Đồng hành xây thị trường trái phiếu Việt Nam lớn mạnh

Đồng hành xây thị trường trái phiếu Việt Nam lớn mạnh

(ĐTCK) Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), bà Nguyễn Minh Châu chia sẻ, là thành viên thị trường trái phiếu (TTTP) từ những năm 2002 - 2003, MB đã đồng hành với nhà quản lý trong nhiều hoạt động xây dựng thị trường, đồng thời cũng tìm thấy cơ hội kinh doanh cho mình.

Theo bà Châu, TTTP chính phủ sẽ tiếp tục sôi động, nhất là khi Bộ Tài chính cho phép triển khai nhiều sản phẩm, công cụ mới trên thị trường này.

Là đơn vị được Bộ Tài chính ghi nhận có đóng góp tích cực trong 5 năm hoạt động của TTTP chuyên biệt (24/9/2009-24/9/2014), xin bà chia sẻ những nỗ lực tham gia TTTP của Ngân hàng và hiệu quả thực tế từ TTTP mang lại cho Ngân hàng là như thế nào?

Xác định thị trường vốn nợ chính phủ là một trong những cấu phần quan trọng của thị trường tài chính, Ban lãnh đạo MB có định hướng tham gia thị trường từ rất sớm, từ lúc thị trường mới hình thành vào năm 2002 - 2003. Đến tháng 9/2009, khi Sở GDCK Hà Nội (HNX) khai trương TTTP chuyên biệt, MB là một trong những ngân hàng TMCP đầu tiên đủ điều kiện tham gia thị trường này.

Chúng tôi đã đồng hành cùng cơ quan quản lý trong mọi hoạt động xây dựng thị trường, song song với đó là hoạt động kinh doanh trái phiếu của Ngân hàng. Chúng tôi thường xuyên chủ động đóng góp ý kiến với cơ quan quản lý, nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phát triển sản phẩm mới..., với mong muốn góp sức xây dựng một TTTP chuyên nghiệp, dần tiệm cận với chuẩn mực của TTTP quốc tế. 

Trong kinh doanh trái phiếu, Ban lãnh đạo MB xây dựng một chiến lược rõ ràng, được cụ thể hóa bằng những mục tiêu cụ thể qua từng giai đoạn. Vì vậy, hoạt động đầu tư trái phiếu chính phủ cũng như hoạt động kinh doanh trái phiếu tại MB đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp một phần quan trọng vào nguồn thu nhập ổn định cũng như hiệu quả hoạt động của Ngân hàng.

Một trong những thành quả nổi bật của TTTP chính phủ 5 năm qua là giúp Ngân sách Nhà nước huy động lượng tiền rất lớn (trên 650.000 tỷ đồng). Trên thị trường thứ cấp, thanh khoản trái phiếu đã được cải thiện qua từng năm, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề hạn chế. Bà có gợi ý gì cho nhà quản lý về các giải pháp thúc đẩy thanh khoản và tăng tính hiệu quả trên TTTP Việt Nam?

Nhằm thúc đẩy thanh khoản và tăng tính hiệu quả trên TTTP chính phủ Việt Nam, chúng tôi có một số đề xuất. Về mặt hạ tầng, nhà quản lý cần đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất của thị trường hiện đại và đồng bộ hơn nữa trong mọi khâu giao dịch - thanh toán - chuyển nhượng trái phiếu, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thành viên, đồng thời quản lý rủi ro tốt hơn cho toàn bộ thị trường.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng giao dịch cần từng bước có thể kết nối và đồng bộ với hệ thống giao dịch - lưu ký - thanh toán trái phiếu của khu vực và thế giới, nhằm đáp ứng nhu cầu phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế của Chính phủ, cũng như nhu cầu đầu tư các công cụ nợ trên thị trường quốc tế của các thành viên.

Về mặt pháp lý, chúng tôi mong đợi Bộ Tài chính sớm hoàn thiện đồng bộ các quy định chính sách trong định hướng phát triển TTTP một cách tổng thể, nhất quán với định hướng phát triển thị trường tài chính, làm tiền đề cơ sở cho thị trường triển khai các sản phẩm mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu giao dịch, đầu tư của NĐT trong và ngoài nước.

Nhà quản lý đang có nghiên cứu để sớm cho ra đời các công cụ giao dịch mới như Zero Coupon Bond, When - issued, bộ sản phẩm Repo hay chỉ số trái phiếu (Bond-Index). Bà đánh giá như thế nào về tính hữu dụng của những công cụ mới này?

Chỉ số trái phiếu là một công cụ hữu ích giúp định hướng cho các NĐT trên thị trường, một mặt giúp cái nhìn vào sự phát triển của thị trường rõ nét hơn, NĐT có thể so sánh hiệu quả hoạt động đầu tư của mình với chỉ số để tự đánh giá lại năng lực đầu tư của mình, có thể dựa vào xu hướng của chỉ số để ra quyết định... Sự ra đời của chỉ số trái phiếu rõ ràng có tác động tích cực đến TTTP. Tôi mong HNX sẽ sớm vận hành chỉ số này.

Bộ sản phẩm repos, công cụ giao dịch mới như Zerocoupon, when issued... là những sản phẩm tài chính giúp thị trường đa dạng hóa hơn sản phẩm đầu tư. Đây vừa là cơ hội đầu tư, vừa là công cụ để phòng ngừa rủi ro trong hoạt động kinh doanh trái phiếu, nên chúng tôi mong đợi nhà quản lý sẽ sớm phát triển các sản phẩm, công cụ mới này. 

Bà có dự báo gì về triển vọng phát triển của TTTP chính phủ năm nay và năm tới? MB sẽ tận dụng cơ hội từ thị trường này như thế nào để vừa đóng góp sức mình cho việc xây dựng thị trường chung, vừa mang lại lợi ích cho cổ đông Ngân hàng?

TTTP chính phủ chắc chắn sẽ tiếp tục sôi động tới hết năm nay và trong  năm tiếp theo. MB một mặt vẫn theo đuổi chiến lược đầu tư kinh doanh về trái phiếu bằng các mục tiêu cụ thể trong những năm qua, mặt khác sẽ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội kinh doanh từ sự sôi động của thị trường trong hiện tại.

Trong hơn 5 năm qua, hoạt động kinh doanh trái phiếu chính phủ đã mang lại cho MB nguồn thu nhập ổn định. MB đã có quá trình đầu tư tích lũy tài sản trái phiếu và tích lũy kinh nghiệm giao dịch thị trường trong nhiều năm và chúng tôi tin rằng, sự đầu tư này tiếp tục mang lại lợi ích cho MB trong nhiều năm tới.

Đồng hành với thị trường, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ và hiện đại, nhằm đi đầu và theo sát sự phát triển của TTTP. Cùng với đó, MB cũng sẽ chú trọng hơn việc xây dựng đội ngũ nhân lực có trình độ cao, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong hiện tại và tương lai.

Tin bài liên quan