ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 9/5.
Động lực tăng điểm có thể sẽ bị giảm sút
(CTCK FLC - FLCS)
Phiên giảm điểm ngày 8/5 đã có khối lượng thấp hơn so với 2 ngày đầu tuần cho thấy áp lực bán ra không quá mạnh, đà tăng giá ngắn hạn chưa có dấu hiệu dừng lại. Tuy vậy, khá nhiều cổ phiếu đầu cơ dẫn dắt cho đợt tăng giá ngắn hạn này đã xuất hiện dấu hiệu đạt đỉnh trung hạn như KBC, ITA, PVX, VCG… do vậy động lực tăng điểm của cả thị trường rất có thể sẽ bị giảm sút trong thời gian tới.
Vùng kháng cự mạnh của HNX-Index là 60 đến 61,5 điểm, tại vùng giá này, khá nhiều nhà đầu tư đã mua trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến nửa đầu tháng 4 sẽ có xu hướng bán ra, dẫn đến lượng cung sẽ duy trì ở mức cao tại vùng giá này. Trong tình huống HNX-Index không nhanh chóng tăng vượt khu vực 61,5 điểm trong hai ngày cuối tuần thì đợt tăng giá ngắn hạn này sẽ sớm kết thúc.
Thị trường nhiều khả năng xuất hiện sự tăng nhẹ trở lại trong một vài phiên. Nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu có thể kiên nhẫn chờ đợi những cơ hội bán ra với mức giá tốt hơn. Trong tình huống thị trường tiếp tục giảm điểm trên 1% trong phiên tới thì đợt đầu cơ tăng giá này nhiều khả năng đã kết thúc.
Tiếp tục lình xình
(CTCK ACB - ACBS)
Áp lực bán giảm giúp cho VN-Index không điều chỉnh quá sâu ngày 8/5. Một đợt bán mạnh diễn ra đầu phiên chiều nhưng nhanh chóng kết thúc và VN-Index đóng cửa với mức giảm nhẹ.
Nhìn chung, VN-Index chủ yếu dao động lình xình trong suốt phiên 8/5. Xu hướng này có thể tiếp tục trong các phiên tới.
Ở chiều tăng, VN-Index có thể tiếp tục hồi phục về 518. Ở chiều giảm, chỉ số này có thể quay lại hỗ trợ 460-466 nếu giảm dưới mức 483.
Giảm nhẹ nhưng liên tục trong suốt buổi sáng, HNX-Index bất ngờ lao dốc mạnh trong buổi chiều. Tuy nhiên, đợt hồi phục cuối phiên giúp chỉ số này chỉ đóng cửa với mức giảm nhẹ.
Khối lượng giảm tiếp tục cho thấy áp lực bán yếu dần, nhưng lực cầu mạnh vẫn chưa quay trở lại. Chúng tôi duy trì quan điểm HNX-Index tiếp tục giằng co trong biên độ hẹp hoặc giảm nhẹ trong các phiên tới.
Ở chiều giảm, HNX-Index có thể quay lại mức 59 một lần nữa. Ở chiều tăng, chỉ số này có thể tăng tiếp tới kháng cự 61,5.
Chưa tới thời điểm bước vào giai đoạn tăng
(CTCK BIDV - BSC)
Sàn HOSE giằng co đi ngang quanh mức tham chiếu, có sự phân hóa diễn ra thể hiện qua việc đa số các bluechip giữ được mức giá xanh trong khi các penny và midcap đa phần giảm điểm. Tương quan giữa số mã tăng/giảm khá cân bằng với 98 mã tăng/117 mã giảm. Trong khi đó sàn HNX tỏ ra khá yếu, hầu hết các mã chủ chốt đều tiếp tục mất điểm, độ rộng thị trường cũng kém hơn với chỉ 81 mã tăng/114 mã giảm.
Thanh khoản ngày 8/5 đã không giữ được mức cao như 2 phiên trước. Thị trường giao dịch yếu, bất chấp cả thông tin BIDV cũng hạ lãi suất xuống 6% (VND kỳ hạn 1 tháng) theo sau Vietcombank. Nếu thanh khoản phiên tới tiếp tục suy yếu, thì tín hiệu thì trường sẽ xấu đi rõ rệt.
Hiện tại, các nhận định của chúng tôi về xu thế chưa thay đổi. Thị trường chưa tới thời điểm bước vào giai đoạn tăng trong trung và dài hạn, quá trình tăng điểm vừa qua chỉ được đánh giá là tăng điểm trong một xu thế giảm và vùng kết thúc quá trình tăng điểm trong xu thế giảm này đang cho tín hiệu hình thành.
Nên tiếp tục kiên trì với tỷ trọng tiền mặt ở mức cao
(CTCK Bảo Việt - BVSC)
Phiên 8/5, chỉ số hai sàn đồng loạt mất điểm trong điều kiện thanh khoản tại HNX giảm mạnh. Tại sàn HOSE, diễn biến phân hóa diễn ra rõ nét. Nhóm các cổ phiếu đầu cơ, cổ phiếu bất động sản như ITA, KBC, LCG quay đầu giảm điểm mạnh trong khi nhiều cổ phiếu blue chips như FPT, DPM, HAG, hay HPG vẫn có được diễn biến tích cực.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 4 tăng trưởng khu vực công nghiệp vẫn khá chậm, phản ánh khá rõ nét qua chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP). Chỉ số này tháng vừa qua chỉ tăng 1,6% so với tháng trước (MoM) và tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước (YoY). Tính chung 4 tháng đầu năm, IIP chỉ tăng 5% so với cùng kỳ năm 2012, thấp hơn mức tăng 5,9% của năm 2012 so với năm 2011. Sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn trong khi đầu ra tiêu thụ chậm khiến chỉ số hàng tồn kho của ngành công nghiệp chế biến mặc dù có giảm trong tháng 4 nhưng vẫn ở mức khá cao, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn từ phía cung, nền kinh tế vẫn đang trong xu hướng suy giảm kéo dài từ các năm trước, đặc biệt một số lượng lớn doanh nghiệp phá sản trong hai năm gần đây khiến cho tăng trưởng tổng cung khó phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên các tín hiệu hồi phục từ đầu năm đang dần tích lũy. Chúng tôi cho rằng tổng cung sẽ hồi
phục một cách vững chắc hơn khi quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ của hệ thống ngân hàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn với chi phí rẻ hơn.
Trong những ngày tới, một số chính sách có thể được ban hành, tuy nhiên chúng tôi cho rằng, những thông tin này phần nhiều đã được phản ánh vào giá nên biến động của các chỉ số sẽ không mạnh. Duy trì quan điểm thận trọng, chúng tôi cho rằng, nhà đầu tư nên tiếp tục kiên trì với tỷ trọng tiền mặt ở mức cao và tránh các quyết định bắt đáy quá vội vàng.
Sẽ sớm đảo chiều trở lại
(CTCK Sài Gòn - SSI)
Chỉ số VN-Index có phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp sau phiên tăng điểm mạnh, VN-Index giảm nhẹ 0,51 điểm (-0,11%) về mốc 485,07 điểm với 98 mã tăng giá, 64 mã giữ tham chiếu và 116 mã giảm giá. Tăng điểm trong hầu hết thời gian trong phiên nhưng chỉ số lại giảm nhẹ vào cuối phiên do MSN tụt khá nhanh vào cuối phiên làm chỉ số mất thêm hơn 1,33 điểm.
Cây nến ngày với mốc thấp nhất trong phiên là 483 điểm và hồi trở lại nhẹ phía trên đường trung bình động 20 ngày. Khối lượng giao dịch ở mức 37,54 triệu đơn vị, giảm 31,44% so với phiên trước.
Giảm nhẹ cùng khối lượng cũng giảm theo cho thấp áp lực bán ra đang giảm dần. Cây nến ngày cũng cho thấy sự lưỡng lự của xu hướng hiệu chỉnh. Như vậy, nhiều khả năng chỉ số VN-Index sẽ sớm đảo chiều trở lại trong những phiên giao dịch tới nếu một vài mã vốn hóa lớn không bi ̣giảm quá sâu. Nhà đầu tư có sẵn cổ phiếu có thể mua vào vùng giá thấp trong phiên.