Thưa ông, các cường quốc đã tiến tới đâu trong cuộc đua về công nghệ?
Các cường quốc về công nghệ đã đi rất xa trên chặng đường này và không chỉ có những thành quả thiết thực ứng dụng vào đời sống kinh tế - xã hội, mà còn có những phát kiến thậm chí ta chưa hình dung được, có thể làm thay đổi toàn bộ xu thế phát triển trong tương lai.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.
Trong khu vực, Singapore đã thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo, có đủ các công nghệ tiên tiến nhất, doanh nghiệp có thể đến học hỏi về áp dụng. Họ đã có những ứng dụng về trí tuệ nhân tạo (AI) để kiểm soát chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường, giúp sử dụng nguồn lực tối ưu, làm cho quy trình sản xuất minh bạch hơn, tăng lợi nhuận lên tới 60% nhờ giảm chi phí.
Mô hình này giúp giải quyết vấn đề lãng phí trong sản xuất, tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, quản lý chất lượng, tránh các rủi ro làm gia tăng chi phí do phải thu hồi sản phẩm, đồng thời giúp bảo trì, bảo dưỡng định kỳ máy móc.
Còn ở các cường quốc phát triển về công nghệ thì mức độ áp dụng gần như phổ biến. Ví dụ, Mỹ đã áp dụng phương thức kinh doanh mới dựa trên mô hình kinh tế chia sẻ trong rất nhiều lĩnh vực thiết yếu.
Các công nghệ mới về AI, robot tự động hóa, in 3D ứng dụng trong phạm vi toàn xã hội, chứ không bó hẹp trong quy mô các nhà máy. Trong kinh doanh, hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo được khuyến khích triệt để, tạo nên trào lưu rộng khắp để các doanh nghiệp tư nhân dẫn dắt sự thay đổi.
Trung tâm thí nghiệm, kiểm nghiệm dữ liệu kết nối có đủ các dịch vụ cần thiết cho việc nghiên cứu, xung quanh có đủ nhân lực để trao đổi, thảo luận về bất cứ sáng kiến, ý tưởng mới nào, lại có người sẵn sàng bỏ vốn, người nâng ý tưởng thành sản phẩm ra thị trường.
Vì vậy, người có ý tưởng sáng tạo không phải trả bất cứ khoản tiền nào. Ý tưởng thành công được đầu tư thành sản phẩm đưa ra thị trường thì chia lợi nhuận theo tỷ lệ.
Mọi người làm ra cái bánh thật to, thật ngon rồi chia để cùng hưởng lợi, mô hình chia sẻ trên các lĩnh vực như Uber, Facebook, Airbnb hay nhiều nền tảng mới ra đời như Ebay, Amazon, Lazada, Alibaba là những ví dụ điển hình.
Việt Nam đang ở đâu trong cuộc đua này?
Chúng ta đã có tư duy và đạt được một số thành quả nhất định, thể hiện ở Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang được Chính phủ tập trung xây dựng nhằm tạo ra làn sóng phát triển, ứng dụng các công nghệ mới trong các doanh nghiệp.
Chiến lược quốc gia về 4.0 trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam dựa trên các trụ cột chính gồm thể chế (hạ tầng, dữ liệu, nguồn nhân lực, chính phủ điện tử và thành phố thông minh tạo thay đổi trong khu vực nhà nước), doanh nghiệp (thông minh hơn, kết nối, hiệu quả hơn, đổi mới công nghệ làm cho sản xuất thông minh hơn, đưa ra cách thức kinh doanh mới như thương mại điện tử, kinh tế số).
Chiến lược cũng hướng tới xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, kết nối mời gọi các nhân tài trên khắp thế giới trở về góp sức phát triển để Việt Nam có thể đi tắt, đón đầu nhằm tiến kịp và có thể vươn lên trong một số lĩnh vực.
Sáng kiến mời 100 nhân tài trở về nước vừa qua chính là một xuất phát điểm.
Tuy nhiên, những khung khổ nền tảng cần được hoàn thiện để họ trở về và thực sự bắt tay vào làm việc, bởi đầu tư mạo hiểm nước ngoài còn vướng mắc về mặt pháp lý, dẫn đến hạn chế đối tác bảo trợ.
Trung tâm đổi mới sáng tạo đã được thành lập, nhưng chưa có đủ dữ liệu, chưa kết nối, tiếp cận được dữ liệu Chính phủ…
Mặc dù vậy, chúng ta đã nhìn thấy một số cơ hội, các doanh nghiệp lớn thành công sẽ tạo thêm sức hút tài năng cả trong và ngoài nước.
Thực tế, nhiều người tài trong nước có các ý tưởng đổi mới sáng tạo, song họ chưa có cơ hội, điều kiện để thực hiện. Vì vậy, cần tạo ra môi trường và sự phấn khích hợp lý để thu hút tài năng. Cơ chế, hệ thống luật pháp phải nuôi dưỡng, khuyến khích cái mới, tạo ra động lực sáng tạo.
Chúng ta kêu gọi nhân tài Việt Nam ở nước ngoài về đóng góp xây dựng kinh tế trong nước, nhưng trước hết cần phát huy hết trí tuệ người trong nước.
Đừng để vì thể chế kinh tế bất cập, môi trường kinh doanh còn thiếu minh bạch khiến người tài trong nước phải ra đi để tìm kiếm nơi hiện thực hóa giấc mơ, còn người tài Việt Nam ở nước ngoài lại khó trở về.
Theo ông, Việt Nam cần làm gì để có thể đi tắt, đón đầu nhằm tiến nhanh hơn trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?
Tôi nghĩ, các ưu tiên trong chiến lược nên tập trung vào Internet vạn vật (IoT). Sức cầu của thị trường quyết định thành công nên IoT là phù hợp, vì không chỉ phục vụ cho sản xuất trong nước, mà còn xuất khẩu ra toàn cầu.
Hiện nay, vấn đề đảm bảo giao dịch an toàn, chắc chắn tin cậy đang là điểm yếu của kinh tế 4.0. Chúng ta có sự kết nối, nhưng chưa có niềm tin của hệ thống, nên có thể chưa thực sự phát triển ngay được.
Tạo niềm tin phải thay đổi nhiều thứ, hệ thống luật pháp và thực thi. Hãy nhận thức, cổ vũ nó và thúc đẩy. Đây là cơ hội, ngay bây giờ hoặc không bao giờ nếu không bắt tay thực thi như chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã từng nói.
Tuy nhiên, chúng ta có điểm mạnh là nhận thức và tư duy về 4.0 từ Chính phủ tới các cấp cơ sở đều sáng và đồng bộ.
Trong nhóm nòng cốt xây dựng chiến lược 4.0, nhận thức đang có tiến triển tích cực, xây dựng hệ tư duy để làm khung phân tích sau đó áp dụng vào hiện trạng, tìm kiếm cơ hội và giải pháp. Cơ hội là phương thức kinh doanh mới, công nghệ mới, sẽ giúp đi tắt, đón đầu.
Nhận thức và quyết tâm, song thực tế hành động như thế nào?
Thế giới đánh giá ta ở nhóm “hỗn độn” với thể chế còn nhiều vấn đề, năng lực tuy nằm trong nhóm kém nhất nhưng có tiềm năng.
Thứ nhất, xét về mô hình Chính phủ điện tử, Chính phủ số theo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trên thực tế chưa có thiết kế và ý đồ rõ ràng. Để giải quyết công việc tốt hơn và thực chất hơn, chúng ta không nhắm đến mục tiêu mang tính hình thức như thế.
Trung tâm hành chính công không phải là xây một cái nhà, đưa một số người vào đó nhận hồ sơ, mà còn phải có ứng dụng công nghệ và đảm bảo khung khổ pháp lý cho hệ thống đó vận hành trơn tru bằng công nghệ. Nơi thực hiện tốt nhất như Quảng Ninh, họ làm “4 trong 1”, nhận hồ sơ, xử lý hồ sơ, phê duyệt và trả kết quả thông qua ứng dụng công nghệ điện tử.
Hành chính truyền thống không thể can thiệp, vì ứng dụng minh bạch, nhanh, kiểm soát được quy trình. Nếu nhận hồ sơ điện tử mà mà xử lý thủ công thì không đảm bảo tính minh bạch. Với ứng dụng hành chính công điện tử, người ta làm hoàn toàn trên điện tử, không có can thiệp bên ngoài.
Thứ hai là ta chưa suy nghĩ đến dữ liệu lớn, kết nối, sở thì chỉ làm ở sở, trung ương thì chỉ làm ở trung ương, làm thủ tục hành chính nhưng không thu thập dữ liệu, chưa kết nối được tất cả dữ liệu để truy xuất được toàn bộ thông tin, có nghĩa là chưa có dữ liệu, thu thập thông tin, chưa suy nghĩ thiết kế theo hướng đó.
Thứ ba là khó về thể chế. Thể chế bình thường ta còn chưa theo kịp, trong khi cách thức quản lý nhà nước phải rất linh hoạt, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đó là cái ta còn rất thiếu. Hiện nay, quản lý của ta chủ yếu vẫn là lo ngăn chặn.
Cần phải nhanh chóng thay đổi lối suy nghĩ này, phải hướng tới tư duy quản lý kinh tế theo 4.0, không cấm và quản doanh nghiệp mà phải để cho họ thỏa sức đổi mới sáng tạo, hơn nữa là nuôi dưỡng và giải phóng các nguồn lực để khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Tư duy này phải đi liền với những cải cách thực tế, các kế hoạch hành động cụ thể để hoàn thiện về hạ tầng, thể chế, thay vì chỉ hô hào khẩu hiệu suông.
Về phía doanh nghiệp, liệu họ đã sẵn sàng?
Hiện nay, chưa có khảo sát nào về tính sẵn sàng của doanh nghiệp Việt Nam, bởi vẫn còn luẩn quẩn câu chuyện làm thế nào để doanh nghiệp áp dụng 4.0 khi chính sách, điều kiện nào để áp dụng, thể chế vẫn chưa sẵn sàng.
Song một hiện tượng mới đang nổi lên ở Việt Nam, đó là đã có những doanh nghiệp tư nhân lớn xuất hiện, họ sẵn sàng và đi tiên phong trong việc đón đầu trào lưu đổi mới sáng tạo.
Mặc dù vậy, những doanh nghiệp này vẫn thiên về áp dụng, chứ chưa tạo ra công nghệ, do đó chưa thể dẫn dắt cuộc chơi trên thị trường toàn cầu.
Vingroup là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong ứng dụng công nghệ 4.0. Với kinh nghiệm dày dạn và năng lực đã đủ lớn mạnh, khi có ý tưởng và phương thức kinh doanh mới, tôi tin là Vingroup có thể thành công.
Các doanh nghiệp tiên phong cần được ủng hộ hết sức, tháo bỏ khó khăn về mặt chính sách, thể chế để phát triển, đó là nhiệm vụ của Nhà nước và thể chế.
Ông dự báo tăng trưởng kinh tế nói chung cũng như các ngành nói riêng sẽ có những bước tiến thế nào nhờ cách mạng công nghiệp 4.0?
Để đánh giá một cách chính xác tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tới các ngành thì cần có những nghiên cứu, phân tích cụ thể về quy mô doanh nghiệp, cơ cấu ngành nghề sản xuất…, từ đó đưa ra nhận định tác động tới từng ngành có thể tạo ra khả năng tăng trưởng thế nào, tác động tới lao động ra sao và có thể tính toán được tác động tới tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế.
Hiện nay, chúng ta mới đánh giá được khía cạnh chuyển đổi, chứ chưa tính được cái mới xuất hiện. Dự đoán, nếu áp dụng 4.0 với mức độ cải cách bình thường, chưa nói đến cải tiến đột phá, thì GDP đến năm 2030 có thể tăng thêm 30 tỷ USD so với năm 2016.
Hy vọng, với sự đột phá, ứng dụng rộng rãi cách thức kinh doanh và công nghệ mới, tạo ra sản phẩm mới và nâng cao năng suất lao động, tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể tăng từ 6,5% lên 7%.
Đối với các lĩnh vực thiết yếu như công nghiệp chế tạo, logistic, nông nghiệp, dệt may, thì tác động từ việc áp dụng công nghiệp 4.0 sẽ giúp thay đổi quy trình hiện hành, giảm chi phí, tăng năng suất và chất lượng, từ đó tăng hiệu quả, gia tăng doanh thu bán hàng và giá trị gia tăng.