Nhóm cổ phiếu bluechips tiếp tục đóng vai trò “nhạc trưởng” trong diễn biến giao dịch tuần. VNM, VIC, BVH, VCB, FPT, HSG… thay phiên nhau đỡ thị trường trong từng phiên giao dịch, nhưng tựu chung, nến tuần đều là nến giảm điểm.
Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 13/5, các mã cổ phiếu ngành thép đã có sự điều chỉnh khá mạnh. Cụ thể, HPG giảm 700 đồng xuống 33.300 đồng/CP; HSG giảm 1.400 đồng xuống 46.200 đồng/CP; TLH bị kéo xuống mức giá sàn. Các công ty ngành thép đang chuẩn bị bước vào mùa mưa – mùa thấp điểm sử dụng thép, sản lượng thép vẫn đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường nên khả năng giá loại vật liệu này biến động sẽ không còn nhiều. Bên cạnh đó, một số cổ phiếu lớn như VCB, BVH, VNM… đồng loạt giảm giá đã góp phần kéo chỉ số VN-Index đi xuống.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt là CTG, BID, STB, EIB, ACB… có tuần giao dịch tích cực. Trước những thông tin liên tục hỗ trợ ngành ngân hàng trong thời điểm hiện tại, nhóm ngân hàng tư nhân cũng có những dấu hiệu chuyển mình trở lại.
Trước đó, cổ phiếu của nhóm ngân hàng được hỗ trợ bởi thông tin đề xuất hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, trong tuần qua lại nhận thêm trợ lực nhờ việc Chính phủ ban hành Nghị định 30/2016/NĐ-CP quy định chi tiết về việc đầu tư của các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có quy định mở rộng dạng tiền gửi tại các ngân hàng. Với cơ chế này, nhóm ngân hàng thương mại tư nhân được mở thêm cánh cửa để tiếp cận với nguồn vốn trên.
Trong tuần qua, thị trường cũng đón nhận một dự báo khá quan trọng về tình hình vĩ mô, khi Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (UEB – VNU), Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp cùng Đại sứ quán Australia tại Hà Nội đã công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2016. Theo đó, báo cáo khẳng định trong vòng 5 năm tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức và khó đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5% - 7% như đã đề ra.
Trước đó, HSBC đã hạ dự báo tăng trưởng của thị trường Việt Nam từ mức “tích cực” xuống mức “trung bình” với nhận định: sự hồi phục gần đây của thị trường toàn cầu đã khiến thị trường Việt Nam mất đi sự hấp dẫn trong ngắn hạn. Đồng thời cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam xuống còn 6,3% thay vì 6,7% như trước đó.
Sau 5 tuần tăng điểm liên tiếp, VN-Index đóng cửa tuần từ 9/5 -13/5 bằng một cây nến Doji bóng dài, khi mức điểm mở cửa đầu tuần và đóng cửa cuối tuần không có gì thay đổi. Khối lượng giao dịch giảm dần trong tuần tại những mốc chỉ số rướn cao khiến chúng tôi nhận thấy lực cầu giá cao dần thiếu vắng, trong khi lực cung cổ phiếu có phần áp đảo.
Trạng thái giằng co tại vùng đỉnh cũng là diễn biến dễ nhận ra mỗi khi chỉ số nằm trong vùng đỉnh cũ, tuy nhiên, Sales&Trading cũng nâng cao hơn sự thận trọng trong thời điểm hiện tại khi lực cầu có xu hướng yếu dần.
Quan sát thị trường trong tuần qua, những mã như BVH, VCB, VIC, VNM đều đang gặp ngưỡng cản gần đỉnh cũ, cho thấy động lực tăng giá mạnh mẽ của chỉ số VN-Index có khả năng bị ghìm lại. Với trạng thái thận trọng, Sales&Trading tiếp tục chờ cơ hội chốt dần danh mục trong tuần giao dịch này và hạ bớt tỷ lệ margin đối với trạng thái margin cao.