Doanh nghiệp bị thiệt hại đang nhanh chóng phục hồi sản xuất

Doanh nghiệp bị thiệt hại đang nhanh chóng phục hồi sản xuất

Đồng loạt hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại

Với sự hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền cùng các sở, ban, ngành địa phương, hầu hết doanh nghiệp (DN) bị thiệt hại do hoạt động phá hoại của đối tượng quá khích trên địa bàn Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM đã trở lại hoạt động bình thường.

Công ty TNHH Formosa (100% vốn Đài Loan) là một trong những DN bị thiệt hại nặng tại tỉnh Đồng Nai. Mặc dù Công ty còn đang sửa chữa, nhưng Formosa vẫn quyết định quay trở lại hoạt động từ ngày 16/5.

Ông Vương Nghĩa Bình, Kế toán trưởng Formosa cho biết: “Cả 7/7 bộ phận sản xuất của Công ty đều bị đập phá, với tổng thiệt hại trên 50 tỷ đồng, nhưng chúng tôi đã sớm đi vào hoạt động trở lại vì nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ trực tiếp của lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cũng như của các cấp, các ngành ở địa phương”.

Sản phẩm của Formosa một phần được bán cho DN trong nước, còn lại xuất khẩu sang Thái Lan và Indonesia. “Mặc dù sớm hoạt động trở lại, nhưng chúng tôi vẫn không thể thực hiện được toàn bộ hợp đồng xuất khẩu đã ký với khách hàng, do nhiều thiết bị, máy móc chưa thể sửa chữa, thay thế xong”, ông Vương Nghĩa Bình nói.

Tại Bình Dương, Công ty TNHH Quốc tế Chutex (100% vốn Singapore) mặc dù bị thiệt hại nặng nề, với số tài sản là nhà xưởng, nguyên liệu, phụ kiện, thành phẩm, bán thành phẩm bị thiêu hủy vào đêm 13/5 ước tính lên đến 15 triệu USD, nhưng Chutex cũng đã bắt đầu hoạt động trở lại từ ngày 26/5.

Ông Nguyễn Trường Thi, Giám đốc nhân sự và trách nhiệm xã hội của Chutex cho biết, lãnh đạo DN đánh giá cao sự vào cuộc kịp thời của lãnh đạo UBND và các sở, ban, ngành tỉnh Bình Dương trong việc giúp đỡ, hỗ trợ Chutex cũng như những DN trên địa bàn bị đập phá, trộm cắp, phá hoại trong đêm 13/5.

Sự giúp đỡ, động viên của Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng trên địa bàn, theo ông Thi, là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, ngoài sự động viên, chia sẻ mang ý nghĩa tinh thần, DN rất cần sự chia sẻ, hỗ trợ cụ thể bằng vật chất, đặc biệt là việc bồi thường của các DN bảo hiểm trong nước đối với tài sản bị thiệt hại mà DN đã mua bảo hiểm.

“Chúng tôi mua bảo hiểm tài sản tại một công ty bảo hiểm Việt Nam, nhưng việc đánh giá và xác nhận mức độ thiệt hại và thực hiện các thủ tục đền bù cho DN chưa nhanh, khiến DN gặp khó khăn hơn”, ông Thi cho biết.

Hiện tại, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã ban hành hàng loạt văn bản nhằm hỗ trợ DN bị thiệt hại. Nhưng từ chính sách đến thực thi vẫn còn khoảng cách nhất định, bởi việc xác định giá trị tài sản bị thiệt hại ngoài phạm vi bảo hiểm để thực hiện gia hạn nợ thuế, tính thiệt hại vào chi phí hợp lý, hợp lệ khi xác định thuế thu nhập DN và thực hiện hàng loạt giải pháp hỗ trợ khác cũng cần có thời gian.

“Về phần mình, cơ quan thuế đã thực hiện mọi khả năng trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình nhằm hỗ trợ tối đa cho DN, kể cả việc hoàn ngay thuế giá trị gia tăng trong khi hồ sơ, hóa đơn, chứng từ của DN không đầy đủ theo quy định. Nhưng các công việc khác như miễn, giảm, gia hạn thuế, đặc biệt là chính sách miễn tiền thuê đất, tính thu nhập chịu thuế đối với phần thiệt hại chưa thể tiến hành ngay được nếu không có xác nhận mức độ thiệt hại cụ thể của cơ quan chức năng đối với từng DN”, ông Nguyễn Quốc Trị, Trưởng phòng Kiểm tra 1, Cục Thuế tỉnh Đồng Nai cho biết.

Tin bài liên quan