Xu hướng sử dụng năng lượng sạch, thân thiện môi trường
Băng tan ở Nam Cực, động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, lũ lụt, hạn hán…, đó là những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu. Thực trạng này buộc các chính phủ và doanh nghiệp trên toàn cầu phải có hành động để giảm ô nhiễm môi trường.
Tại Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư công nghiệp xuất nhập khẩu Đông Dương (mã DDG) là một trong những đơn vị tiên phong trong việc nghiên cứu và phát minh ra những công nghệ mới ứng dụng vào thực tiễn, tận dụng nguồn nguyên liệu phế thải từ các ngành công - nông nghiệp để mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Trong đó, nổi bật là sản phẩm năng lượng sinh khối Biomass mà Đông Dương đang cung cấp cho khách hàng. Sản phẩm giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào than đá, nhiên liệu hóa thạch, tăng cường an ninh năng lượng quốc gia, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm hiệu ứng nhà kính, góp phần ngăn chặn các vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu toàn cầu. Đặc biệt, việc tận dụng các nguyên liệu phế phẩm từ nông nghiệp như cành nhánh cây, dăm gỗ, vỏ hạt điều, vỏ trấu, mùn cưa… giúp giảm giá thành, tiết giảm chi phí cho khách hàng, đối tác.
Bên cạnh đó, Đông Dương cũng tiên phong trong lĩnh vực năng lượng và môi trường. Với mục tiêu phát triển bền vững, Công ty không chỉ luôn nỗ lực hết mình trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường, mà còn chú trọng công tác tuyên truyền ý thức này tới khách hàng, đối tác và cộng đồng để cùng nhau xây dựng và gìn giữ môi trường trong lành.
Lựa chọn hàng đầu của đối tác lớn
Với hệ thống nhà máy trải dài trên nhiều địa phương phía Nam như TP. HCM (Hóc Môn), Bình Dương (Dĩ An, Bầu Bàng), Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ..., trong đó phải kể tới dự án cung cấp hơi - điện và sấy hèm tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân A, Mỹ Xuân, Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Được biết, nhà máy sản xuất hơi, CO2 và sấy hèm tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân A là một trong những nhà máy lớn nhất của Đông Dương sử dụng những công nghệ hiện đại và quy trình sản xuất khép kín với mục đích cung cấp hơi nhiệt, sấy hèm bia, men bia, thu hồi và hóa lỏng khí thải CO2 từ khói thải lò hơi, nhiệt điện, hóa khí Biomass phát điện (hóa khí sinh khối).
Hệ thống thu hồi và sản xuất khí CO2 hóa lỏng từ khói lò hơi. |
Trong đó, giai đoạn 1 của nhà máy đi vào hoạt động từ tháng 12/2019 với hệ thống lò hơi trượt số 1 có công suất 540.000 tấn/năm, hệ thống sấy khô bả hèm bia số 1 và 2 với công suất 10.500 tấn/năm, sản xuất khí CO2 hóa lỏng với công suất 80 tấn/ngày. Thêm nữa, giai đoạn 2 vừa đưa vào sản xuất năm 2022 với công suất khí CO2 hóa lỏng 80 tấn/ngày và hệ thống sấy khô bả hèm bia số 3 công suất 10.500 tấn/năm.
Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng ngày một gia tăng, trong năm 2023, Đông Dương sẽ tiếp tục đầu tư giai đoạn 3 tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân A với hệ thống lò hơi cao áp ghi trượt số 2 công suất 324.000 tấn/năm, hệ thống sấy men bia công suất 10 tấn/giờ, hệ thống sản xuất khí CO2 hóa lỏng công suất 120 tấn/ngày và hệ thống phát điện sinh khối công suất 12,6 MW.
Nhờ vào hiệu quả dịch vụ mà Đông Dương mang lại vừa thân thiện môi trường, vừa tiết giảm được chi phí nên thu hút được nhiều khách hàng, đối tác lớn từ các lĩnh vực ngành nghề như sản xuất bia, rượu, nước giải khát, giấy, bao bì, thức ăn chăn nuôi, chế biến mủ cao su…
Từng bước vươn mình
Nhờ chiến lược đầu tư bài bản, cùng với sản phẩm chất lượng, kết quả kinh doanh của Đông Dương liên tục tăng trưởng từ khi niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) tới nay. Từ mức doanh thu 258,37 tỷ đồng và lợi nhuận 10,08 tỷ đồng năm 2018 - thời điểm mới lên sàn, tới năm 2022, doanh thu ghi nhận lên tới 974,46 tỷ đồng, tăng 2,77 lần và lợi nhuận ghi nhận lên tới 45,84 tỷ đồng, tăng 3,55 lần.
Đông Dương liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận từ khi niêm yết năm 2018 tới nay. |
Theo chia sẻ từ Ban lãnh đạo Đông Dương, năm 2023, Công ty tiếp tục đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng so với năm 2022 với doanh thu và lợi nhuận dự kiến tăng lần lượt 10% và 5%. Kế hoạch này sẽ được trình tại đại hội cổ đông tới đây.
Trọng tâm thời gian tới, Đông Dương tiếp tục triển khai kế hoạch mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng như hoàn thiện nhà máy xử lý rác thải tại Long An và đưa vào hoạt động; nâng cấp hệ thống CO2 từ 80 tấn/giờ lên 120 tấn/giờ, mở rộng hệ thống tách lọc CO2; hoàn thiện giai đoạn 2 của nhà máy tại Vũng Tàu và hệ thống phát điện.
Đông Dương sẽ huy động cả nguồn vốn tự có lẫn bên ngoài để đẩy nhanh quá trình mở rộng quy mô, đáp ứng nhu cầu đang tăng cao của khách hàng/đối tác. Hiện tại, có nhiều nhà đầu tư tìm hiểu, quan tâm tới mô hình hoạt động và ngỏ ý muốn cùng Đông Dương hợp tác mở rộng quy mô và thị trường kinh doanh. Trong đó, Đông Dương đã ký biên bản thỏa thuận góp vốn với 2 quỹ đầu tư đến từ Mỹ và Nhật với tổng giá trị khoảng 40 triệu USD. Công ty sẽ sớm công bố chính thức trong thời gian tới.
Việc có nguồn tài chính mới từ các quỹ đầu tư nước ngoài giúp Đông Dương ổn định dòng tiền trong bối cảnh huy động vốn trong nước khó khăn và chi phí vốn đắt đỏ hơn.
Đông Dương đã và đang không ngừng nỗ lực nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ để cung cấp cho xã hội những sản phẩm chất lượng, giá cả cạnh tranh và dịch vụ hoàn hảo nhất. Hiện tại, Công ty tập trung đầu tư các dự án ở khu vực phía Nam, dự kiến thời gian tới sẽ mở rộng ra thị trường miền Trung, miền Bắc và các nước trong khu vực Đông Nam Á để đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn nguyên liệu thân thiện với môi trường ngày một tăng như hiện nay.