Động lực mới

Động lực mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nếu như các doanh nghiệp thực hiện mua bán, sáp nhập (M&A) để mở rộng thị trường, công nghệ, lĩnh vực kinh doanh mới thì tin tức về các thương vụ M&A lại được nhiều nhà đầu tư trên TTCK tìm kiếm như một động lực cho giá cổ phiếu.

Chẳng hạn, ngay từ đầu năm nay, những thông tin về việc Gelex bán bớt cổ phần mảng năng lượng sẽ có khoản lợi nhuận đột biến, đã được không ít nhà đầu tư chọn làm “cớ” để mua cổ phiếu GEX.

Thực tế, 9 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế của GEX giảm lần lượt -11,5% và -21,4% so với cùng kỳ, do mảng thiết bị điện và vật liệu xây dựng sụt giảm bởi sự trì trệ của thị trường nhà ở. Tuy nhiên, doanh thu và lợi nhuận gộp từ mảng bất động sản, chủ yếu từ mảng khu công nghiệp thuộc Viglacera, tăng lần lượt 20% và 64,6% so với cùng kỳ, nhờ giá cho thuê tăng khoảng 15-20% tại một số khu công nghiệp và diện tích cho thuê tăng mạnh 26,6%, đạt 157 ha. Nếu trước đó không M&A nắm cổ phần chi phối Viglacera để có thể hợp nhất lợi nhuận, Gelex không thể có nguồn thu tốt như hiện nay.

Sau khi đã tương đối thành công với chiến lược M&A trong nước, hiện Gelex đang đẩy mạnh chiến lược hợp tác với các đối tác quốc tế trong các lĩnh vực kinh doanh hiện tại, bao gồm khu công nghiệp, bất động sản, năng lượng tái tạo, thiết bị điện, cũng như các lĩnh vực kinh doanh mới.

Nhiều CTCK dự phóng trong năm 2024, Gelex có thể ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường đáng kể, tối đa khoảng 1.200 tỷ đồng trong trường hợp Công ty thoái vốn thành công khỏi các dự án năng lượng.

Câu chuyện của Gelex là một minh chứng cho việc doanh nghiệp tìm kiếm được những động lực tăng trưởng mới qua M&A. Có nhiều doanh nghiệp đã thực hiện thành công chiến lược này như Massan, Vingroup, FPT, Vinamilk, Tasco, Bamboo Capital... Trong hoạt động của các doanh nghiệp, M&A đã ngày một phổ biến.

Một nghiên cứu của EY khẳng định M&A là công cụ mạnh mẽ để tạo ra giá trị kinh tế. Đây là một trong những phương tiện mạnh mẽ nhất để cải thiện tổng lợi nhuận của cổ đông (TSR) và giá trị doanh nghiệp (EV), ngay cả trong thời kỳ suy thoái kinh tế.

Trung bình, những người mua tích cực đạt được giá trị doanh nghiệp cao hơn khoảng 3 lần so với những người không mua và cao hơn 1,6 lần so với những người mua không thường xuyên. Xu hướng tăng trưởng TSR tương tự, với những người mua tích cực nhận TSR cao hơn khoảng 2 lần so với những người không mua.

Sau giai đoạn trầm lắng hồi đầu năm, từ quý III năm nay, hoạt động M&A đã sôi động hơn nhiều. Ghi nhận từ thị trường cho thấy, nhiều MOU giữa các bên đã được ký kết, dù vậy do khó khăn về dòng tiền cả trong và ngoài nước, các thương vụ quy mô lớn có vẻ vắng bóng. Một tập đoàn dự kiến bán danh mục đầu tư năng lượng lên tới hơn 800 MW đã phải chia nhỏ để bán theo các dự án đơn lẻ thay vì kiếm được 1 đối tác như kỳ vọng ban đầu.

Tại Diễn đàn M&A 2023 do Báo Đầu tư tổ chức ngày 28/11 này, giới đầu tư sẽ chia sẻ những thông tin, câu chuyện và xu hướng được mong đợi. Vài lát cắt cho một xu hướng lớn cũng là chủ đề Tiêu điểm được Đầu tư Chứng khoán thực hiện trong số báo bạn đọc đang cầm trên tay.

Khi doanh nghiệp có những chuyển động lớn, tái cấu trúc thành công dự án, chắc hẳn kết quả kinh doanh sẽ cải thiện, tạo động lực mới cho TTCK. Thống kê cho thấy, lợi nhuận sau thuế quý III/2023 của toàn thị trường giảm -1,7% so với cùng kỳ năm 2022 và -7,6% so với quý 2/2023, nhưng tăng 26% so với quý 4/2022 – quý được coi là đáy về lợi nhuận trong gần 3 năm qua. Đà giảm về lợi nhuận đã thu hẹp mạnh, gieo kỳ vọng về xu hướng hồi phục của các doanh nghiệp ở các nhóm ngành.

Tin bài liên quan