Số lượng doanh nghiệp môi giới bảo hiểm tăng mạnh trong hai năm gần đây.

Số lượng doanh nghiệp môi giới bảo hiểm tăng mạnh trong hai năm gần đây.

Động lực phát triển mới cho môi giới bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quy định mới tại dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) nếu được thông qua sẽ tạo động lực cho các công ty môi giới bảo hiểm phát triển.

Số lượng công ty môi giới chiếm 30%

Số liệu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, trong 75 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm hiện tại có 23 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, gồm 5 doanh nghiệp được thành lập năm 2021 (năm 2020 có 3 doanh nghiệp mới).

Ngoại trừ Aon Vietnam, Marsh Vietnam và Willis Towers Watson Vietnam Insurance Broker có quy mô nhân sự quanh ngưỡng 100 người, hầu hết công ty môi giới bảo hiểm có số lượng nhân sự dưới 30 người, thậm chí chỉ vài người.

Một số công ty có cổ đông tổ chức nắm tỷ lệ sở hữu chi phối (tính đến hết năm 2020) như Công ty TNHH Môi giới bảo hiểm LK Việt Nam do Công ty LK Insurance Service Co. Ltd góp vốn 100%, Công ty TNHH Môi giới bảo hiểm Bảo An do Công ty TNHH Tư vấn quản lý và đại lý bảo hiểm Bảo An góp vốn 100%, Công ty cổ phần Môi giới bảo hiểm Bolttech Việt Nam do Công ty cổ phần Giải pháp số Bolttech Việt Nam góp vốn 92%.

Năm 2020, tổng doanh thu hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp môi giới bảo hiểm đạt 962 tỷ đồng, tăng 15%, trong đó, hoa hồng môi giới bảo hiểm đạt 880 tỷ đồng, tăng 17,8% so với năm 2019, tỷ lệ hoa hồng môi giới bảo hiểm trên phí bảo hiểm thu xếp bình quân là 9,09%.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu môi giới bảo hiểm đạt 548 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là hoa hồng môi giới bảo hiểm.

Khuyến khích thành lập doanh nghiệp môi giới bảo hiểm

Luật Kinh doanh bảo hiểm đang được sửa đổi, trong đó, liên quan đến doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, cơ quan soạn thảo bổ sung các quy định mới nhằm khuyến khích thành lập doanh nghiệp, giảm bớt điều kiện đối với các nhà đầu tư để phù hợp với thực tiễn và cam kết quốc tế.

Cụ thể, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) giảm bớt thủ tục hành chính, chuyển từ hình thức chấp thuận sang thông báo; chỉ thực hiện phê chuẩn đối với các chức danh chủ chốt (tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật); giảm bớt điều kiện đối với một số chức danh như chủ tịch hội đồng quản trị, kế toán trưởng; bỏ các quy định về kiểm soát, kiểm toán nội bộ để phù hợp với mô hình hoạt động của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đơn thuần, vốn nhỏ - hiện vốn pháp định đối với hoạt động môi giới bảo hiểm gốc hoặc môi giới tái bảo hiểm là 4 tỷ đồng).

Đồng thời, dự thảo bổ sung các quy định để nâng cao chất lượng hoạt động môi giới bảo hiểm như nguyên tắc hoạt động môi giới bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm, nghĩa vụ công khai thông tin, hạch toán tách biệt tài khoản thu hộ, chi hộ.

Hiện tại, không ít quy định về môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm như quyền và nghĩa vụ đang được quy định tại các văn bản dưới luật nên việc áp dụng gặp khó khăn; một số quy định chưa rõ ràng, chưa phản ánh đúng bản chất hoạt động, gây nhầm lẫn giữa các hoạt động đại lý, môi giới và phụ trợ bảo hiểm; các khoản thù lao/quyền lợi của đại lý, môi giới chưa được quy định rõ ràng, công khai, minh bạch.

Cũng giống như kênh đại lý bảo hiểm, chất lượng hoạt động của môi giới bảo hiểm chưa thực sự chuyên nghiệp, bài bản, do thiếu các quy định về nguyên tắc hoạt động...

Đối với lĩnh vực môi giới bảo hiểm, quy mô, bản chất hoạt động, mức độ tác động đến thị trường, khách hàng, yêu cầu quản lý, giám sát khác các doanh nghiệp bảo hiểm.

Vậy nhưng, các quy định đối với doanh nghiệp môi giới bảo hiểm tại Luật Kinh doanh bảo hiểm như điều kiện đối với các nhà đầu tư, thủ tục cấp phép, thủ tục hành chính, quy định về thực hiện kiểm tra, kiểm soát nội bộ, điều kiện, tiêu chuẩn người quản trị điều hành... được áp dụng như đối với doanh nghiệp bảo hiểm, do đó chưa phù hợp và gây khó khăn đối với các doanh nghiệp môi giới bảo hiểm trong việc tuân thủ quy định pháp luật.

Bộ Tài chính cho biết, pháp luật đang quy định chung chung về chứng chỉ đối với môi giới bảo hiểm, nên thị trường sử dụng nhiều loại chứng chỉ về bảo hiểm khác nhau như chứng chỉ bảo hiểm phi nhân thọ cơ bản, chứng chỉ tái bảo hiểm, chứng chỉ bảo hiểm tài sản, chứng chỉ bảo hiểm sức khỏe...

Thực tế đòi hỏi phải chuẩn hóa chất lượng cá nhân thực hiện hoạt động môi giới bảo hiểm về nội dung đào tạo, việc tổ chức thi, cấp, công nhận chứng chỉ môi giới bảo hiểm.

Cùng với sự phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng của thị trường bảo hiểm, quy trình thực hiện hoạt động môi giới bảo hiểm cần chuyên nghiệp hơn.

Điều này đòi hỏi có những quy định cụ thể về quy trình thực hiện hoạt động môi giới bảo hiểm, các tài liệu cần lưu trữ, quy định về minh bạch hóa thông tin đối với khách hàng và các bên thứ ba về tỷ lệ hoa hồng, mối quan hệ với doanh nghiệp bảo hiểm, các thông tin gây ra xung đột lợi ích, quản lý và bảo vệ tiền của khách hàng từ việc thu hộ, chi hộ.

Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm đáp ứng các yêu cầu trên. Việc không quy định thời hạn của chứng chỉ đại lý bảo hiểm và chứng chỉ môi giới bảo hiểm sẽ giúp tiết kiệm chi phí khi đại lý bảo hiểm hoặc các cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động môi giới bảo hiểm chuyển từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác (tiếp tục sử dụng chứng chỉ đã có, chỉ cần được doanh nghiệp cập nhật lại sản phẩm bảo hiểm).

Khi doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải hạch toán tách biệt tài khoản thu hộ chi hộ doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bảo vệ quyền và lợi ích của doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm, không bị chiếm dụng hoặc sử dụng khoản tiền này vào các mục đích khác của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

Bộ Tài chính đánh giá, các quy định mới sẽ giúp môi trường đầu tư thuận lợi, tạo động lực cho sự phát triển cho lĩnh vực môi giới bảo hiểm, do quy định pháp luật về điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài góp vốn thành lập doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được cắt giảm, đơn giản hóa, đa dạng hóa các đối tượng tham gia cung cấp dịch vụ...

Đồng thời, việc trao thẩm quyền cho Bộ Tài chính (cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm) để thống nhất quản lý trong tổng thể thi, cấp, công nhận đối với chứng chỉ môi giới bảo hiểm; quản lý, giám sát trực tiếp, thực hiện thanh tra, kiểm tra về môi giới bảo hiểm sẽ đảm bảo cho môi giới bảo hiểm hoạt động kinh doanh lành mạnh, thị trường phát triển hiệu quả.

Ngoài ra, việc bổ sung kênh phân phối là môi giới cá nhân - người đại diện cho quyền lợi khách hàng để tiếp cận khách hàng cũng sẽ tạo động lực phát triển cho khối doanh nghiệp môi giới bảo hiểm trong thời gian tới.

Tin bài liên quan