Thành lập từ năm 1995 với vai trò phụ trách toàn bộ việc xây lắp hạ tầng cơ sở mạng viễn thông trong nước và quốc tế của Tập đoàn Viettel, Tổng Công ty CP Công trình Viettel (Viettel Construction – mã CTR) nay đã phát triển trở thành Công ty số 1 Việt Nam trong lĩnh vực xây lắp và vận hành khai thác hạ tầng viễn thông.
Tăng trưởng kép lợi nhuận 29% giai đoạn 2016-2020
Với đội ngũ nhân sự 10.000 người, phủ khắp 63 tỉnh thành phố và cả ở các thị trường quốc tế, Viettel Construction liên tục ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng cao trong những năm qua. Đặc biệt trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) hàng năm của doanh thu lên đến 40% trong khi con số này đối với lợi nhuận là 29%.
Năm 2020, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, doanh thu và lợi nhuận của Viettel Construction đều tăng trưởng 2 chữ số và là mức cao nhất kể từ khi thành lập. Trong đó, doanh thu đạt 6.380 tỷ đồng, tăng 24% và hoàn thành vượt 6% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 274 tỷ đồng, tăng 45% so với năm trước và vượt 38% mục tiêu cả năm.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2021, Viettel Construction đặt mục tiêu doanh thu đạt 6.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 275,8 tỷ đồng; Tỷ lệ cổ tức dự kiến chi trả ở mức 10 – 20%. Sau 6 tháng triển khai kế hoạch, Viettel Construction đã ghi nhận doanh thu 3.552 tỷ đồng (tăng trưởng 31,7% so với cùng kỳ), lợi nhuận trước thuế đạt 193,2 tỷ đồng; lũy kế 6 tháng đầu năm hoàn thành 54% kế hoạch năm 2021.
Dự kiến Viettel Construction hoàn thành doanh thu năm 2021 lên đến 7.200 tỷ, thậm chí đạt mức 8.000 tỷ trong các điều kiện lý tưởng.
Một điểm đáng chú ý, những năm gần đây Viettel Construction đều hoàn thành vượt xa kế hoạch đề ra. Nếu năm 2021 tiếp nối truyền thống này, Viettel Construction sẽ nối dài chuỗi tăng trưởng lợi nhuận lên 5 năm liên tiếp.
Năm 2021, Viettel Construction tiếp tục chiến lược hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ theo 5 trụ lĩnh vực, bao gồm Đầu tư hạ tầng; Xây dựng (Xây dựng hạ tầng viễn thông, xây dựng dân dụng B2B và B2C), Công nghệ thông tin, Giải pháp tích hợp và Vận hành khai thác.
Mảng kinh doanh lõi bứt phá mạnh
Kết quả kinh doanh ấn tượng của Viettel Construction trong năm 2020 vừa qua có đóng góp lớn đến từ sự tăng trưởng của các mảng hoạt động cốt lõi. Trong đó, lĩnh vực Đầu tư hạ tầng cho thuê đang dần đi vào ổn định với 4 sản phẩm gồm Trạm BTS; Hạ tầng phủ sóng di động tòa nhà (DAS); Hạ tầng cố định băng rộng tòa nhà, ngầm hóa; Đầu tư hệ thống pin năng lượng mặt trời.
Dù mới triển khai nhưng doanh thu năm 2020 của mảng này đạt hơn 65 tỷ đồng, gấp 7,6 lần năm trước đó. Năm 2021, Viettel Construction đặt mục tiêu đạt doanh thu 300 tỷ đồng từ hạ tầng cho thuê. Sau 6 tháng đầu năm, doanh thu mảng này ghi nhận tăng trưởng đột biến 516% so với cùng kỳ, đạt 91,2 tỷ đồng qua đó hoàn thành 45,6% kế hoạch cả năm.
Năm 2021, Viettel Construction sẽ đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng cho lĩnh vực hạ tầng cho thuê trong năm 2021. Riêng trong quý 2, công ty đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng và hoàn thành gần 500 trạm BTS, đảm bảo mục tiêu triển khai hơn 2.000 trạm trong năm nay.
Tính đến cuối tháng 6, Viettel Construction đã sở hữu 1.234 trạm BTS, 2.600km cáp quang treo, 4 tuyến cống bể ngầm, phủ sóng di động tòa nhà với gần 3 triệu m2 và 47 hệ năng lượng mặt trời công suất 17,7 MWp.
Dự kiến số lượng trạm của Viettel Construction có thể tăng lên lần lượt khoảng 3.000/6.000 trạm vào cuối năm 2021/2023. Trong bối cảnh Tập đoàn Viettel đang có nhu cầu lớn về hạ tầng mạng viễn thông dữ liệu di động và phát triển công nghệ 5G, Viettel Construction sẽ có rất nhiều tiềm năng phát triển kinh doanh mảng cho thuê hạ tầng viễn thông của mình.
VNDIRECT cho rằng mặc dù đã đạt tỷ lệ phủ sóng cao nhưng lĩnh vực viễn thông vẫn còn dư địa cho việc mở rộng, đặc biệt là băng rộng cố định khi tỷ lệ thâm nhập hiện đạt khoảng 18 thuê bao/100 người, thấp hơn tương đối so với mức bình quân của khu vực là 23 thuê bao/100 người. Mảng hoạt động viễn thông của Viettel Construction sẽ thúc đẩy việc mở rộng mạng lưới viễn thông di động của Viettel và tăng trưởng thuê bao băng rộng cố định tại thị trường trong nước và toàn cầu.
Về lĩnh vực Xây dựng: mảng xây dựng hạ tầng viễn thông có khả năng tăng trưởng do nhu cầu người dùng cần data ngày một nhiều, kéo theo các hoạt động bổ sung vị trí trạm 5G, đòi hỏi bố trí mật độ dày hơn.
Xây dựng dân dụng B2B và B2C là mảng Viettel Construction có thể bứt phá dễ dàng trong năm 2021.
Hiện nay, Viettel Construction đang thi công các dự án tiêu biểu như: Dự án Kim Chung – Di Trạch (Chủ đầu tư WTO) giá trị 140 tỷ, Louis Hoàng Mai (Chủ đầu tư VFI) giá trị 440 tỷ,…và hàng trăm công trình nhà dân khác đang triển khai.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, lĩnh vực xây dựng (tính chung cả xây dựng trong Tập đoàn Viettel) đã mang về 871,8 tỷ đồng doanh thu cho Viettel Construction, tăng trưởng 24,8% so với cùng kỳ và hoàn thành 54% kế hoạch năm 2021.
Với mảng Vận hành viễn thông: Viettel Construction được dự báo sẽ hưởng lợi từ việc mở rộng mạng lưới viễn thông di động của Viettel và tăng trưởng thuê bao băng rộng cố định tại thị trường trong nước cùng với sự đóng góp từ thị trường nước ngoài.
Trong 6 tháng đầu năm, công tác vận hành khai thác cho Tập đoàn và các đối tác ngoài Tập đoàn được duy trì tốt phục vụ các sự kiện quan trọng như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, đặc biệt tại Myanmar (trong điều kiện bất ổn chính trị).
Đây vẫn là mảng đóng góp lớn nhất vào doanh thu của Viettel Construction với 2.164 tỷ đồng, tăng trưởng 21,1% so với cùng kỳ và hoàn thành 51,4% kế hoạch năm 2021.
Khối lượng công việc ngày càng tăng lên thông qua các hợp đồng hợp tác với các đối tác lớn ngoài Tập đoàn như CMC, MobiFone, Bộ Công An,… cho thấy triển vọng tích cực đối với lĩnh vực vận hành khai thác.
Mở rộng sang các lĩnh vực giàu tiềm năng
Một trong những mảng kinh doanh mới Viettel Construction đang triển khai là dịch vụ giải pháp công nghệ thông tin. Công ty sẽ hướng đến tư vấn các sản phẩm, quy trình chuyển đổi số các hộ kinh doanh và cá thể. Đây là thị trường rất lớn khi nhu cầu doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số ngày càng nhiều tại khắp các tỉnh thành.
Dù đang trong giai đoạn bắt đầu tổ chức kinh doanh nhưng đã đem lại doanh thu hơn 5 tỷ đồng từ giải pháp may đo chuyển đổi số, cũng như các sản phẩm thương mại khác như 1Office, Sapo, Viettel Sale,… Dự kiến trong năm 2021, Viettel Construction đặt mục tiêu doanh thu từ mảng Công nghệ thông tin thu về gần 20 tỷ đồng.
Mới đây, Viettel Construction đã chính thức bổ sung mảng dịch vụ VCCServices bao gồm Home Care (bảo dưỡng thiết bị gia đình), Solar Care (bảo dưỡng pin mặt trời), IT Support (hỗ trợ kỹ thuật các thiết bị công nghệ thông tin) bước đầu đã có doanh thu lên tới hàng chục tỷ đồng. Dự kiến mảng VCCServices năm 2021 ước tính doanh thu đạt hơn 200 tỷ đồng.
Với mảng Giải pháp tích hợp: dù mới ra đi vào hoạt động từ cuối năm 2019 nhưng đã đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh năm 2020 của Viettel Construction khi mang về hơn 1.300 tỷ đồng doanh thu, gấp 2,2 lần năm trước. 6 tháng đầu năm 2021, lĩnh vực này đóng góp tới 417,7 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 126,3% so với cùng kỳ và hoàn thành 75% kế hoạch năm 2021.
Bên cạnh việc thực hiện lắp đặt hơn 2000 camera giám sát các điểm cách ly phục vụ chống dịch Covid-19, trung tâm Giải pháp tích hợp còn đẩy mạnh kinh doanh các giải pháp mới tiềm năng, mang lại giá trị cho xã hội như: đèn năng lượng mặt trời, camera an ninh nông thôn mới, giải pháp thu phí không dừng ePass, mở rộng, đa dạng sản phẩm đáp ứng nhiều đối tượng khách hàng (điều hòa Carrier, điều hòa Akito, thiết bị lọc nước Karofi,…)
Lĩnh vực Giải pháp tích hợp tập trung vào các giải pháp ICT, cơ điện (M&E), Smart Solutions, năng lượng mặt trời. Ước tính tăng trưởng doanh thu bình quân giai đoạn 2020 – 2025 của mảng giải pháp tích hợp sẽ ở mức 35%/năm. Trong đó, điện mặt trời áp mái được xem là ngành mũi nhọn trong chiến lược giai đoạn 2020-2025 nhờ nguồn nhân lực đông đảo trên cả nước.