Theo thông tin công bố trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ngày 18/5, một loạt lãnh đạo Indochine Imex đã bị công ty chứng khoán bán giải chấp hàng triệu cổ phiếu theo phương thức giao dịch khớp lệnh trên sàn.
Cụ thể, ông Nguyễn Thanh Quang, Chủ tịch HĐQT bị bán giải chấp 1,63 triệu cổ phiếu. Sau khi giao dịch, tỷ lệ sở hữu của ông Quang giảm từ 4,95% xuống còn 2,23% (1,3 triệu đơn vị).
Bà Trần Kim Sa, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc bị bán giải chấp 700.000 cổ phiếu. Giảm sở hữu từ 2,3 triệu đơn vị (tỷ lệ 3,84%) xuống còn 1,6 triệu đơn vị (tỷ lệ 2,67%).
Ông Trần Kim Cương, Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc, đồng thời là em ruột của bà Trần Kim Sa bị bán giải chấp 210.000 cổ phiếu. Sở hữu giảm tương ứng từ 1,96 triệu đơn vị (tỷ lệ 3,28%) xuống còn 1,75 triệu đơn vị (tỷ lệ 2,92%).
Hai thành viên khác trong gia đình bà Trần Kim Sa cũng bị công ty chứng khoán bán giải chấp trước đó. Cụ thể, ông Yang Kiều An, con ruột bà Sa, bị bán khớp lệnh 178.800 cổ phiếu trong phiên 16/5. Sở hữu giảm tương ứng từ 477.400 đơn vị (tỷ lệ 0,8%) xuống còn 297.400 đơn vị (tỷ lệ 0,5%).
Sau khi bị bán giải chấp, ông Yang Kiều An đã bán khớp lệnh toàn bộ số cổ phiếu nắm giữ còn lại trong phiên 16/5 và rút khỏi danh sách cổ đông DDG.
Bà Trần Ngọc Phụng, em dâu bà Sa, bị bán giải chấp và bán cổ phiếu theo đăng ký tổng cộng 2.710.400 cổ phiếu (tỷ lệ 4,53%) trong thời gian 8/5 – 10/5, theo phương thức giao dịch khớp lệnh. Sau giao dịch, bà Phụng cũng không còn nắm giữ cổ phiếu DDG nào.
Indochine Imex xảy ra nhiều biến động trong thời gian qua. Cổ phiếu DDG có 19 phiên liên tiếp giảm sàn (kể từ ngày 10/4 đến 9/5), rơi từ 42.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 6.000 đồng/cổ phiếu (tương đương giảm 86%).
Kết thúc quý I/2023, Indochine Imex ghi nhận doanh thu thuần 159 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 198 triệu đồng, giảm đến 99% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong kỳ công ty ghi nhận doanh thu tài chính tăng mạnh lên 540 triệu đồng, chi phí tài chính giảm 23% nhưng chi phí bán hàng tăng đột biến từ 1,8 tỷ đồng lên 3,2 tỷ đồng khiến cho lợi nhuận sau thuế công ty giảm sâu.
Sau 19 phiên cổ phiếu giảm sâu thì DDG đã quay lại tăng trần 5 phiên liên tiếp từ ngày 10/5-16/5. Giải trình về vấn đề này, lãnh đạo Công ty cho biết, hiện tại Công ty đang hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, không có biến động đặc biệt nào ảnh hưởng đến thị giá giá cổ phiếu. Việc cổ phiếu DDG tăng trần hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu của thị trường và thị hiếu của nhà đầu tư. Công ty không có bất cứ tác động nào gây ảnh hưởng đến giá giao dịch của cổ phiếu trên thị trường.
Ngoài ra, Quy hoạch điện VIII vừa chính thức được phê duyệt trong đó có đồng phát nhiệt điện và điện rác thuộc các dự án của Đông Dương cũng là yếu tố tạo nên tâm lý tích cực cho nhà đầu tư.