Bà Virginia B.Foote
Thống kê cho thấy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Việt Nam đang có xu hướng tăng lên. Bà có nhận xét gì về môi trường kinh doanh ở Việt Nam?
Việt Nam có môi trường kinh doanh tốt để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, năm nay cũng là một năm thuận lợi cho Việt Nam. Điều quan trọng là làm thế nào để thu hút các khoản đầu tư bền vững, mang lại giá trị cao, cũng như thu hút chuỗi cung ứng toàn cầu tới Việt Nam, về dài hạn, sẽ giúp Việt Nam phát triển toàn diện.
Có ý kiến cho rằng, Việt Nam hiện không chỉ cần số lượng FDI mà phải đi đôi với chất lượng. Bà nghĩ như thế nào về quan điểm này?
Tôi thấy, đây chính là một phương thức để Việt Nam tiến tới phát triển bền vững. Một nền kinh tế sẽ phát triển qua các thời kỳ khác nhau, vì thế ở Việt Nam - một quốc gia có mức thu nhập trung bình, ta sẽ cần những nhóm việc làm khác nhau và loại hình đầu tư khác nhau.
Để tiến tới mức thu nhập trên trung bình, Việt Nam cần những loại hình đầu tư mới. Người ta ví mức thu nhập trung bình như một cái bẫy, bạn sẽ thấy rằng, mọi thứ đều ổn và không cần phải tiến xa hơn nữa, nhưng thực tế, nếu không tiếp tục phát triển thì bạn sẽ rất dễ bị thụt lùi.
Trong 30 năm qua, FDI đã mang lại những chuyển biến đáng kể cho Việt Nam. Theo bà, đâu là thay đổi quan trọng nhất?
Theo tôi, một trong những thành tựu to lớn của Việt Nam là sự phát triển đồng đều của xã hội. Ở một số quốc gia, khi một bộ phận của xã hội phát triển thì tỷ lệ đói nghèo cũng gia tăng. Việt Nam đã khá thành công trong việc thúc đẩy tổng thể một quốc gia phát triển, điều này thật sự quan trọng để tiến tới phát triển bền vững. Việt Nam đã làm rất tốt trong việc mang lợi ích của phát triển kinh tế tới mọi người dân khắp cả nước.
Từ góc độ của một doanh nghiệp và đại diện của AmCham, thưa bà, đâu là những rào cản lớn nhất đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam?
Có thể nói, khó khăn lớn nhất chính là các rào cản hành chính, chính sách thuế vẫn còn nhiều hạn chế, vẫn còn nhiều tồn tại trong việc sử dụng dòng tiền hay thông lệ kế toán tài chính. Hiện nay, Việt Nam đã và đang có nhiều cải cách trong hành chính và thúc đẩy nền kinh tế lớn mạnh hơn, tôi nghĩ đây là khía cạnh quan trọng mà chúng ta nên chung sức, tiếp tục cải thiện.
Vấn đề thứ 2 đáng quan tâm là môi trường sống, ví dụ về chất lượng không khí, chất lượng nguồn nước hay việc quản lý rác thải. Đây đang trở thành vấn đề nóng ở Việt Nam. Xu hướng lựa chọn nơi đầu tư của các doanh nghiệp hiện nay phần lớn cũng dựa vào yếu tố môi trường. Vì thế, Việt Nam cần quan tâm và cải thiện vấn đề này.
Bà có thể đưa ra kiến nghị cho Việt Nam để giúp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh?
Ngoài hai khía cạnh vừa nói ở trên, tôi cho rằng,Việt Nam cần quan tâm đến tính đổi mới và sáng tạo. Việt Nam là một mảnh đất giàu tiềm năng thu hút FDI thế hệ mới, cũng như cải cách từ chính các doanh nghiệp trong nước nhờ vào thế hệ trẻ rất tài năng. Đổi mới và sáng tạo chính là chìa khóa để đưa đất nước phát triển, tiến tới các thành tựu mới.
Năm 2019 là một năm quan trọng, đánh dấu việc CPTPP có hiệu lực và mới đây là EVFTA được ký kết. Bà có lời khuyên gì cho Việt Nam để có thể nắm bắt thời cơ?
CPTPP và EVFTA đều là những hiệp định tầm cỡ và đòi hỏi từ cả hai bên nhiều tiêu chuẩn cao, các quy định đồng bộ. Bên cạnh đó, đây còn được coi là động lực để Việt Nam tạo ra cơ chế quan trọng. Lời khuyên của tôi là Việt Nam cần có những chuyển biến phù hợp, giúp triển khai tốt các hiệp định, nhằm thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Bên cạnh CPTPP và EVFTA, Việt Nam còn là Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, vì thế, theo tôi sẽ có rất nhiều sự chú ý của nhà đầu tư hướng về ASEAN cũng như Việt Nam. Đây cũng được coi là cơ hội tuyệt vời để thu hút đầu tư.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khiến Việt Nam trở thành điểm đầu tư được nhiều doanh nghiệp chú ý. Liệu trong tương lai, các nhà đầu tư Hoa Kỳ có ồ ạt chuyển dịch sang Việt Nam và trở thành xu hướng đầu tư mới?
Chiến tranh thương mại là một điều không thể chắc chắn, không ai biết rõ nó sẽ kéo dài bao lâu, khi nào kết thúc, không ai biết hậu quả về lâu dài của nó là gì. Nhưng thực tế là gần đây, một số doanh nghiệp Hoa Kỳ đã cân nhắc đầu tư vào một chuỗi cung ứng hay một quốc gia thuộc chuỗi cung ứng đó. Tuy nhiên, khó khăn cho Việt Nam là các doanh nghiệp có nhiều lựa chọn, họ không nhất thiết phải đến Việt Nam.
Theo tôi, đây là thời khắc quan trọng để Việt Nam thu hút đầu tư, nhưng cần phải lựa chọn các khoản đầu tư lâu dài và bền vững, có thể giúp Việt Nam phát triển. Điều quan trọng là phải biết cân nhắc, cẩn trọng trước những món hời trước mắt có thể làm mất đi lợi ích về lâu dài, phải cân bằng giữa thời cơ và quyết định tác động đến thời cuộc sau này.