Động lực thúc đẩy phục hồi kinh tế Việt Nam năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
Nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng trở lại, xuất khẩu tăng mạnh sẽ là động lực cho tăng trưởng kinh tế 2022. Một động lực quan trọng khác là sự phục hồi của lĩnh vực dịch vụ, du lịch.
Dịch vụ, du lịch đang được coi là những động lực tăng trưởng mới trong năm 2022.

Dịch vụ, du lịch đang được coi là những động lực tăng trưởng mới trong năm 2022.

Trông vào xuất khẩu

Có nhiều dự báo và các diễn biến trên thực tế cho thấy, kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi, song có lẽ, Fitch Ratings là một trong những tổ chức có cái nhìn lạc quan nhất về kinh tế Việt Nam. Trong báo cáo được công bố gần đây, Fitch Ratings cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,9% vào năm 2022 và 6,5% vào năm 2023, khi sự phục hồi được giữ vững.

Dự báo trên cao hơn khá nhiều so với mục tiêu tăng trưởng mà Chính phủ đặt ra, cũng như so với dự báo của các định chế như Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Cơ sở để Fitch Ratings đưa ra dự báo này chính là nhu cầu trong nước phục hồi và hoạt động xuất khẩu tăng mạnh.

“Lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng vượt trội trong khu vực, nhờ hưởng lợi từ khả năng cạnh tranh về chi phí và một số hiệp định thương mại lớn”, Fitch Ratings nhận định.

Trên thực tế, nhiều năm nay, xuất khẩu vẫn luôn là một động lực chính cho tăng trưởng. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt trên 336,3 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Xuất khẩu tăng nhanh hơn nhập khẩu, nên cả năm ngoái, cán cân thương mại thặng dư 4,08 tỷ USD.

“Những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết đã mở ra rất nhiều cơ hội cho tiếp cận thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Những cơ hội tiếp cận thị trường đó sẽ tạo điều kiện cho phát triển sản xuất trong nước từ công nghiệp, nông nghiệp cho đến dịch vụ”, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam nói.

Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường IHS Markit, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 1/2022 của Việt Nam đã đạt 53,7 điểm, cao hơn tháng trước và đây là chỉ số cải thiện cao nhất trong vòng 9 tháng qua. Con số này đã thể hiện sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ từ thời điểm đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam bùng phát.

Tháng 1, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) chỉ tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, do đây là thời điểm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm công nghiệp, nhưng dự báo, tình hình sẽ khả quan hơn trong các tháng tiếp theo.

Theo báo cáo của IHS Markit, khoảng 60% đại diện các doanh nghiệp tham gia khảo sát dự đoán triển vọng sản lượng sẽ tăng lên, dù mức độ lạc quan còn tuỳ vào khả năng kiểm soát dịch bệnh. “Các nhà sản xuất Việt Nam đã có bước khởi đầu tích cực cho năm 2022 khi không còn những hạn chế trên phạm vi rộng. Đây là yếu tố để từ đó, lĩnh vực sản xuất có thể tăng trưởng, bất chấp số lượng ca nhiễm Covid-19 vẫn tương đối cao”, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit nói.

Kỳ vọng vào dịch vụ, du lịch

Dịch vụ, du lịch xem ra đang được coi là những động lực tăng trưởng mới trong năm 2022, sau hai năm 2020-2021 bị gián đoạn và đình trệ. Điều khiến cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài hồ hởi đó là việc Chính phủ Việt Nam đã công bố lộ trình mở cửa trở lại ngành du lịch và gỡ bỏ các biện pháp hạn chế nhập cảnh.

Thông tin cho biết, Việt Nam dự kiến mở cửa trở lại các hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới kể từ ngày 15/3. Các đường bay quốc tế cũng bắt đầu được mở cửa trở lại và đây chính là các yếu tố quan trọng để du lịch, đầu tư phục hồi, tạo nền tảng cho phục hồi kinh tế.

“Chúng tôi khuyến khích Chính phủ tiến xa hơn và nhanh hơn trong việc tái mở cửa để Việt Nam có thể phát huy hết tiềm năng của mình với tư cách là một nước đi đầu trong lĩnh vực du lịch”, EuroCham bày tỏ quan điểm.

Trong khi đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng cho sự phục hồi của nền kinh tế chính là việc mở lại biên giới cùng với một bộ quy tắc và quy định nhập cảnh quốc gia để cho phép các doanh nhân và khách du lịch quay trở lại một cách an toàn. “Điều này một lần nữa đảm bảo rằng, lợi thế cạnh tranh không bị từ chối và nhường lại cho các đối thủ trong khu vực”, đại diện Hiệp hội Anh quốc nhấn mạnh.

Tuy nhiên, một cách thẳng thắn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, không phải chỉ một động lực duy nhất có thể vực dậy nền kinh tế. “Phải trông chờ vào tất cả các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, đầu tư công, sức cầu của nền kinh tế”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Theo Thứ trưởng, để các động lực này phát huy hiệu quả, phải quyết liệt thực hiện các biện pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và đặc biệt là Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.

Đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam thực thi gói chính sách 350.000 tỷ đồng nhằm phục hồi và phát triển kinh tế trong 2 năm 2022-2023, các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp rất trông chờ vào các chính sách tiền tệ đúng đắn này, cũng như sự hỗ trợ từ Chính phủ, để các công ty và rộng hơn là nền kinh tế có thể nhanh chóng trở lại mức tăng trưởng và phát triển trước khi đại dịch bùng nổ.

“Điều quan trọng nữa là Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm và hành động của các nước khác để tối đa hóa hiệu quả và tốc độ phục hồi, cũng như đảm bảo đất nước không bị tụt hậu khi mở cửa lại nền kinh tế trong khu vực và toàn cầu”, Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc bày tỏ quan điểm.

Trước thềm Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), diễn ra hôm nay (21/2) với chủ đề “Phục hồi và Phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới”, các nhà đầu tư nước ngoài đã bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng hồi phục của nền kinh tế Việt Nam. “Việt Nam đang ở một vị thế mạnh mẽ nhất để phát triển thịnh vượng trong thời kỳ hậu đại dịch này. Các nền tảng cho ba thập kỷ tăng trưởng kinh tế gần như không bị gián đoạn của Việt Nam vẫn còn vững chắc”, đại diện của EuroCham chia sẻ.

Tin bài liên quan