Rủi ro từ bên ngoài giảm bớt
Sau khi Fed quyết định không tăng lãi suất điều hành trong tháng 11, thị trường cổ phiếu Mỹ và các nước châu Á có diễn biến khởi sắc hơn trong những phiên cuối tuần qua, nhờ kỳ vọng các rủi ro giảm bớt. “Thước đo nỗi sợ hãi” của thị trường chứng khoán Mỹ là VIX đã giảm xuống dưới 16, từ mức đỉnh trên 21, ghi nhận mức giảm hơn 25% theo tuần.
Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm mạnh về mức 4,6 - 4,7%. Lãi suất thế chấp ở Mỹ giảm lần đầu tiên sau 8 tuần. Mức lãi suất trung bình cho một khoản vay cố định, thời hạn 30 năm là 7,76%, giảm so với mức 7,79% của tuần trước đó.
Các dữ liệu việc làm trên thị trường Mỹ cũng cho thấy kỳ vọng Fed sẽ đưa các chính sách tiền tệ hướng dần sang trung lập trong tương lai. Một báo cáo cho thấy, năng suất lao động của Mỹ tăng cao nhất trong 3 năm, giúp giảm bớt tác động lạm phát của mức tăng lương gần đây. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng tuần thứ 6 liên tiếp, cho thấy những người mất việc gặp khó khăn hơn khi tìm việc mới. Các nhà kinh tế dự báo, bảng lương phi nông nghiệp tăng 180.000 trong tháng 10, sau mức tăng 336.000 của tháng 9.
VN-Index và S&P 500 đang có vận động khá giống nhau khi cùng chia sẻ mô hình đồ thị hồi phục trong xu hướng giảm ngắn hạn, chứng tỏ mức độ tương quan giữa thị trường cổ phiếu Việt Nam và Mỹ là rất cao. Mặc dù xuất hiện các phiên hồi phục, nhưng dòng tiền mua lên ở thị trường Việt Nam có vẻ yếu hơn, chưa đủ mạnh để kéo VN-Index quay trở lại đà tăng, hiện vẫn chuyển động trong vùng Giảm mạnh.
Giá vàng sau khi suy yếu về dưới 1.900 USD/ounce đã có chuyển động mạnh trên đồ thị vận động tài sản, bật tăng trở lại, tiệm cận mốc 2.000 USD/ounce và đang trong xu thế chinh phục đỉnh cũ.
Chỉ số US Dollar Index (DXY) duy trì đi ngang và suy yếu nhẹ đã giúp ổn định lại giá dầu. Dầu sắp có tuần giảm giá thứ hai khi cuộc chiến Israel - Hamas được kiềm chế.
Giá dầu và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ dù giảm nhưng dao động nhỏ tại vùng Tăng mạnh, cho thấy xu hướng neo cao có khả năng kéo dài.
Bài kiểm tra xác nhận xu hướng
VN-Index đã chấm dứt đà giảm trên đồ thị tuần và kết tuần trên ngưỡng hỗ trợ mạnh tại 1.076,78 điểm. Tuần giao dịch vừa qua là một bài kiểm tra quan trọng về xu thế trung và dài hạn của thị trường.
Trước tiên, phản ứng của VN-Index tại vùng 1.020 - 1030 điểm là rất đáng ghi nhận về mặt kỹ thuật, giúp cho kênh tăng từ đáy cùng kỳ tháng 11/2022 đến nay được duy trì.
Thanh khoản có thể vẫn là vấn đề cần chú ý khi lực cầu bắt đáy chưa được đánh giá đủ mạnh và cho thấy nền tảng tiết cung ngắn hạn vẫn là động lực chính giúp thị trường hồi phục trong tuần qua. Ngưỡng kháng cự 1.100 điểm vẫn ở phía trên sẽ sớm gây áp lực đối với quá trình hồi phục sắp tới của VN-Index. Cơ hội bứt phá khỏi ngưỡng kháng cự này là thấp nếu thanh khoản không được cải thiện rõ rệt trong quá trình trở lại đỉnh ngắn hạn cũ.
Các dòng cổ phiếu dẫn sóng trong 2 phiên tăng gần nhất được ghi nhận tại nhóm vốn hóa vừa, bao gồm vật liệu xây dựng (thép), chứng khoán, thủy sản, bán lẻ, bất động sản, hóa chất. Theo đó, các nhóm này có thể được dòng tiền ngắn hạn ưu ái hơn và cơ hội lướt sóng sẽ nổi bật hơn trên mặt bằng chung của thị trường.
Các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang gặp trở ngại khi chưa đạt được sự đồng thuận hỗ trợ đà tăng của thị trường. Khi nhóm này chưa tạo được đáy ngắn hạn thì rất khó có thể đồng hành và tạo chỗ dựa cho chỉ số thị trường một cách bền vững. Điển hình là VCB, VNM khá đuối trong nỗ lực kéo chỉ số xuyên suốt tuần qua, trong khi tín hiệu tạo đáy ngắn hạn chưa được xác nhận.
Các chỉ báo định lượng đều có phản ứng tương tự khi ghi nhận sự chững lại của dòng tiền tại nhóm vốn hóa lớn và sự khởi sắc của nhóm vốn hóa vừa trong phiên cuối tuần. Ngoài ra, tín hiệu suy yếu của lực cầu cho thấy tâm lý chờ mua rẻ trong nhịp chỉnh vẫn chiếm tỷ trọng lớn, thay vì sẵn sàng mở vị thế bất chấp xu thế của giá. Bên cạnh đó, đà lan tỏa có dấu hiệu sẽ kiểm chứng lại đường MA10 trong tuần này.
Tổng hợp những đánh giá trên, không loại trừ kịch bản điều chỉnh của VN-Index sẽ sớm xảy ra khi động lực tăng chưa đủ lớn, trong khi ngưỡng kháng cự mạnh ở phía trước. Theo đó, chiến lược canh điều chỉnh sẽ được ưu tiên do phù hợp với bối cảnh giao dịch và mục tiêu quản trị rủi ro, trước khi tiến hành mua thăm dò từng phần để tích lũy cổ phiếu.