiều doanh nghiệp rơi vào tình thế khổ sở.
Nhìn vào việc điều hành xăng dầu thời gian qua, sẽ thấy yếu tố phi thị trường ảnh hưởng nặng nề thế nào tới sự vận hành bình thường của thị trường, cũng như hoạt động của doanh nghiệp. Mục tiêu của Nhà nước sẽ khác nhau tùy thời điểm, như đủ hàng, giá thấp, nhưng vì áp đặt công cụ hành chính để phục vụ mục tiêu, nên doanh nghiệp gánh chịu không chỉ thiệt hại kinh tế, mà còn bị ảnh hưởng về hình ảnh.
Suốt vài tháng qua, nhiều doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra, bị lên án bởi không thể chịu lỗ hơn, phải xin tạm đóng cửa... “Đã đến lúc tư tưởng này phải lùi lại, nhường chỗ cho điều hành theo nguyên tắc thị trường, lấy đó làm tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả chính sách”, TS. Bình đề xuất.
Tổng thể hơn, thời điểm này, cải cách thể chế không chỉ để giảm chi phí tuân thủ nữa, mà cần sử dụng công cụ thị trường nhuần nhuyễn hơn. Khi đó, không chỉ nguồn lực được phân bổ hiệu quả, mà quan hệ Nhà nước và doanh nghiệp rạch ròi hơn trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật.
3. “Bối cảnh đang đẩy độ rủi ro của môi trường kinh doanh cao hơn, ảnh hưởng trực tiếp tới tinh thần khởi nghiệp của người trẻ”, TS. Bình lo ngại.
Khác với các quyết định dấn thân vào kinh doanh của thế hệ doanh nhân sau Đổi mới, chủ yếu là vì mưu sinh, vì nghèo đói, thì hiện tại, nhiều doanh nghiệp được thành lập để thỏa mãn nhu cầu sáng tạo, muốn khám phá, thử sức trong thị trường cạnh tranh khốc liệt.
“Khi các doanh nghiệp chấp nhận bỏ vốn đầu tư, chấp nhận đối mặt với rủi ro của thị trường, họ cần sự an tâm, an toàn từ cơ chế, chính sách, từ tư duy ủng hộ, cổ súy đổi mới, sáng tạo, tạo điều kiện cho kinh doanh thuận lợi. Nếu thiếu các yếu tố đó, tinh thần và động lực khởi nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn”, TS. Bình nói.
Lúc này, theo TS. Trần Đình Thiên, thể chế cần phải thay đổi theo hướng thúc đẩy doanh nghiệp dùng những nguồn lực tiếp tục tạo cơ hội việc làm, cạnh tranh thúc đẩy phát triển. Tạo môi trường cạnh tranh, khuyến khích và hậu thuẫn cho đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy quản trị doanh nghiệp hiện đại, thúc đẩy doanh nghiệp liêm chính... là cách tiếp cận để đưa doanh nghiệp lớn lên, mạnh hơn, chuyên nghiệp hơn.
Doanh nghiệp lớn lên sẽ nâng đất nước đi lên.