Đồng đô la mạnh ảnh hưởng đến hiệu suất của thị trường chứng khoán châu Á trong nửa đầu năm 2024

Đồng đô la mạnh ảnh hưởng đến hiệu suất của thị trường chứng khoán châu Á trong nửa đầu năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ảnh hưởng của Mỹ lên thị trường tài chính châu Á đã trở nên rõ ràng hơn trong nửa đầu năm nay khi đồng đô la mạnh và lãi suất tương đối cao đã kéo lùi mọi thứ, từ tiền tệ khu vực đến hiệu suất của các thị trường chứng khoán trong khu vực.

Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đồng tiền châu Á suy yếu đã ảnh hưởng đến lợi nhuận khi đầu tư vào cổ phiếu của các thị trường tương ứng. Nhiều nhà quan sát thị trường dự đoán xu hướng này sẽ tiếp tục cho đến cuối năm nay, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Kieran Calder, Trưởng bộ phận nghiên cứu vốn cổ phần châu Á tại UBP cho biết: “Đối với thị trường chứng khoán địa phương, đồng tiền yếu có thể làm giảm nguồn thu từ lợi nhuận đầu tư thông qua chuyển đổi ngoại hối… nghiêm trọng nhất là Nhật Bản”.

Chỉ số Nikkei Stock Average của Nhật Bản đã tăng 18% tính theo đồng nội tệ trong nửa đầu năm, trong khi Chỉ số chứng khoán Tokyo (Topix) đã tăng gần 19%. Nhưng theo FactSet, lợi nhuận mang lại lần lượt chỉ là 3,6% và 4% đối với các nhà đầu tư bằng đồng đô la. Đồng yên đã giảm xuống dưới 160 yên mỗi đô la vào tuần trước, và là mức thấp nhất kể từ năm 1986.

Có một cuộc chiến giằng co đang diễn ra: Đồng yên yếu tương quan với lợi nhuận doanh nghiệp vững chắc và giá cổ phiếu trong nước mạnh hơn ở Nhật Bản, trong khi sự trượt giá của đồng yên lại làm xói mòn những lợi ích đó đối với các nhà đầu tư bằng đồng đô la.

Tuy nhiên, Nicholas Smith, chiến lược gia cổ phiếu Nhật Bản tại CLSA kỳ vọng mô hình này sẽ quay trở lại như trước khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) áp dụng lãi suất cực thấp hơn hai thập kỷ trước. Theo phân tích của ông, trong những năm 1970 và 1980 - khi xuất khẩu thúc đẩy nền kinh tế Nhật Bản - đồng yên mạnh ít ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp.

Trong khi nhiều chiến lược gia vẫn giữ quan điểm tăng giá dài hạn đối với chứng khoán Nhật Bản, thì đó lại là một câu chuyện khác đối với hầu hết các quốc gia Đông Nam Á.

Tại Thái Lan, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 2,8 tỷ USD cổ phiếu từ đầu năm tính đến giữa tháng 6, và là một trong những đợt bán tháo tồi tệ nhất ở châu Á. Chỉ số chứng khoán SET đã giảm 8% tính theo đồng nội tệ trong năm nay. Theo FactSet, các nhà đầu tư bằng đồng đô la đã mất khoảng 15%.

Ngân hàng trung ương Thái lan đã tìm cách chống đỡ trước nỗ lực cắt giảm lãi suất của chính phủ. Chetan Seth, chiến lược gia cổ phiếu khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Nomura cho biết: “Nhưng rõ ràng, thị trường đang lo lắng rằng ngân hàng trung ương có thể không chịu nổi áp lực”.

Hiệu suất của một số chỉ số chứng khoán chính của châu Á

Hiệu suất của một số chỉ số chứng khoán chính của châu Á

Tại Indonesia, chỉ số JSX Composite đã giảm khoảng 3% từ đầu năm đến nay và 9% tính theo đồng đô la. Các chiến lược gia cổ phiếu của Morgan Stanley cho biết: “Chúng tôi nhận thấy sự không chắc chắn trong ngắn hạn về định hướng của lập trường chính sách tài khoá trong tương lai, cũng như một số điểm yếu trên thị trường ngoại hối trong bối cảnh lãi suất của Mỹ vẫn ở mức cao và triển vọng đồng đô la Mỹ vững chắc”.

Tại Đài Loan (Trung Quốc), chỉ số chứng khoán TWSE thiên về nhóm công nghệ đã tăng khoảng 29% trong năm nay, và tăng khoảng 22% nếu tính theo đồng đô la. Theo cuộc khảo sát của Bank of America Securities với khoảng 240 nhà quản lý quỹ khu vực được công bố vào tháng 6, thị trường này vẫn được xem là thị trường đầu tư hấp dẫn ở châu Á nhờ nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ về trí tuệ nhân tạo.

Mặt khác, Ấn Độ là một ngoại lệ đối với xu hướng rộng lớn này. Sự phục hồi của thị trường chứng khoán nước này không bị thị trường ngoại hối cản trở. Theo FactSet, chỉ số chứng khoán Sensex đã tăng khoảng 9% tính theo cả đồng nội tệ và đồng đô la trong năm nay. Đồng rupee là một trong những đồng tiền ổn định nhất châu Á, mặc dù ngân hàng trung ương đã can thiệp để hỗ trợ đồng tiền này.

Jonathan Garner, giám đốc chiến lược cổ phiếu thị trường mới nổi châu Á tại Morgan Stanley ở Singapore cho biết, chứng khoán Ấn Độ đang tăng giá nhờ các nhà đầu tư trẻ trong nước đầu tư vào các quỹ tương hỗ và các sản phẩm tiết kiệm khác.

Chứng khoán Ấn Độ đã vượt trội hơn chứng khoán ở Trung Quốc gấp ba lần tính theo đồng đô la kể từ đầu năm 2021. “Tôi cho rằng điều quan trọng là phải hiểu rằng thị trường Ấn Độ đang trên đà trở thành thị trường lớn nhất trong danh mục thị trường mới nổi”, ông Jonathan Garner cho biết.

Tại Đông Nam Á, thị trường chứng khoán Malaysia nổi bật vì mang lại lợi nhuận vững chắc cho cả nhà đầu tư cả bằng đồng nội tệ và đồng đô la trong năm nay. Theo FactSet, chỉ số chứng khoán FTSE Bursa Malaysia KLCI đã tăng khoảng 9% trong năm nay và 6% tính theo đồng đô la.

Malaysia đang được hưởng lợi từ các công ty đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc. Việc xây dựng trung tâm dữ liệu của các doanh nghiệp phương Tây đang hỗ trợ các lĩnh vực của thị trường chứng khoán, bao gồm bất động sản, xây dựng và tiện ích. "Tôi khá hào hứng với Malaysia. Cuối cùng, tôi có thể nói rằng rất nhiều điều tích cực đang diễn ra ở Malaysia, trong khi thị trường này đã bị các nhà đầu tư nước ngoài phớt lờ trong nhiều năm”, chiến lược gia Chetan Seth cho biết.

Một khi Fed bắt đầu giảm lãi suất, các ngân hàng trung ương châu Á khác ngoài Nhật Bản dự kiến ​​sẽ động thái tương tự. Theo công cụ CME FedWatch theo dõi giá tương lai lãi suất quỹ liên bang, các thị trường đang định giá 56% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Các quan chức Fed đã phát tín hiệu rằng họ dự kiến ​​sẽ cắt giảm lãi suất một lần trong năm nay.

Arnaud Leteissier, người đứng đầu bộ phận giao dịch cổ phiếu khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Citi cho biết: “Nếu đồng đô la suy yếu thì tâm lý đối với châu Á sẽ trở nên tích cực hơn…Nhìn chung, tâm lý rủi ro sẽ phụ thuộc vào diễn biến của thị trường chứng khoán Mỹ”.

Tin bài liên quan