Các nhà quản lý tài sản đã mua ròng hơn 700 triệu USD cổ phiếu tại các quốc gia đang phát triển châu Á ngoài Trung Quốc trong tuần trước, chấm dứt bảy tuần bán ròng liên tiếp.
Sự gia tăng này làm tăng thêm dấu hiệu cho thấy xu hướng có thể đang thay đổi đối với cổ phiếu khu vực sau khi đã hoạt động kém hơn so với các thị trường khác vào năm ngoái do đồng đô la mạnh lên và lo ngại rằng thị trường mới nổi châu Á sẽ phải chịu ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại toàn cầu. Bất chấp những mức tăng gần đây, chỉ số MSCI thị trường mới nổi châu Á ngoài Trung Quốc vẫn có định giá tương đối rẻ, với P/E dự phóng đang ở mức khoảng 15 lần, so với 22 lần của chỉ số S&P 500.
"Với quy mô thuế quan của Tổng thống Trump chậm hơn và ít hơn dự kiến, tâm lý ở các thị trường này có thể sẽ cải thiện và thúc đẩy một số đợt phục hồi…Ít rào cản thương mại hơn cùng với đồng đô la yếu hơn và cắt giảm lãi suất sẽ tạo ra một môi trường toàn cầu có lợi hơn cho tăng trưởng", Han Piow Liew, nhà quản lý quỹ tại Maitri Asset Management Pte cho biết.
Các nhà đầu tư ngày càng có quan điểm rằng các mối đe dọa về thuế quan do Tổng thống Trump công bố chủ yếu là chiến thuật đàm phán. Vào đầu tháng 2, Tổng thống Trump đã tuyên bố rằng ông có ý định áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico, nhưng sau đó đã đồng ý hoãn lại sau khi các quốc gia này chấp thuận một số yêu cầu của ông.
Chỉ số đồng đô la của Bloomberg đã giảm hơn 3% từ mức cao nhất vào đầu tháng 2 khi nỗi lo về thuế quan lắng xuống. Đồng đô la yếu hơn được xem là tích cực đối với các nền kinh tế mới nổi của châu Á, vì nhiều nền kinh tế trong số đó phụ thuộc vào hàng nhập khẩu được định giá bằng đồng đô la và cũng giúp các ngân hàng trung ương ở đây có nhiều dư địa hơn để cắt giảm lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Manish Bhargava, Giám đốc điều hành của Straits Investment Management tại Singapore cho biết: "Căng thẳng thương mại giảm và ngay cả khi không được loại bỏ hoàn toàn vẫn có thể tạo ra môi trường ổn định hơn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư tại các thị trường mới nổi…Việc điều tiết thuế quan có thể sẽ làm dịu căng thẳng thương mại, mang lại lợi ích cho các nền kinh tế châu Á phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu".
![]() |
Diễn biến chỉ số MSCI EM châu Á (ngoài Trung Quốc) và chỉ số đô la của Bloomberg |
Nỗi lo về thuế quan giảm bớt đã giúp thúc đẩy đà tăng ở các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu như Hàn Quốc, trong đó chỉ số Kospi đã tăng 5,5% trong tháng này, vượt trội hơn so với mức tăng 1,3% của chỉ số S&P 500.
Cổ phiếu khu vực cũng đã được thúc đẩy từ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) mới do DeepSeek của Trung Quốc ra mắt, ứng dụng này đã thúc đẩy nhu cầu đối với các công ty công nghệ trên khắp châu Á. Một phần là do sự lạc quan rằng AI có thể được áp dụng cho nhiều ngành công nghiệp, bao gồm các nhà sản xuất ô tô và các công ty thương mại điện tử.
Andrew Swan, Giám đốc cổ phiếu châu Á ngoài Nhật Bản tại Man Group Plc cho biết: "Chúng tôi rất phấn khích trước những cơ hội hiện hữu trên khắp khu vực nhờ vào chu kỳ sản phẩm công nghệ mới…Khi AI trở nên dân chủ hóa, rẻ hơn và hiệu quả hơn, chúng tôi kỳ vọng sẽ thấy một nhóm đối tượng hưởng lợi mới khi sự đổi mới chuyển dịch theo hướng hạ nguồn - một lĩnh vực mà các công ty châu Á có sự tiếp xúc đáng kể".
Tuy nhiên, vẫn có khả năng Tổng thống Trump sẽ thực hiện nhiều tuyên bố áp thuế hơn nữa và dẫn đến đồng đô la tăng giá trở lại. Tuần trước, Tổng thống Trump tuyên bố rằng có thể sẽ áp thuế nhập khẩu ô tô, chất bán dẫn và dược phẩm khoảng 25%, với thông báo sẽ sớm nhất là vào đầu tháng 4.
Nhưng hiện tại, cổ phiếu các thị trường mới nổi châu Á đang thu hút người mua. William Yuen, Giám đốc đầu tư tại Invesco Hong Kong cho biết, ông đã tăng cường tiếp xúc với một số thị trường ASEAN như Indonesia và Philippines.
"Những công ty này đã bị bán tháo vì các yếu tố vĩ mô, nhưng chúng tôi đang thấy sự tăng trưởng và phân phối lợi nhuận”, ông cho biết.