Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính, một trong những sản phẩm mới của Báo Đầu tư

Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính, một trong những sản phẩm mới của Báo Đầu tư

Đồng hành cùng doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trên chặng đường kinh doanh, doanh nghiệp luôn cần vai trò đồng hành của báo chí, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn của nền kinh tế.

Đi cùng nhau để đi xa hơn

Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính 2024, sự kiện do Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam tổ chức vào đầu tháng 6 vừa qua tiếp tục ghi dấu ấn với giới chuyên gia tài chính, lãnh đạo doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đây là sự kiện thường niên, được tổ chức lần đầu vào năm 2023. Năm nay, Diễn đàn trở lại với chủ đề “Ứng biến trong vạn biến”, quy tụ nhiều diễn giả uy tín trong nước và quốc tế.

Các diễn giả đã thảo luận chuyên sâu về các kịch bản kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng; về các cơ hội, tỷ trọng các tài sản đầu tư trong danh mục nhằm đạt hiệu quả cao. Nhiều đề xuất về chính sách từ giới chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp cũng được Ban tổ chức Diễn đàn tổng hợp và chuyển tới các cơ quan, ban ngành nhằm gỡ bỏ rào cản, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư để thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực tài chính nói riêng, nền kinh tế nói chung.

Chia sẻ cùng Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch SohoVietnam cho rằng, nền kinh tế toàn cầu đang đối diện với những “cơn gió ngược”, nhiều yếu tố bất định đã tác động rất lớn tới dòng vốn đầu tư toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Giai đoạn này, tuy nền kinh tế trong nước có sự hồi phục trở lại nhưng đòi hỏi sự thận trọng nhiều hơn, nhất là với lĩnh vực bất động sản. Trong bối cảnh như vậy, theo ông Cần, những diễn đàn được Báo Đầu tư tổ chức có ý nghĩa rất quan trọng, bởi tại đây, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với đại diện cơ quan quản lý nhà nước, có thể chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất - kinh doanh. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể tìm được những đối tác mới cho hành trình phát triển của mình.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng giám đốc G-Home bày tỏ, doanh nghiệp thấy rất yên tâm khi chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách trên các diễn đàn do cơ quan báo chí tổ chức, bởi tiếng nói của doanh nghiệp sẽ được lan tỏa rộng rãi, theo đó, cơ quan quản lý nắm bắt được và xử lý rốt ráo hơn. Theo ông Nam, đây cũng là cách đồng hành mới của báo chí với doanh nghiệp và thời gian qua, việc sửa đổi nhiều văn bản pháp luật có sự đóng góp rất lớn từ cộng đồng doanh nghiệp và báo chí.

Thực tế, ngoài các ấn phẩm thường kỳ như Đầu tư, Đầu tư Chứng khoán, Vietnam Investment Review, các đặc san, nhiều năm qua, cơ quan Báo Đầu tư đã tổ chức nhiều diễn đàn, các cuộc tọa đàm, hội thảo chuyên sâu về kinh tế - tài chính và gần đây là talkshow. Các sự kiện như vậy thường đi vào một lĩnh vực kinh tế chuyên sâu, hay một vấn đề thời sự “nóng” của doanh nghiệp. Ngoài Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính, Báo Đầu tư cũng thực hiện nhiều hội thảo, tọa đàm lớn về ESG, tài chính, công nghệ, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản.

Riêng các cuộc tọa đàm, hội thảo về thị trường bất động sản đã quy tụ những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản, tín dụng ngân hàng, pháp luật cũng như đại diện nhiều tập đoàn kinh doanh địa ốc. Nhiều kiến nghị từ các cuộc tọa đàm lớn này đã được cơ quan quản lý ghi nhận và sớm có động thái gỡ vướng về cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp trong ngành.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần GPInvest kiêm Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam từng chia sẻ, ông thích cách thức tổ chức của Báo Đầu tư với những diễn đàn mở và sự đa chiều của thông tin phản biện.

Theo ông Hiệp, các ý kiến phản biện chính sách được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, báo chí đã góp thêm tiếng nói tới các cơ quan quản lý, qua đó giúp nhà điều hành kiến tạo môi trường đầu tư - kinh doanh minh bạch, thông thoáng, thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế. Tất nhiên, nhận xét này của ông Hiệp không chỉ dành riêng cho Báo Đầu tư, bởi có rất nhiều đơn vị báo chí, tạp chí tạo dựng được thương hiệu theo hướng làm cầu nối thông tin giữa người dân, doanh nghiệp với các cơ quan quản lý.

Đồng hành trên nền tảng văn hóa

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, từng tham dự nhiều talkshow của Báo Đầu tư cũng như viết bài cộng tác với Báo chia sẻ: “SBLaw là một doanh nghiệp, nên việc hợp tác với cơ quan báo chí luôn cần thiết để quảng bá hình ảnh, thương hiệu. Còn ở góc độ chuyên môn, là một đơn vị tư vấn luật, chúng tôi cũng mong muốn góp sức mình vào việc cải thiện môi trường kinh doanh thông qua các kiến nghị và đề xuất”.

Từ góc nhìn của cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, quan hệ đồng hành của báo chí và doanh nghiệp cần được xây dựng trên một nền tảng văn hoá. Đó là sự kết hợp giữa văn hoá báo chí và văn hoá kinh doanh để giúp hai bên cùng thắng và quan trọng nhất là cùng đóng góp vào việc thực hiện được khát vọng, tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045.

Cụ thể hơn, bà Lan Anh cho rằng, doanh nghiệp và báo chí đồng hành trên nhiều phương diện; trong đó, hai bên cần cùng nâng cao nhận thức chính trị, thực hiện tốt sứ mệnh của mình. Doanh nhân - người lính trên mặt trận kinh tế và người làm báo cách mạng - người lính trên mặt trận văn hóa, tư tưởng cần phải cùng nhau thúc đẩy văn hóa kinh doanh, vun đắp đạo đức doanh nhân; đồng hành trong việc tuyên truyền, phản biện chính sách; hợp tác, nâng cao năng lực mỗi bên.

Bên cạnh việc tôn vinh, lan tỏa cái đẹp, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, bà Lan Anh cho rằng, báo chí và doanh nghiệp cũng cần đồng hành trong việc đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực của doanh nghiệp, doanh nhân, góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Tất nhiên, lúc này lúc khác, mối quan hệ giữa cơ quan báo chí này với doanh nghiệp nọ, giữa phóng viên này với doanh nhân kia có những “điều tiếng” nhất định. Tuy vậy, theo nhiều chuyên gia về truyền thông, bản chất mối quan hệ giữa báo chí với doanh nghiệp luôn là mối quan hệ cộng sinh.

Đặc biệt, trong giai đoạn nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo cần kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc (về vốn, cơ chế, chính sách, thị trường) của cộng đồng doanh nghiệp để các cơ quan quản lý nhà nước hiểu rõ và có các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đúng, trúng, kịp thời, giúp các doanh nghiệp khôi phục sản xuất - kinh doanh, tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, báo chí cũng cần thông tin cả về những chiến lược, mô hình kinh doanh mới mẻ, sáng tạo, đạt hiệu quả cao để nhân rộng hơn nữa trong nền kinh tế…

Tất nhiên, ở góc độ ngược lại, các doanh nghiệp cũng cần giảm bớt tâm lý e ngại, “đề phòng” với báo chí. Bởi chỉ khi doanh nghiệp cởi mở, “người đồng hành” - báo chí, mới có thể thấu hiểu và hỗ trợ doanh nghiệp thông qua vai trò giám sát và phản biện xã hội của mình.

Tin bài liên quan