Tính chung, 9 tháng đầu năm, đồng Euro mất giá 8,8% so với VND, chủ yếu do Ngân hàng Trung ương châu Âu cắt giảm lãi suất và công bố một số chương trình kích thích kinh tế nhằm giải quyết tình trạng lạm phát ở mức thấp và tăng trưởng yếu. Trong cùng khoảng thời gian, đồng Yên mất giá 7,7% so với VND, chủ yếu do Ngân hàng Trung ương Nhật tiếp tục các biện pháp nới lỏng tiền tệ nhằm khắc phục tình trạng giảm phát để thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này.
Trao đổi với ĐTCK, bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc Môi giới, CTCK Bản Việt (VCSC) cho biết, giá những ngoại tệ nêu trên giảm sẽ có lợi cho không ít doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, một số doanh nghiệp xi măng sẽ ghi nhận khoản chênh lệch tỷ giá đáng kể trong quý III/2014, bởi các doanh nghiệp xi măng Việt Nam thường vay nợ bằng đồng Euro để phục vụ việc đầu tư dây chuyền sản xuất của châu Âu.
Ngoài ra, nhóm doanh nghiệp xi măng đang có những khoản nợ vay bằng Euro lớn sẽ được hoàn lại khoản dự phòng giảm giá ngoại tệ. CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1) có lẽ là doanh nghiệp hưởng lợi nhiều nhất từ sự trượt giá của đồng Euro. Đầu quý III/2014, HT1 có khoản nợ 76 triệu Euro nên việc đồng Euro mất giá so với VND, Công ty có khoản lãi tài chính 170 tỷ đồng và được ghi nhận trong báo cáo tài chính quý III/2014.
Tương tự HT1, CTCP Xi măng Bỉm Sơn (BCC) đang có khoản nợ vay dài hạn 56 triệu Euro, sẽ có khoản lãi tài chính 131 tỷ đồng trong quý III/2014. BCC có tỷ lệ giá trị doanh nghiệp/tấn tương đối thấp (66 USD/tấn) so với mức trung bình của ngành xi măng (150 USD/tấn). Bên cạnh đó, đồng Euro giảm giá và nhu cầu xi măng tại Việt Nam tăng là các yếu tố góp phần làm tăng doanh thu và lợi nhuận cho Công ty.
Liên quan đến đồng Yên phải kể đến CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC). Doanh nghiệp này từng “lao đao” với khoản nợ vay lớn bằng đồng Yên khi đồng tiền này tăng giá mạnh trong những năm 2011 - 2012. Khi đồng Yên giảm giá mạnh trong năm 2013 đã giúp PPC đạt lợi nhuận đột biến với 2.227,8 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ chênh lệch tỷ giá đồng Yên so với VND đóng góp lớn vào tổng lợi nhuận. Gần đây, đồng Yên giảm giá, nhưng 6 tháng đầu năm 2014, lợi nhuận của PPC sụt giảm vì đồng Yên tăng giá. Lãnh đạo PPC đã lưu ý với các cổ đông về việc lợi nhuận của doanh nghiệp có thể biến động tăng/giảm đến 500 tỷ đồng mỗi năm nếu đồng JPY biến động xấp xỉ 10%.
Ông Lê Thế Sơn, Kế toán trưởng PPC cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, PPC có khoản nợ hơn 25 tỷ Yên và việc đồng Yên giảm giá giá kể từ cuối tháng 6 đến nay sẽ giúp PPC được hưởng lãi tỷ giá hối đoái trong quý III/2014 hơn 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, bù trừ với khoản phải trích lập trong 6 tháng đầu năm, thì tính đến cuối tháng 9, PPC chỉ lãi hơn 100 tỷ đồng từ chênh lệch tỷ giá.
Theo ông Sơn, khoản lợi nhuận từ lãi chênh lệch tỷ giá, đánh giá lại nợ vay cuối kỳ không làm dòng tiền của Công ty tăng lên và pháp luật quy định, khoản lợi nhuận này không được phân phối hoặc chia cổ tức.
Nhiều doanh nghiệp khác sử dụng vốn vay bằng đồng Yên cũng đang được hưởng lợi đáng kể từ việc tăng giá của VND so với ngoại tệ này. Không chỉ đối với doanh nghiệp vay nợ đồng Yên, mà những doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu từ Nhật Bản cũng được hưởng lợi. Đơn cử, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG), nhà sản xuất tôn thép có khoảng 2/3 nguyên liệu nhập khẩu từ Nhật Bản cho biết, đồng Yên giảm giá cũng là yếu tố thuận lợi đối với Công ty.
Thực tế cho thấy, dù không có đột biến trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đạt con số lợi nhuận lớn nhờ khoản vay bằng ngoại tệ. Tuy nhiên, những doanh nghiệp này cũng đối mặt với rủi ro sụt giảm lợi nhuận, thậm chí lợi nhuận trở thành con số âm, khi giá ngoại tệ đó biến động mạnh theo chiều hướng bất lợi.