Tăng trưởng xanh không chỉ là xu thế tất yếu, mà còn trở thành động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế

Tăng trưởng xanh không chỉ là xu thế tất yếu, mà còn trở thành động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế

Động lực tăng trưởng mới từ thực hành ESG

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Tăng trưởng kinh tế là mục tiêu mà mọi quốc gia đều hướng tới, nhưng phát triển xanh, bền vững đang trở thành ưu tiên hàng đầu nhằm đạt được không chỉ sự thịnh vượng về kinh tế mà còn bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.

Xu thế tất yếu và cơ hội tăng trưởng mở rộng

Thực hành ESG, tức đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị, cũng như triển khai các mô hình kinh doanh bền vững và tăng trưởng xanh nói chung không chỉ là xu thế, mà còn là điều kiện bắt buộc.

Tại Việt Nam, ESG ngày càng được quan tâm rộng rãi, phần lớn là nhờ sự nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy thực hành các thông lệ liên quan đến ESG và sự gia tăng nhu cầu của nhà đầu tư với đầu tư bền vững.

Báo cáo ESG tại Việt Nam do PwC công bố năm 2022 cho biết, 80% công ty được khảo sát có kế hoạch cam kết ESG trong vòng 2 - 4 năm tới. Theo đó, việc công bố dữ liệu và báo cáo ESG sẽ trở nên phổ biến hơn và trở thành xu thế không thể đảo ngược trong tương lai.

Phát biểu tại Hội thảo “Tìm động lực tăng trưởng từ ESG” ngày 23/5/2024 do Báo Đầu tư tổ chức, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, tăng trưởng xanh là vấn đề cấp thiết, là xu thế tất yếu, đồng thời là động lực tăng trưởng kinh tế.

Trong hành trình tăng trưởng xanh, ESG là bộ tiêu chuẩn đo lường, đánh giá phát triển bền vững của doanh nghiệp. Sau đại dịch Covid-19, nhóm cổ phiếu đáp ứng ESG liên tục tăng trưởng tốt. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, ESG là cuộc chơi mới về trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội. Thống kê của Ngân hàng Standard Chartered cho thấy, sau đại dịch Covid-19, tăng trưởng cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp thực hành ESG cao hơn nhóm doanh nghiệp trong Top VNR 500.

Hiện nay, ngoài vấn đề lợi nhuận, doanh nghiệp phải quan tâm đến cả môi trường và xã hội. Các doanh nghiệp lớn đều nhận thấy, việc thúc đẩy, tuân thủ ESG không chỉ giúp họ phát triển bền vững, mà có lợi ích lâu dài cho cổ đông và cộng đồng.

“Các doanh nghiệp lớn đều tích hợp tiêu chí ESG trong quá trình phát triển và đây là cuộc chơi bắt buộc với các doanh nghiệp nếu muốn đi dài hơi”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nói.

Ở Việt Nam, tăng trưởng xanh hướng đến thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường, công bằng về xã hội, là cơ hội để phát triển trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực hướng tới thực hiện cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việt Nam là quốc gia đang phát triển, đang chuyển đổi, cần giải bài toán đạt tăng trưởng cao nhưng bền vững.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tập trung xây dựng, hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền bộ tiêu chí phân loại xanh quốc gia. Đây là khuôn khổ pháp lý rất quan trọng để triển khai mục tiêu tăng trưởng xanh, là cơ sở để các bộ, ngành và địa phương lựa chọn các dự án đầu tư, để phân bổ các nguồn lực trong nước và quốc tế, phân bổ nguồn tín dụng xanh và nhất là để các nhà đầu tư có thể đối chiếu các tiêu chí có thể tiếp cận chính sách ưu đãi đầu tư, cũng như nguồn tài chính xanh từ các tổ chức”, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp Việt nếu muốn tiếp tục tham gia vào các thị trường lớn thì phải nhận diện được những quy định liên quan đến ESG, nếu không sẽ đánh mất tiềm năng hội nhập vào chuỗi giá trị quốc tế. Hiểu rõ về ESG sẽ mang tới cho các doanh nghiệp Việt những cơ hội to lớn hơn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách và cách tiếp cận ưu đãi mới để phù hợp với định hướng của Việt Nam, cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế về ESG. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chuyển đổi năng lượng hóa thạch, tiến tới chấm dứt sản xuất các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch; phát triển các công trình xanh đạt mức phát thải carbon bằng 0 hay tăng cường sử dụng các vật liệu tái chế…, sắp tới sẽ là những lĩnh vực nhận được nhiều ưu tiên trong chính sách của Việt Nam, đồng thời xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh.

Nhiều lợi ích khi thực thi ESG

Việc đầu tư ESG đòi hỏi nhiều chi phí và nỗ lực, tuy nhiên, những lợi ích mà doanh nghiệp có thể nhận lại khi thực thi ESG là xứng đáng.

Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư nhận xét, việc áp dụng các tiêu chí ESG, nhìn theo cách chủ động không hoàn toàn chỉ là những thách thức, tốn kém, hay thuần túy chạy theo xu hướng. Nhiều chủ thể trên thương trường ngày càng nhận ra rằng, tiêu chí quan trọng này cũng chính là thước đo để đánh giá khả năng triển khai mô hình kinh doanh bền vững trong con mắt các bạn hàng, đối tác. Chính những người tiên phong, có thành tựu bứt phá trong việc áp dụng các tiêu chuẩn ESG chính là những đối tác, bạn hàng tin cậy.

“Cơ hội mở rộng thị trường, tăng cường hợp tác của các doanh nghiệp thành công trong áp dụng các tiêu chuẩn ESG đang dần tỏ ra vượt trội so với những chủ thể khác. Thực hành ESG, theo cách như vậy, trở thành một động lực tăng trưởng mới cho những thành viên sớm nắm rõ và tuân thủ những luật chơi mới”, ông Lê Trọng Minh nói.

Ông Nguyễn Giang Nam, Phó tổng giám đốc phụ trách Tài trợ dự án, BCG Energy cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu tiến tới Net Zero, trong quá trình này, phát triển năng lượng tái tạo là tất yếu. Dự kiến, để đạt được Net Zero, năng lượng tái tạo phải chiếm trên 70% nguồn cung ứng điện cho xã hội.

Theo đó, BCG Energy đang đi đúng định hướng của Chính phủ về phát triển năng lượng tái tạo phục vụ mục tiêu bền vững.

“Về hoạt động của Công ty, cuối năm ngoái, chúng tôi đã M&A Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa - đơn vị đã được cấp phép đầu tư xử lý tồn đọng rác thải sinh hoạt, từ đó tạo ra nguồn năng lượng sạch. Hiện nay, Tâm Sinh Nghĩa đang hoạt động dưới hình thức nhà máy xử lý, phân loại và đốt rác tại TP.HCM, Long An, Kiên Giang. Trước đó, trong tháng 8/2023, chúng tôi đã ký kết hợp tác với một công ty công nghệ về dữ liệu ESG hàng đầu châu Á. Chúng tôi muốn minh bạch lượng phát thải của Tập đoàn, các công ty thành viên, bởi việc thực thi ESG trong thực tế vận hành của doanh nghiệp tạo ra uy tín với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thông qua việc này, chúng tôi đã thu hút được khoảng 60 triệu USD từ các quỹ đầu tư nước ngoài, cũng như có được niềm tin của các nhà đầu tư, đối tác tại Việt Nam. Có thể nói, có nhiều lợi ích mà Tập đoàn đã nhận được từ việc thực hành ESG”, ông Nguyễn Giang Nam chia sẻ.

Ông Matthew Smith, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam khẳng định, việc thực hành ESG giúp nâng giá trị doanh nghiệp trong mắt nhà đầu tư. Doanh nghiệp không có sự lựa chọn nào khác ngoài thực hành tốt các yếu tố ESG nếu muốn tiếp cận dòng vốn quốc tế, bởi đây đã trở thành yếu tố bắt buộc.

Theo ông Matthew Smith, các nhà đầu tư luôn phải tính toán và dự báo giá trị hợp lý của doanh nghiệp hiện tại và trong tương lai trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Dựa trên các tính toán trong thời gian qua, trong bối cảnh các yếu tố khác của doanh nghiệp không đổi, nếu công ty có chuẩn mực ESG tốt hơn thì sẽ có rủi ro ít hơn. Đây là lý do giá trị của doanh nghiệp thực hành ESG trong mắt nhà đầu tư cao hơn.

Ban đầu, việc đầu tư ESG có thể gây tranh cãi, bởi việc thực hành ESG đòi hỏi phải bỏ ra nhiều chi phí, “ăn” vào dòng tiền. Tuy nhiên, trong dài hạn, yếu tố ESG sẽ có tác động tích cực tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, khi có thể làm hài lòng nhà quản lý, đối tác, người mua hàng, từ đó nhận về “phần thưởng”.

Bởi lý do này, từ góc nhìn của nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hành ESG có thể nâng dòng tiền dự kiến/kỳ vọng trong tương lai, giúp giá vốn mà nhà đầu tư bỏ ra thấp hơn. Về phía doanh nghiệp, thực hành ESG giúp việc huy động vốn hiệu quả hơn, nhất là so với các công ty không thực hiện ESG tốt bằng.

Theo số liệu của Bloomberg, tính tới năm 2022, các tài sản ESG trên toàn cầu đạt khoảng 30.000 tỷ USD và con số này có thể tăng lên gấp đôi cho tới năm 2030. Tất cả các nhà đầu tư định chế đều có chiến lược phân bổ vốn đầu tư cho ESG. Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp phải quan tâm hàng đầu nếu muốn thu hút vốn quốc tế, bởi phần lớn nguồn vốn sẽ được phân bổ cho lĩnh vực ESG.

“Việc đầu tư ESG không chỉ được thúc đẩy bởi nhà đầu tư định chế trước quy định của chính phủ, mà còn có động lực lớn tới từ nhóm nhà đầu tư cá nhân - đối tượng không chịu quy chế bắt buộc nào. Tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân tham gia đầu tư ESG đã tăng từ 20% năm 2016 lên 25% năm 2018. Theo quan sát của chúng tôi, đây là nhóm nhà đầu tư trẻ, những người sinh sau năm 1990. Người trẻ ngày càng quan tâm và có thái độ nghiêm túc với tương lai”, ông Matthew Smith cho biết.

Từ góc nhìn cá nhân, vị giám đốc nghiên cứu của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, trong 3 yếu tố thành phần của ESG thì G (quản trị) là quan trọng nhất.

“Tôi không tin một doanh nghiệp quản trị kém lại quan tâm tới môi trường (E) và xã hội (S). Nói một cách thẳng thắn, nếu quản trị không ra gì thì đừng kỳ vọng tới yếu tố môi trường, xã hội của doanh nghiệp”, ông Matthew Smith nói.

Tin bài liên quan