Khu vực cảng Bãi Gốc đang thu hút sự quan tâm của nhiều tập đoàn lớn.

Khu vực cảng Bãi Gốc đang thu hút sự quan tâm của nhiều tập đoàn lớn.

Động lực để Phú Yên khẳng định vị thế

0:00 / 0:00
0:00
Xác định công nghiệp là động lực chính để phát triển, bởi vậy, tỉnh Phú Yên chú trọng thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp, nhất là luyện kim, lọc hóa dầu, năng lượng… với hạt nhân là Khu kinh tế Nam Phú Yên.

Nhiều nhà đầu tư “đặt chỗ”

Tại lễ công bố Đồ án điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Nam Phú Yên hồi cuối năm 2023, ông Tạ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết: “Thời gian qua, có một số nhà đầu tư lớn quan tâm tìm hiểu, xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực luyện kim, lọc hóa dầu, khu công nghiệp trong Khu kinh tế Nam Phú Yên”.

Cụ thể, ngày 18/4/2023, trong buổi làm việc trực tiếp với UBND tỉnh Phú Yên, ông Dato Paduka Affendi, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn PETMAL Oil Holdings (Malaysia) bày tỏ mong muốn đầu tư Dự án Nhà máy lọc dầu tại Khu kinh tế Nam Phú Yên.

Dự án được đề xuất với mức đầu tư ban đầu khoảng 2 tỷ USD, quy mô 500 ha, tiến độ thực hiện trong 36 tháng.

Gần 1 tháng sau, tập đoàn này tiếp tục đề xuất với UBND tỉnh Phú Yên xây dựng một tổ hợp lọc hóa dầu hiện đại với công suất 8 triệu tấn dầu thô/năm; diện tích sử dụng đất 500 ha và diện tích mặt nước khoảng 500 ha.

Lần này, Tập đoàn PETMAL Oil Holdings đề xuất tổng mức đầu tư thực hiện dự án khoảng 5 tỷ USD (tăng thêm 3 tỷ USD).

Cùng thời gian trên, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát đề xuất Dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát với công suất 6 triệu tấn/năm, diện tích 520 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 86.000 tỷ đồng.

Tiếp đến, ngày 13/9/2023, Đoàn công tác Công ty cổ phần EREX (Nhật Bản) do ông Honna Hitoshi, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc để tìm hiểu môi trường đầu tư tại Phú Yên. Công ty EREX mong muốn khai thác, tận dụng hiệu quả những tiềm năng, lợi thế về nguồn nguyên liệu sinh khối một cách bền vững, đồng hành với tỉnh phát triển lĩnh vực này.

Ông Honna Hitoshi khẳng định, tỉnh Phú Yên rất có tiềm năng đầu tư dự án nhà máy điện sinh khối và mong muốn nhận được sự quan tâm của chính quyền, các ngành chức năng của tỉnh phối hợp, tạo điều kiện để Công ty EREX nghiên cứu, khảo sát, sớm triển khai dự án.

Không dừng lại ở việc chờ nhà đầu tư tìm đến, ngày 21/11/2023, Đoàn đại biểu tỉnh Phú Yên do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tập đoàn Gail (công ty phân phối và xử lý khí đốt tự nhiên hàng đầu thuộc sở hữu nhà nước của Ấn Độ) và Tập đoàn Bharat Petroleum Corp Limited (BPCL).

Trong buổi làm việc với Tập đoàn Gail (đại diện là ông Shri Vivek Wathodkar, Giám đốc điều hành), một trong những điểm chính được thảo luận là việc xây dựng trung tâm khí hóa lỏng và dầu thô tại tỉnh Phú Yên, nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa và phục vụ làm trung chuyển cho các quốc gia trong khu vực.

Đề xuất bao gồm việc đầu tư vào hệ thống đường ống cho cả khí và dầu trong tương lai và xây dựng trung tâm khí hóa lỏng để cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện trong khu vực.

Ngoài ra, hai bên còn thảo luận về tiềm năng hợp tác trong phát triển năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng gió và năng lượng mặt trời, từ đó có thể phát triển các sản phẩm năng lượng sạch trong tương lai như hydrogen và phát triển các năng lượng phái sinh từ sản phẩm hóa dầu.

Với Tập đoàn BPCL (đại diện là ông Shri Sanjay Khanna, Giám đốc mảng lọc dầu), hai bên trao đổi về khả năng hợp tác xây dựng nhà máy lọc hóa dầu tại Khu kinh tế Nam Phú Yên.

Tại Hội nghị với chủ đề “Thương mại và Đầu tư” tổ chức tại New Delhi (Ấn Độ) ngày 24/11/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư Ấn Độ đến tỉnh hợp tác đầu tư, kinh doanh các lĩnh vực mà Ấn Độ có thế mạnh như lọc hóa dầu, công nghệ thông tin, hóa dược, năng lượng...

Khu kinh tế Nam Phú Yên là hạt nhân phát triển

Sau khi Đồ án điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Nam Phú Yên được phê duyệt, vào ngày cuối của năm 2023, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Phú Yên sẽ phát triển các ngành công nghiệp động lực gắn với kinh tế biển, mở rộng các ngành công nghiệp hiện có theo hướng sản xuất sản phẩm tinh, sản phẩm chế biến sâu với hàm lượng công nghệ cao, ít gây ô nhiễm môi trường, có giá trị gia tăng cao.

Những ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh mà Phú Yên định hướng thu hút đầu tư được đề cập gồm luyện kim, lọc hóa dầu, sản xuất năng lượng…

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên cho hay, trên cơ sở Đồ án điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Nam Phú Yên đã được phê duyệt, Ban Quản lý khẩn trương triển khai lập các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng để làm cơ sở thu hút các dự án đầu tư.

Trong khi đó, ông Võ Đình Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Yên thông tin, theo Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024, đối với lĩnh vực công nghiệp, tỉnh tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, giá trị gia tăng lớn; ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, khai thác hiệu quả tiềm năng các nguồn tài nguyên, lợi thế của tỉnh.

Khi giới thiệu những điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp tại tỉnh với nhà đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, ông Tạ Anh Tuấn nhấn mạnh đến lợi thế của Khu kinh tế Nam Phú Yên với định hướng thu hút các ngành công nghiệp luyện kim, lọc hóa dầu, năng lượng.

Theo ông Tuấn, Khu kinh tế Nam Phú Yên sẽ là trái tim, động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần đưa Phú Yên trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng.

“Phú Yên đang mở rộng cửa chào đón các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đến để tìm hiểu cơ hội đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế. Đến với Phú Yên, các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án và đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai”, ông Tạ Anh Tuấn khẳng định.

Tin bài liên quan