Đồng Euro yếu nhất kể từ năm 2006 vì mối lo Hy Lạp

Đồng Euro yếu nhất kể từ năm 2006 vì mối lo Hy Lạp

(ĐTCK) Đồng Euro đang trên đà giảm xuống mức thấp nhất trong vòng gần 9 năm trở lại đây sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo sẽ bắt tay vào việc xem xét mua trái phiếu với quy mô lớn.

Đồng USD đang tăng mạnh so với 15 đồng tiền chủ chốt còn lại. Theo Bloomberg, Dollar Spot Index đang gần đến mức cao kỷ lục do những thông tin đồn đoán Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tái tăng lãi suất đồng USD trong năm 2015.

Đầu tuần này (5/1/2015), đồng Euro đã giảm 1,2% tại 19 quốc gia, sau khi Chủ tịch ECB Mario Draghi tuyên bố, ông không thể loại trừ tình trạng giảm phát trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu.

“Các lý do để bán đồng Euro đã khá rõ ràng vào cuối tuần qua. Draghi sẽ có một bước tiến gần hơn trong việc nới lỏng tiền tệ cộng với những mối quan ngại sâu sắc về tình hình chính trị ở Hy Lạp”, Sean Callow, chiến lược gia tiền tệ tại Westpac Banking Corp tại Sydney cho biết.

Đồng Euro đã giảm 0,4% so với đồng USD, rơi xuống mức 1,1959 euro “ăn” 1 USD, sau khi đạt 1,1864 Euro/USD - đây là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2006. Đồng Euro cũng giảm 0,5% so với đồng yên (Nhật), đang ở mức 120,37 yên/Euro (có lúc xuống 143,92 yên/Euro).

Không riêng đồng Euro, kể từ khi Hy Lạp bắt đầu vào chiến dịch tranh cử giữa đảng cầm quyền và phe đối lập, các loại tiền tệ của Úc và New Zealand đều mất giá. Đồng đô-la Úc giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng qua. Đô-la Úc giảm 0,1%, xuống còn 80,82 cent Mỹ/ đô-la Úc, sau khi giảm xuống 80,53 cent/đô-la Úc, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2009. Đồng Kiwi của New Zealand giảm 0,4%, cũng ở vào mức thấp nhất trong nhiều tháng qua, tương ứng 76,68 cent/ kiwi.

Ngoài ảnh hưởng của tình hình chính trị tại Hy Lạp, đồng đô-la Úc và tiền New Zealand bị trượt giá do thước đo sản xuất của Trung Quốc giảm xuống thấp nhất trong 18 tháng. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của cả hai quốc gia này.

Báo cáo của một cuộc khảo sát tại Australia cho thấy, sản xuất cũng đang lâm vào trạng thái suy giảm trở lại trong tháng 12/2014. Lợi suất trái phiếu 15 năm của Úc đã giảm 12 điểm cơ bản, lên mức kỷ lục 2,98%/năm, trong khi sản lượng 10 năm giảm đến 2,77%.

Các chuyên gia kinh tế lo sợ rằng, bất ổn chính trị kéo dài có thể khiến nền kinh tế Hy Lạp lâm vào kiệt quệ và các nhà hoạch định chính sách châu Âu sẽ phải cố gắng để chống chọi với sự quay trở lại của một cuộc khủng hoảng nợ đã tàn phá nước này này từ cuối năm 2009, buộc các nước EU phải hỗ trợ tài chính.

Người đứng đầu ECB, ông Draghi đã cho tín hiệu về những động thái mạnh mẽ hơn trong một cuộc phỏng vấn với báo Handelsbatt (Đức) hôm 2/1/2015 rằng, các ngân hàng trung ương có thể sẽ bắt đầu mua trái phiếu chính phủ trên quy mô lớn, nhưng ông cũng không loại trừ tình trạng giảm phát trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu.

“Nguy cơ không thể hoàn toàn loại trừ, nhưng nó đang bị hạn chế. Nếu khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể nhập vào vòng xoáy suy thoái, giá giảm, chi tiêu giảm, chúng ta phải hành động để chống lại các nguy cơ như vậy”, Draghi khằng định.

“Đồng Euro có thể vẫn không được ưa chuộng lắm, bởi chính sách nới lỏng định lượng mà ECB có thể sẽ được áp dụng sau ngày 22/1/2015”, Sharon Zollner, nhà kinh tế cấp cao của Auckland tại ANZ Bank Ltd. New Zealand viết trên một tờ báo điện tử. “Đồng USD đã sẵn sàng mở rộng đà tăng như “rào chắn được gỡ bỏ”, Sharon Zollner nhận định.

Tin bài liên quan