GDP 6,5 – 7% sẽ quay lại nếu khống chế tốt dịch bệnh
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. |
Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 càn quét Việt Nam từ tháng 4/2021 đã để lại hậu quả cho nền kinh tế: Một số ngành còn khá bấp bênh (du lịch, dịch vụ, hàng không); sức cầu trong nước còn rất thấp; nguy cơ lạm phát do chi phí đẩy tăng cùng nguy cơ bong bóng tài sản. Hai yếu tố trên dẫn đến nguy cơ nền kinh tế đình trệ nhưng lạm phát tăng trong năm 2022.
Dù vậy, nền kinh tế năm 2021 vẫn có một số điểm sáng như: Chỉ số sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, xuất khẩu kỷ lục 336,25 tỷ USD, thu hút FDI tăng…
Ngoài ra, từ năm 2015 đến nay, nền kinh tế Việt Nam có động lực đến từ các cải cách nâng cao năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh và hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới.
Vì vậy, tôi tin rằng, triển vọng tăng trưởng kinh tế ấn tượng của những năm 2018-2019 (6,5-7%) sẽ quay trở lại nếu đại dịch Covid-19 thực sự được khống chế.
Dự báo năm 2022, khu vực sản xuất và lắp ráp (điện tử, điện thoại, máy tính) vẫn đóng vai trò dẫn dắt FDI và là điểm sáng xuất khẩu. Ngoài ra, các xung lực mới sẽ đến, bao gồm ngành dịch vụ (du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái); sản xuất chế biến và xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản…
Mặc dù vậy, nền kinh tế trong năm tới vẫn phải đối mặt với một số thách thức: Biến thế Omicron đe dọa nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; thách thức chuyển đổi mô hình kinh tế hậu Covid-19 như chuyển đổi số, nền kinh tế chia sẻ… Điều này đòi hỏi Chính phủ cần mạnh tay hơn nữa trong các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội.
4 điểm sáng với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022
Ông Vũ Bằng, Thành viên Hội đồng Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ |
Một là, chiến lược vắc-xin tốt, chủ trương tiếp cận với đại dịch chuyển từ “zero Covid” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt” có tác động tích cực đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh, thương mại, dịch vụ và đầu tư.
Hai là, năm 2022 cùng với đà hồi phục của nền kinh tế, tăng trưởng của thị trường chứng khoán sẽ tốt hơn, thanh khoản của thị trường sẽ dồi dào nhờ các gói kích thích. Lãi suất ngân hàng khó hy vọng giảm nhiều nhưng cung tiền, tín dụng giải ngân và thanh khoản sẽ tốt hơn.
Ba là, kim ngạch xuất nhập khẩu cũng sẽ khá tốt, năm nay đạt 660 tỷ USD và đây là con số khá tích cực. Đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục tốt hơn.
Qua tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, tôi thấy họ khá quan tâm đến chu kỳ kinh doanh của Việt Nam. Năm nay, mặc dù khó khăn nhưng vốn FDI vẫn tăng cả vốn đăng ký và thực hiện. Xếp hạng tín nhiệm mà quốc tế dành cho Việt Nam vẫn là BB, khá tốt.
Bốn là, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 800.000 tỷ đồng tuy hơi chậm so với bước đi của quốc tế nhưng sẽ có giá trị rất tích cực. Gói hỗ trợ này không chỉ giải quyết vấn đề trước mắt mà còn có tác động lâu dài về kinh tế - xã hội, cụ thể là hỗ trợ an sinh xã hội, đổi mới sáng tạo, cải cách thể chế…
Những yếu tố gây ra lạm phát tiếp tục kéo dài
TS. Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM |
Nỗi lo về lạm phát toàn cầu đang gia tăng ở các quốc gia lớn nhỏ khác nhau. Đối mặt với bối cảnh này, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã bắt đầu thu hẹp các chương trình mua trái phiếu của mình, thậm chí nhiều ngân hàng trung ương đã và đang tăng lãi suất điều hành để kiểm soát vấn đề lạm phát.
Điều quan trọng tiếp theo chính là biến thể Omicron đã xuất hiện và lây lan sang nhiều quốc gia với tốc độ nhanh hơn biến thể Delta làm cho nỗi lo về các nguyên nhân gây nên lạm phát trước đó sẽ không thể sớm chấm dứt.
Lo ngại về biến thể Omicron đã khiến nhiều quốc gia thận trọng hơn trong việc mở cửa lại nền kinh tế, làm cho tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục diễn ra.
Nghĩa là, việc cho rằng những yếu tố gây ra lạm phát chỉ là tạm thời và sẽ sớm quay về trạng thái cân bằng nay tiếp tục kéo dài dưới ảnh hưởng biến thể mới của Covid-19. Đó cũng là lý do mà Chủ tịch Fed đã phải rút lại nhận định, lạm phát chỉ là yếu tố tạm thời, nhưng cũng không có nghĩa là Fed thay thế bằng thuật ngữ thường xuyên.
Vấn đề đặt ra ở đây là trước sự gia tăng của lạm phát, lãi suất của trái phiếu chính phủ lại không gia tăng. Các báo cáo lãi suất trái phiếu chính phủ trên các thị trường tài chính phản ứng rất chậm chạp với các lo ngại về lạm phát. Việc duy trì lãi suất thực dương đã không tồn tại trên hầu hết các quốc gia.
Đâu đó chỉ còn vài quốc gia vẫn còn lãi suất thực dương như Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, hay Nga. Vậy, các lo ngại lạm phát là hiện hữu, nhưng phản ứng của các định chế tài chính trước những diễn biến này có phải là việc kỳ vọng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới, nhất là Fed?
Sau thời gian thực hiện các chính sách mua vào trái phiếu của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới, lượng tiền được bơm vào thị trường rất lớn, nhưng kết quả dòng tiền này đi vào nền kinh tế không như kỳ vọng. Chính vì vậy, dù lạm phát tăng cao nhưng chi phí vốn thấp nên các tổ chức tài chính vẫn gia tăng dự trữ nên lãi suất trái phiếu chính phủ vẫn ở mức thấp.
Về giá cả hàng hóa, sản xuất trên thị trường thời gian qua gia tăng đã góp phần làm cho tình trạng lạm phát đã có phần dịu lại. So với đầu năm, nhiều hàng hóa/thương phẩm vẫn còn cao đáng kể nhưng so với mức đỉnh của nó thì đã giảm rất nhiều.
Mùa đông ở châu Âu cũng qua đi, nhu cầu chi tiêu cuối năm 2021 cũng khép lại ở Mỹ và nhiều quốc gia sẽ làm giảm áp lực cho lạm phát. Tình hình vỡ nợ các công ty bất động sản của Trung Quốc khó diễn ra trên diện rộng nhưng sẽ làm cho thị trường xây dựng khó cung thêm hàng hóa mới là điều làm cho giá thép giảm đáng kể. Nhưng vì những lo ngại của lạm phát, việc gia tăng đầu tư công của nhiều nước để phục hồi kinh tế sẽ trở nên dè dặt trong nửa đầu năm 2022.