Một năm bùng nổ
Con số tăng trưởng 21% của bảo hiểm xe cơ giới là số liệu thống kê chính thức từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam. Với kết quả này, bảo hiểm xe cơ giới tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất (khoảng 30%) trong tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ. Những thứ hạng tiếp theo là bảo hiểm sức khỏe (chiếm tỷ trọng khoảng trên 23%), bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại (chiếm tỷ trọng khoảng trên 18%), bảo hiểm cháy nổ (chiếm tỷ trọng khoảng 9%, bảo hiểm hàng hóa vận chuyển (chiếm tỷ trọng trên 7%...).
Doanh thu tăng trưởng cao, theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, là do các yếu tố chính như số lượng xe ô tô mới trong năm 2015 tăng mạnh (tăng khoảng 70 - 80% so với năm 2014), tỷ lệ phí bảo hiểm vật chất ô tô điều chỉnh tăng bình quân khoảng 1,4 - 1,5% theo biểu phí phê chuẩn của Bộ Tài chính cho từng DN bảo hiểm (trong khi trước đây tỷ lệ phí bảo hiểm xe ô tô khoảng 1 - 1,2%).
Bên cạnh đó, những thay đổi quy định pháp lý góp phần hỗ trợ sự tăng trưởng của thị trường, giúp các DN bảo hiểm tận dụng cơ hội để đẩy mạnh phát triển nhóm khách hàng cá nhân và các nghiệp vụ bán lẻ như: Thông tư 194 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1/2/2015 với các điều kiện thông thoáng hơn đối với hoạt động của DN bảo hiểm về mở rộng hệ thống chi nhánh, công ty thành viên, các quy định về thuế bãi bỏ giới hạn chi phí trong quảng cáo, khuyến mại, quy định thông thoáng hơn về đại lý.
Từ góc độ DN bảo hiểm, liên tiếp các chương trình khuyến mại mua bảo hiểm vật chất xe đã khiến doanh thu từ mảng này tại từng DN tăng trưởng cao như PTI, MIC, Bảo hiểm PVI…, từ đó tạo động lực tăng trưởng chính cho toàn thị trường phi nhân thọ khi ngành này có con số doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt tới 32.038 tỷ đồng, tăng 17,18% so với cùng kỳ năm 2014.
2016 và những đề xuất phát triển bảo hiểm xe
Tiếp nối kết quả từ năm 2015, các chuyên gia trong ngành bảo hiểm cho rằng, mảng bảo hiểm xe cơ giới sẽ tiếp tục đà tăng trưởng mạnh trong năm 2016 này với những nhân tố thuận lợi vẫn tiếp tục được duy trì. Năm 2016 dù vẫn sẽ tiếp tục áp dụng việc tăng phí bảo hiểm vật chất ô tô (khoảng 1,4 - 1,5% theo biểu phí phê chuẩn của Bộ Tài chính từ tháng 5/2015) nhưng đây sẽ không còn được coi là động lực chính của ngành bảo hiểm xe trong năm 2016 này, bởi thực tế chính sách này đã “phát huy tác dụng” ngay trong năm 2015, góp phần tạo nên mức tăng trưởng khả quan của bảo hiểm xe cơ giới.
“Tuy nhiên, số lượng xe mới dự kiến tiếp tục tăng mạnh cùng với kênh bán hàng online với chi phí thấp được đẩy mạnh sẽ tạo nên chính sách linh động khiến mảng này sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan trong năm 2016”, phụ trách ban bảo hiểm xe cơ giới của một DN bảo hiểm cho biết.
Bởi vậy, câu chuyện đối với bảo hiểm xe cơ giới không chỉ trong năm 2016 mà cả thời gian tiếp theo không chỉ là chuyện tăng trưởng mà chính là giải quyết các tồn tại để phát triển sao cho bền vững.
“Cần sớm giải quyết các tồn tại của bảo hiểm xe cơ giới như việc quản lý đại lý đối với các kênh bán lẻ là ‘chân rết’ để hạn chế trường hợp giảm phí quá mức quy định, có DN bảo hiểm giảm còn dưới 50% phí bảo hiểm”, đề xuất được đưa ra từ đại diện một DN bảo hiểm.
Chưa kể, về mặt pháp lý, theo các DN, Bộ quy tắc điều khoản biểu phí do Bộ Tài chính ban hành (có hiệu lực thực hiện gần 1 năm nay) trong quá trình thực thi đã phát sinh những cách hiểu khác nhau do đó cần được chuẩn hóa thêm trong năm 2016 này.
“Mặc dù pháp luật không cho phép bán bảo hiểm 2 - 3 năm liên tục, nhưng nhiều DN vẫn bán và tìm cách lách luật, vì vậy cơ quan quản lý nên chăng dựa vào thực tế bán bảo hiểm xe hiện nay để cho phép điều này. Bên cạnh đó, kênh bán bảo hiểm trực tuyến với chi phí thấp đang trên đà phát triển cũng cần có chính sách ưu tiên, linh hoạt về giảm phí cho khách hàng để thu hút khách hàng hơn nữa”, một chuyên gia nói.