Chỉ số VN-Index từ đầu tuần tới nay giằng co quanh ngưỡng 630 điểm, ông dự báo thế nào về xu hướng thị trường sắp tới?
Với thông tin hỗ trợ về tính thanh khoản đang khá dồi dào của hệ thống ngân hàng cũng như những tín hiệu về định hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong nửa cuối năm 2016, tôi duy trì quan điểm tích cực về dòng tiền cũng như xu hướng của thị trường chứng khoán trong trung hạn.
Mặc dù vậy, sau nhịp tăng kéo dài trong suốt 5 tháng vừa qua, với đa số nhóm cổ phiếu dẫn dắt đều đã “có lượt” tăng điểm, tôi nghiêng về khả năng thị trường sẽ sớm trải qua một đợt điều chỉnh trong ngắn hạn. Mặt khác, hai yếu tố đóng vai trò làm động lực chính giúp thị trường đi lên trong giai đoạn vừa qua như đà hồi phục của giá dầu và dòng tiền giải ngân của khối ngoại đang có dấu hiệu chững lại và suy yếu. Bên cạnh đó, một số yếu tố hỗ trợ triển vọng kết quả kinh doanh của các ngành thép, săm lốp, cao su tự nhiên đều đã được phản ánh đáng kể vào diễn biến hồi phục của giá cổ phiếu.
Tất nhiên, điều này chưa đủ khẳng định thị trường sẽ tạo đỉnh và đi xuống ngay, nhưng lại hàm ý dư địa tăng trưởng còn lại của thị trường trong ngắn hạn không còn nhiều, nếu không có thêm các động lực hỗ trợ mới. Thay vào đó, các yếu tố rủi ro trước mắt đang ngày một hiện hữu, mà đáng lưu ý nhất là kịch bản Brexit và xu hướng điều chỉnh của giá dầu.
Ông Nguyễn Xuân Bình
Dòng tiền vẫn đang tập trung mạnh ở nhóm cổ phiếu midcaps và smallcaps. Ông nhìn nhận như thế nào về cơ hội đối với nhóm cổ phiếu này?
Sau khi các cổ phiếu vốn hóa lớn đã trải qua một đợt hồi phục mạnh và lên vùng giá cao tương đối, việc dòng tiền tìm kiếm cơ hội ở các nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn và chưa tăng nhiều là có thể dự đoán được.
Diễn biến thị trường trong một vài năm gần đây cũng thường mang tính phân hóa và luân phiên khá rõ nét. Điều này có nghĩa là cơ hội đi lên của nhóm midcaps và smallcaps vẫn còn, kể cả khi thị trường chung có thể đã bắt đầu bước vào nhịp điều chỉnh. Mặc dù vậy, các yếu tố hỗ trợ đằng sau của từng mã mới quyết định đến đà tăng trưởng của giá cổ phiếu. Theo quan sát của tôi, những thông tin này đa phần đều mang tính cục bộ và không tạo được hiệu ứng lan tỏa sang cả nhóm cũng như thị trường chung.
Nhiều khuyến nghị từ các CTCK đưa ra, theo đó, nhà đầu tư nên tiếp tục duy trì tỷ trọng đối với những mã cổ phiếu đã có sẵn trong danh mục và tránh giải ngân thêm khi thị trường đang ở gần vùng đỉnh cũ. Quan điểm của ông ra sao?
Thị trường đang tiệm cận với vùng kháng cự mạnh quanh 640 điểm, vốn là cận trên của kênh đi ngang trung hạn trong suốt 2 năm qua, nên khả năng có thể tạo nhịp bứt phá ở đây đang được đánh giá tương đối khó khăn, nhất là trong bối cảnh như đã phân tích ở trên.
Với rủi ro điều chỉnh ngắn hạn đang ngày một cao, tôi cũng đồng quan điểm với việc áp dụng chiến lược quay vòng cổ phiếu, thay vì mua mới và đẩy tỷ trọng danh mục lên quá cao. Mặc dù vậy, các hoạt động trading quay vòng này có thể được kết hợp với việc tái cơ cấu danh mục sang các nhóm cổ phiếu tiềm năng khác còn các yếu tố hỗ trợ trong trung hạn, chứ không nhất thiết và bắt buộc phải là các mã cổ phiếu sẵn có trong tài khoản.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ lùi kế hoạch nâng lãi suất lần 2 trong năm 2016 sang tháng 9 tới. Hẳn đây sẽ là thông tin tốt đối với TTCK thế giới và thị trường trong nước?
Tôi cho rằng, về trung hạn, các đợt tăng lãi suất của Fed sẽ không còn quá nhiều tác động đối với TTCK Việt Nam, do đã được phản ánh trong hơn 2 năm qua (từ cuối năm 2013). Tuy nhiên, các thông tin về khả năng tăng lãi suất của Fed sẽ vẫn có những tác động mang tính ngắn hạn đến diễn biến thị trường.
Đối với kết quả tiếp tục trì hoãn nâng lãi suất trong cuộc họp tháng 6 lần này của Fed thực ra không có nhiều tác động hỗ trợ đến diễn biến thị trường vì đã nằm trong dự đoán của đa số các nhà đầu tư từ trước. Ngược lại, thị trường lại đang chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi nguyên nhân đằng sau khiến Fed trì hoãn tăng lãi suất do lo ngại những tác động có thể có của kịch bản Brexit đến triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung.