Quy mô của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện đã tăng lên nhanh chóng

Quy mô của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện đã tăng lên nhanh chóng

Động lực cải tổ, tái cấu trúc hoạt động ngân hàng

(ĐTCK) Bên cạnh những thành tựu đạt được thì thực trạng của hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng đang đặt ra những vấn đề cần giải quyết hiện nay cho phù hợp hơn với xu hướng phát triển của nền kinh tế.

Động lực cải tổ, tái cấu trúc hoạt động ngân hàng

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, lịch sử phát triển khu vực ngân hàng của bất kỳ quốc gia nào cũng trải qua những quá trình cải cách, cải tổ và tái cấu trúc. Quá trình này thường được các quốc gia tiến hành khi các cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ diễn ra. Vì vậy mà nó cũng thường gây ra hiểu lầm chung phổ biến: tái cấu trúc ngân hàng chứng tỏ khu vực ngân hàng đang gặp khủng hoảng!

Tuy nhiên, sự phát triển của hệ thống ngân hàng ở bất cứ nước nào cũng không tránh khỏi những giai đoạn khó khăn, khủng hoảng. Đó chính là dấu hiệu cho thấy sự phát triển của hệ thống ngân hàng và các thể chế chính sách đi kèm đã không còn phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế và đã đến thời điểm nó cần phải trải qua những cải tiến, đổi mới.

 

Những thực tiễn mang tính quy tắc trong hoạt động tái cấu trúc ngân hàng

Khu vực ngân hàng của nhiều quốc gia trên thế giới đã chứng kiến không ít cuộc tái cấu trúc. Đặc biệt là cuộc khủng hoảng tài chính 1997 đã khơi mào hàng loạt cuộc cải tổ hoạt động khu vực ngân hàng tại các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan… Mỗi quốc gia với đặc điểm kinh tế, chính trị, xã hội riêng tạo ra những màu sắc tái cơ cấu riêng của mình, nhưng tựu chung thực tiễn kinh nghiệm tái cơ cấu ngân hàng cho thấy, quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng ở hầu hết các nước đều thực hiện các bước cơ bản là:

- Đánh giá và phân loại ngân hàng theo tiêu chuẩn quốc tế;

- Xử lý nợ, tái vốn hóa ngân hàng và sáp nhập;

- Nâng cao công tác quản trị ngân hàng và trao quyền độc lập (trong đó có việc gia tăng sự tham gia của các ngân hàng nước ngoài để tiếp thu phương thức quản trị tiên tiến);

- Cải tổ hoạt động của cơ quan giám sát.

Trước khi tiến hành tái cấu trúc, các nước đều áp dụng tiêu chuẩn quốc tế để phân loại các ngân hàng nhằm phân cấp, đánh giá năng lực của các ngân hàng, phân loại và xác định tỷ lệ nợ xấu, trên cơ sở đó, đưa ra những biện pháp cụ thể đối với khả năng hoạt động kinh doanh của từng nhóm ngân hàng.

Chẳng hạn như, tại Hàn Quốc, trong quá trình tái cấu trúc, căn cứ vào tỷ lệ an toàn vốn, Ủy ban Thẩm định ngân hàng Hàn Quốc đã phân loại các ngân hàng thành 3 nhóm: “chấp thuận”, “chấp thuận có điều kiện” và “không chấp thuận”.

Loại “chấp thuận” được khuyến khích sáp nhập với nhau để trở thành các ngân hàng có quy mô lớn. Loại “chấp thuận có điều kiện” phải đệ trình kế hoạch quản lý mới như thuê giám đốc từ bên ngoài, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cắt giảm chi tiêu, sa thải nhân công, giảm lượng chi nhánh… Loại “không chấp thuận” phải sáp nhập với các ngân hàng lành mạnh hơn.

Quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng ở một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc… cho thấy một số điểm đáng lưu ý như sau:

- Tái cấu trúc ngân hàng cần được hoàn thành một cách nhanh chóng và rộng khắp để giúp cho các thị trường tài chính có thể phục hồi chức năng trung gian một cách nhanh nhất. Quá trình tái cấu trúc diễn ra càng chậm thì nguy cơ khủng hoảng tín dụng càng lớn và hậu quả càng nghiêm trọng. Các ngân hàng yếu kém sẽ có thể vẫn tiếp tục cho vay các doanh nghiệp và làm gia tăng nguy cơ nợ xấu, ảnh hưởng đến cả hệ thống ngân hàng.

- Cần giảm thiểu rủi ro đạo đức khi giải quyết các ngân hàng có vấn đề, quyền lợi và trách nhiệm của cổ đông, người lao động và người quản lý cần được xem xét và điều chỉnh một cách công bằng.

- Tái cấu trúc ngân hàng cần được thực hiện đồng thời với việc minh bạch và công khai hóa thông tin.

- Trong quá trình tái cấu trúc, vai trò của NHTW sẽ tác động tới cả hệ thống các đơn vị tổ chức kinh doanh thông qua việc điều hành chính sách tiền tệ theo nguyên tắc thị trường. Trong đó, NHTW có thể tham gia vào quá trình tái cấu trúc thông qua một số phương thức như: tạo ra một môi trường vĩ mô ổn định làm “vật truyền dẫn” cho quá trình tái cấu trúc; tạo tính thanh khoản cho thị trường để đảm bảo tính ổn định của thị trường tài chính; đóng vai trò trung gian trong quá trình tái cấu trúc; tăng cường hợp tác quốc tế nhằm cải thiện lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài…

- Những hạn chế của luật pháp như thiếu các quy định phù hợp về thanh lý tái sản, luật phá sản, việc chậm trễ và thiếu kinh nghiệm của tòa án với quá trình xử lý phá sản… là trở ngại trong quá trình tái cấu trúc. Do vậy, để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thành công, cần kết hợp các biện pháp tài chính với những cải cách về các quy định và luật pháp.

- Cải cách quản trị công ty đóng vai trò quan trọng trong tái cấu trúc, góp phần đảm bảo thành công của công cuộc cải cách, vì đây là biện pháp giải quyết những yếu kém căn bản của hệ thống ngân hàng phụ thuộc nhiều vào các ngân hàng thương mại nhà nước và kém hiệu quả.

- Tái cấu trúc ngân hàng nên đi đôi với việc tái cấu trúc doanh nghiệp.

- Chế độ xã hội và đặc điểm của tổ chức kinh tế, chính trị của mỗi quốc gia có ảnh hưởng tới cách tiếp cận trong cải cách và tái cấu trúc, qua đó ảnh hưởng tới hiệu quả và tốc độ tái cấu trúc.

 

Kinh nghiệm với Việt Nam

Trong giai đoạn 2001 - 2010, sự phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có sự tương đồng với sự phát triển của nền kinh tế. Điển hình là quy mô của hệ thống ngân hàng đã tăng lên nhanh chóng theo cả chiều rộng và chiều sâu, đáp ứng nhu cầu mở rộng và tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được thì thực trạng của hệ thống ngân hàng cũng đang đặt ra những vấn đề cần giải quyết hiện nay cho phù hợp hơn với xu hướng phát triển của nền kinh tế.

Để có thể thực hiện tái cấu trúc thành công cho các ngân hàng Việt Nam hiện nay, theo thực tiễn các nước, Việt Nam cũng cần và thực tế đã và đang tiến hành phân chia các ngân hàng thành 3 nhóm để có phương án và lộ trình thích hợp tương ứng. Sau khi các ngân hàng đã được phân loại một cách hợp lý, một kế hoạch phát triển tổng thể, trong đó phân rõ phương án và lộ trình cụ thể cho từng nhóm sẽ được đưa ra, bao gồm các hoạt động xử lý nợ, tái cơ cấu vốn, hợp nhất, sáp nhập các tổ chức và các vấn đề khác liên quan đến cải thiện hạ tầng tài chính và hệ thống quản lý giám sát hiệu quả.  Việt Hoàng