Cụ thể, khảo sát Beige Book (sách Beige) về Trung Quốc do CBB International thực hiện cho thấy, các công ty Trung Quốc đang hoạt động kinh doanh tốt hơn so với số liệu thống kê chính thức, đồng thời rủi ro giảm phát có thể đã chạm mức đỉnh.
CBB cho biết, kinh tế Trung Quốc trong quý II đã tăng trưởng tốt hơn so với dự đoán. Các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động tích cực hơn số liệu thống kê chính thức. Báo cáo cũng phát hiện doanh thu của các nhà bán lẻ đã lần đầu tiên tăng so với các nhà chế tạo trong vòng 18 tháng qua, nhờ quy mô doanh số bán cao hơn giúp cải thiện lợi nhuận.
Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là sự cải thiện doanh thu bán lẻ này chủ yếu nhờ các nhà bán lẻ cung cấp hàng hóa chủ yếu cho khu vực doanh nghiệp và Nhà nước, hơn là cho người tiêu dùng. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng Trung Quốc vẫn chưa tăng mạnh.
Trong khi đó, lĩnh vực bất động sản (khu vực được coi là rủi chủ chốt đối với kinh tế Trung Quốc) cũng chứng kiến dấu hiệu phục hồi, khi các công ty bất động sản thương mại và bất động sản nhà ở ghi nhận mức tăng mạnh trong khối lượng và doanh thu.
Trên cơ sở này, CBB cho rằng, các rủi ro giảm phát có thể đã chạm mức đỉnh. Nếu rủi ro giảm phát là một trong những mối lo ngại lớn của các nhà hoạch định chính sách trong vài quý vừa qua, thì sự phục hồi giá cả trong quý II chính là động lực. Dù tỷ lệ tăng giá vẫn chậm hơn so với một năm trước đây, song ít nhất nó đã tạo ra bước đột phá so với giai đoạn giá cả sụt giảm không ngừng.
Khảo sát của CBB được thực hiện dựa trên các cuộc phỏng vấn và đánh giá với hơn 2.300 quan chức, giới doanh nhân và giám đốc điều hành thuộc mọi lĩnh vực kinh tế của Trung Quốc.
Trước đó, số liệu chính thức của Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc cho thấy, lĩnh vực xuất khẩu của nước này tiếp tục vật lộn với khó khăn trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ nước ngoài yếu. Xuất khẩu trong tháng Năm giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi đã tụt dốc tới 6,4% tháng trước đó. Đầu tư tài sản cố định cũng chỉ tăng 11,4% trong 5 tháng đầu năm nay, giảm so với mức tăng 12% ghi nhận trong giai đoạn từ tháng Giêng tới tháng Tư.
Đánh giá về việc liệu giá cổ phiếu tăng mạnh trên thị trường chứng khoán Trung Quốc thời gian qua có giúp tạo động lực cho sự phục hồi kinh tế hay không, CBB cho rằng, chưa có bằng chứng rõ ràng để khẳng định điều này. Dù thị trường chứng khoán Trung Quốc hiện đang trải qua giải đoạn điều chỉnh, song chỉ số Shanghai Composite vẫn tăng ấn tượng khoảng 40% kể từ đầu năm tới nay.
Bên cạnh đánh giá của CBB, báo cáo độc lập của Học viện quốc gia về Phát triển và chiến lược Trung Quốc cũng cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc sẽ thoát khỏi mức đáy và chấm dứt đà tăng trưởng chậm trong quý III/2015, trước khi hồi phục nhẹ trong quý sau đó nhờ vào sự khởi sắc trên thị trường bất động sản và sức tiêu thụ của người dân tăng cao.
Báo cáo này nhận định đầu tư vào tài sản cố định sẽ “thoát đáy” trong quý III, trong khi tiêu dùng cũng tăng cao do thu nhập tăng và hoạt động xuất - nhập khẩu phục hồi. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trải qua giai đoạn tăng trưởng ì ạch với những thay đổi mạnh mẽ về cấu trúc cũng như sự lớn mạnh của các ngành nghề mới nổi. Báo cáo cũng nhấn mạnh Bắc Kinh nên áp dụng một chính sách tài chính linh hoạt hơn và một chính sách nới lỏng tiền tệ vừa phải để duy trì sự ổn định của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Báo cáo dự đoán kinh tế Trung Quốc sẽ bắt đầu tăng trưởng vững vào năm 2017, sau khi các động lực tăng trưởng mới được hình thành trong năm 2015 và 2016.
Một số chuyên gia khác thì cho rằng, hệ thống tài chính của Trung Quốc vẫn còn “lành mạnh hơn nhiều so với các nền kinh tế phương Tây khác và Nhật Bản”. Nói tóm lại, ở một mức độ nào đó, tăng trưởng chậm lại là điều mà Bắc Kinh mong muốn và cố gắng giữ nó trong tầm kiểm soát.