Năm 2023, DHC đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 3.240 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 300 tỷ đồng, giảm lần lượt 17,7% và 20% so với các kết quả đạt được của năm ngoái.
Xét cơ cấu doanh thu, nhà máy Giao Long- PM1 dự kiến mang về 530 tỷ đồng, nhà máy Giao Long- PM2 dự kiến doanh thu 2.100 tỷ đồng, nhà máy bao bì đóng góp 370 tỷ đồng và Công ty TNHH MTV Bao Bì Bến Tre đóng góp 240 tỷ đồng.
Về cơ cấu lợi nhuận, ba nhà máy Giao Long- PM1, Giao Long- PM 2 và nhà máy bao bì có kế hoạch tổng lợi nhuận đạt 295 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Bao Bì Bến Tre kế hoạch mang về 5 tỷ đồng.
Mặc dù nhận định có nhiều cơ hội đan xen thách thức nhưng Đông Hải Bến Tre vẫn xác định kế hoạch kinh doanh năm nay giảm cả về doanh thu và lợi nhuận so với kết quả năm ngoái.
Trước bối cảnh thị trường nhiều khó khăn, để đạt được kế hoạch đề ra, DHC cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm khai thác khách hàng mới, bán hàng gắn liền với thu hồi công nợ, không làm phát sinh nợ khó đòi, nợ xấu. Đồng thời, Công ty sẽ đẩy mạnh cả thị trường trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Kết thúc quý I/2023, DHC ghi nhận doanh thu đạt 848 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 86 tỷ đồng, giảm 17,8% về doanh thu và giảm 26,4% về lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái.
Lãnh đạo DHC cho biết, nguyên nhân chính của việc sụt giảm về lợi nhuận của Công ty và các công ty con là do sản lượng sản xuất giảm nhẹ, sản lượng bán ra tăng nhưng giá giấy bán ra giảm, giá giấy nguyên liệu và các chi phí đầu vào giảm...
DHC có hai công ty con là Công ty cổ phần Giấy Giao Long và Công ty TNHH MTV Bao Bì Bến Tre, một công ty liên kết là Công ty cổ phần Tân Cảng Bến Tre.
Mới đây, HĐQT Công ty cổ phần Đông Hải Bến Tre vừa có nghị quyết về việc mua thêm 7,76 triệu cổ phần của Giấy Giao Long với giá 10.000 đồng/cổ phần, tương đương tổng số tiền đã chi để mua thêm là 77,6 tỷ đồng. Sau giao dịch, tổng số cổ phần Đông Hải Bến Tre sở hữu tại Giấy Giao Long là 17,46 triệu cổ phần.
Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/6, cổ phiếu DHC tăng 1,8% lên 42.900 đồng/CP.