Định giá các-bon là công cụ giúp cân bằng chi phí giảm phát thải và các nguồn phát thải khí nhà kính.

Định giá các-bon là công cụ giúp cân bằng chi phí giảm phát thải và các nguồn phát thải khí nhà kính.

Động lực mới cho kinh tế xanh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự xuất hiện của thị trường các-bon sẽ tạo ra các động lực mới, hỗ trợ Việt Nam vận hành nền kinh tế xanh.

Theo Báo cáo kỹ thuật đóng góp quốc gia tự quyết định cập nhật năm 2020, Việt Nam sẽ cắt giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, tương đương 83,9 triệu tấn CO2 với nguồn lực trong nước.

Khi có thêm các hỗ trợ quốc tế, mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính sẽ lên đến 27% so với kịch bản phát triển thông thường, tương đương 250,8 triệu tấn CO2. Chính phủ cũng cam kết, đến năm 2050 sẽ đưa phát thải ròng về 0.

Định giá các-bon được xác định là một công cụ chính sách hướng đến tính hiệu quả và tính kinh tế nhằm đạt được các mục tiêu giảm phát thải đề ra với chi phí thấp nhất, bằng cách cân bằng chi phí giảm phát thải giữa các ngành và các nguồn phát thải khí nhà kính (CO2). Hiện Việt Nam đã gián tiếp đánh thuế các-bon qua thuế bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch.

Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, mức thuế này chưa thực sự phản ánh bản chất của việc định giá các-bon khi thuế suất môi trường cho xăng dầu (32 - 76 USD/tấn CO2) cao hơn nhiều so với than (0,22 - 0,42 USD/tấn CO2 phát thải).

Khái niệm thị trường các-bon lần đầu tiên được đề cập trong Quyết định 1775/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2012. Nghị quyết 50-NQ/CP năm 2021 Chính phủ đã khẳng định việc xây dựng thị trường các-bon là một trong các nhiệm vụ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 và gần đây nhất là Nghị định 06/2022/NĐ-CP về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn đã cụ thể hóa lộ trình thiết lập hệ thống trao đổi hạn ngạch các-bon trong nước.

Ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt danh mục các ngành/phân ngành và cơ sở phải thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính, bao gồm 1.662 cơ sở thuộc ngành công thương, 70 cơ sở thuộc ngành giao thông - vận tải, 104 cơ sở thuộc ngành xây dựng, 76 cơ sở thuộc ngành tài nguyên - môi trường.

Việt Nam có kế hoạch vận hành thị trường các-bon vào năm 2027, nơi mua bán quyền phát thải, hoạt động dựa trên việc trao đổi hạn ngạch khí thải. Chính phủ đang trong tiến trình tăng cường năng lực xây dựng và vận hành thị trường các-bon nhằm hiện thực hóa mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính theo Thỏa thuận Paris, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế theo hướng các-bon thấp và phát triển bền vững.

Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, từ nay đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ tập trung xây dựng hành lang pháp lý cho việc quản lý tín chỉ các-bon, trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon; thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon kể từ năm 2025.

Đến năm 2028, sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon chính thức, quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ các-bon trong nước với thị trường các-bon khu vực và thế giới.

Theo lộ trình, các doanh nghiệp trong danh mục cơ sở phát thải lớn bắt buộc phải xây dựng kế hoạch giảm phát thải từ năm 2026 trở đi.

Trong giai đoạn thí điểm, các ngành, các cơ sở phát thải lớn như thép, nhiệt điện, quản lý chất thải rắn, sản xuất xi măng sẽ được giao nhiệm vụ kiểm kê phát thải theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ ban hành, đồng thời nâng cao năng lực, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tham gia thị trường thương mại khi chính thức vận hành.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chính sách kinh tế môi trường, Hội Kinh tế môi trường Việt Nam cho rằng, khi tham gia vào thị trường này, các bên cùng có lợi. Bởi khi đó, Nhà nước sẽ quy định một hạn mức nhất định thông qua giấy phép xả thải đối với các doanh nghiệp.

Với nguồn lực nội tại, tiềm năng giảm phát thải của một số lĩnh vực tại Việt Nam như sau: Năng lượng tương ứng 51,5 triệu tấn CO2, nông nghiệp 6,8 triệu tấn CO2, chất thải 9,1 triệu tấn CO2, công nghiệp 7,2 triệu tấn CO2. Lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp có tiềm năng giảm phát thải lên đến 9,3 triệu tấn CO2 quy đổi.

Bên cạnh đó, các dự án trồng rừng, các dự án theo Cơ chế phát triển sạch (CDM) hay các hành động giảm nhẹ biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMAs) cũng có tiềm năng tạo nguồn tín chỉ các-bon để thu hút các doanh nghiệp đầu tư.

Tin bài liên quan