Cụ thể, từ ngày 29/10/2014, NHNN giảm lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND của các tổ chức, cá nhân tại các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng và giảm lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng USD từ mức 1%/năm xuống 0,75%/năm. Đồng thời, giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế từ mức 8%/năm xuống còn 7%/năm.
Bình luận về câu chuyện hạ lãi suất, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI) nhận định, Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố đầu tháng 10 cho biết, lạm phát năm 2014 của Việt Nam được dự báo giảm xuống mức 4,5% trước khi tăng lên 5% trong năm 2015.
Về nguyên tắc, lãi suất có thể điều chỉnh theo lạm phát. Lãi suất đang có xu hướng giảm, nhưng giảm tới mức nào thì NHNN sẽ tính toán kỹ lưỡng. Một yếu tố khác, nếu lãi suất tiền gửi xuống quá thấp, hệ thống ngân hàng có thể rơi vào bẫy thanh khoản, lúc đó, người gửi tiền sẽ đầu tư vào các lĩnh vực khác hoặc tích trữ tiền mặt (nội tệ, ngoại tệ, vàng…).
“Vì vậy, duy trì lạm phát ở mức nào có lợi cho tăng trưởng thì cũng nên duy trì lãi suất tương ứng”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói.
Ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên ANZ Việt Nam nhận định, bản thân các ngân hàng cũng đã có mặt bằng lãi suất thấp hơn nhiều so với trước đây. Bên cạnh đó, việc lạm phát thấp giúp NHNN giảm lãi suất huy động thêm 50 điểm cơ bản nữa (0,5%), mặc dù mức lãi suất trước đó cũng đã khá hợp lý.
“Lãi suất VND giảm là điều rất tốt cho nền kinh tế, nhưng sẽ cần thêm thời gian để những tác động tích cực thể hiện rõ hơn. Một môi trường kinh doanh có lãi suất thấp thì sẽ lành mạnh”, ông Tareq Muhmood nhấn mạnh.
Theo ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB, việc NHNN hạ lãi suất huy động không có gì ngạc nhiên, bởi 4 ngân hàng TMCP có gốc Nhà nước (với tỷ lệ huy động chiếm khoảng 60% thị trường) đã điều chỉnh hạ lãi suất huy động về dưới 6%/năm từ đầu tháng 10.
“Đây là điều thị trường mong đợi và cũng đúng với điều kiện thực tế”, ông Lê Quang Trung nói.
Quả thực, lãi suất huy động VND tại Vietcombank từ đầu tháng này đã giảm từ 0,2 -0,5%/ năm ở các kỳ hạn và BIDV, Vietinbank cũng điều chỉnh hạ ở mức tương tự.
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, cần phải nhắc đến tình hình thanh khoản của đa số các TCTD tiếp tục được cải thiện hoặc duy trì ổn định trong quý III/2014 với cả VND và ngoại tệ. Báo cáo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh đối với các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam quý IV/2014 của Vụ Dự báo, thống kê tiền tệ NHNN công bố vào đầu tháng 10 này cho biết, số TCTD nhận định thanh khoản hiện tại ở trạng thái “tốt” tiếp tục tăng lên.
100% các TCTD là ngân hàng đều lạc quan nhận định, trạng thái thanh khoản của họ sẽ tiếp tục duy trì “ổn định” hoặc “cải thiện” trong quý IV/2014 và cả năm 2014 so với 2013, đặc biệt đa số các TCTD thuộc nhóm NHTM nhà nước nhận định tình hình thanh khoản của họ “cải thiện mạnh”.
“Đây là một trong những căn cứ để các NHTM giảm lãi suất huy động. NHNN hạ lãi suất còn nhằm mục tiêu giảm chi phí vốn để các ngân hàng hạ lãi suất cho vay hỗ trợ DN”, ông Hiếu nhận định.
Bên cạnh đó, Báo cáo của Vụ Dự báo, thống kê tiền tệ NHNN cũng cho biết, 85 - 88% TCTD kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động vốn và cho vay VND tiếp tục duy trì ổn định hoặc giảm trong 3 tháng cuối năm 2014, trong đó 35% kỳ vọng giảm lãi suất huy động và 44% kỳ vọng giảm lãi suất cho vay với mức giảm bình quân tương ứng là 0,12%/năm và 0,22%/năm... Tính chung cả năm 2014 so với cuối năm 2013, 90% TCTD dự báo mặt bằng lãi suất huy động vốn và cho vay VND đều duy trì “ổn định” hoặc “giảm” với mức giảm kỳ vọng bình quân tương ứng là 0,93%/năm và 1,14%/năm.