Có 3 chuyên đề được thảo luận tại Hội thảo này, gồm: Dự báo xu thế về biến đổi khí hậu và giải pháp bảo tồn tài nguyên thiên nhiên bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL; Chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL; Định hướng phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đặng Huy Đông cho rằng, đây là dịp để nhìn nhận lại những việc đã và đang làm vì sự phát triển bền vững của ĐBSCL, nhận diện đầy đủ cơ hội và thách thức, những chủ trương chính sách đã được khẳng định là đúng đắn cần phát huy cũng như chính sách bất cập, tiềm ẩn những hệ lụy lâu dài xét trên các khía cạnh phát triển bền vững, bao trùm, tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vùng ĐBSCL có hơn 2.500 quy hoạch, trong đó có 22 quy hoạch cấp vùng. Vùng có quá nhiều quy hoạch dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu liên kết và không đồng bộ; nhiều quy hoạch còn mang tính chủ quan, duy ý chí, không dựa trên cơ sở khoa học...
Từ đó, yêu cầu đặt ra cho quy hoạch vùng ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu là cần phải đổi mới phương pháp theo quy hoạch vùng tích hợp; xây dựng một tầm nhìn chung và chương trình hành động chung cho vùng; quy hoạch hướng đến phát triển kinh tế - xã hội - môi trường bền vững, phù hợp với đặc thù của vùng và thích ứng với biến đổi khí hậu; có cơ chế liên kết và quản lý phát triển vùng hiệu quả...
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, ĐBSCL phải có quy hoạch tích hợp, thích ứng với điều kiện sản xuất, trình độ sản suất, văn hóa, thói quen, tập quán của từng miền, địa phương... và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Định hướng chiến lược đối với quy hoạch vùng ĐBSCL vẫn duy trì thế mạnh với kinh tế nông nghiệp là chủ đạo; phát triển công nghiệp chế biến nông thủy sản; du lịch sinh thái và văn hóa miệt vườn và các dịch vụ hỗ trợ liên quan. Thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp nhằm đảm bảo an ninh lương thực (ANLT- trồng lúa theo tập quán) sang phát triển kinh tế nông nghiệp có năng suất và giá trị cao; củng cố, phát triển các liên kết chuỗi, liên kết phát triển kinh tế vùng....
Về chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế- xã hội vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế, TS. Hoàng Văn Phong, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển kinh tế (Hội khoa học kinh tế Việt Nam) đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta phải giữ trọng trách nặng nề để đảm bảo an ninh lương thực, trong khi ai cũng biết trồng lúa không thể giúp nông dân làm giàu?”.
Ông Phong cho rằng, Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng cần thay đổi tư duy về an ninh lương thực, về làm nông nghiệp là cứ tập trung làm lúa gạo, mà phải hướng đến một nền nông nghiệp có năng suất, chất lượng, có giá trị cao.
Chuyển dịch sản xuất là làm cho thu nhập nông dân tăng lên, giảm chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị. Nhưng phải bảo đảm an ninh lương thực, nên chỉ giảm diện tích đất canh tác lúa ở mức hợp lý, không đặt mục tiêu trồng lúa để xuất khẩu với giá rẻ, nông dân không có lãi và Nhà nước lại phải đầu tư lớn. Như vậy, khái niệm "an ninh lương thực" cần được mềm hóa.
Đồng quan điểm này, GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ nói: “Thời kỳ biến đổi khí hậu buộc ta phải tiết kiệm nước ngọt tối đa, cân nhắc tạm dừng thời kỳ chuyên trồng nhiều lúa, mà phải chuyển sang thời kỳ làm tăng GDP, tăng thu nhập của nông dân”.
Về định hướng sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL, theo GS.TS Võ Tòng Xuân, cần xác định là trồng cây gì, nuôi con gì và thị trường sản phẩm đó ở đâu, đang hoặc sắp cần?
GS.TS Võ Tòng Xuân đặt vấn đề, có thể tham tán thương mại trong các đại sứ quán Việt Nam ở các nước phải được giao trách nhiệm điều tra nghiên cứu để thông báo về nước; bên cạnh đó, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và đông đảo doanh nhân cần tìm hiểu thêm.
Trên cơ sở đó, chọn ra một số cây, con chiến lược có giá trị cao, không cần nhiều nước ngọt, có thể sử dụng nước mặn. Trong quá trình chọn lựa cây, con, cần thiết phải có các nhà doanh nghiệp tham gia từ đầu vì họ là người sau cùng đầu tư sản xuất nguyên liệu và chế biến thành các mặt hàng cung cấp cho thị trường.
Phát biểu kết luận phiên Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần thống nhất là để giải quyết chủ trương phát triển bền vững cho vùng ĐBSCL, đầu tiên là phải có quy hoạch tích hợp cho vùng, sao cho thích ứng với điều kiện sản xuất, trình độ sản suất, văn hóa, thói quen, tập quán của từng miền, địa phương... và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nếu các vấn đề mà giải quyết riêng lẻ, mạnh ai nấy làm, đi theo con đường riêng của mình thì sẽ không giải được bài toán này.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện nay ở ĐBSCL có quá nhiều quy hoạch, cuối cùng bị “rối” lên, không biết quy hoạch nào làm trước, quy hoạch nào làm sau, quy hoạch nào theo quy hoạch nào...
Vì vậy, cần có một quy hoạch cho vùng do Chính phủ chỉ đạo và giao cho một đầu mối làm thống nhất, có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, bộ, ngành, địa phương... để không lãng phí thời gian, tiền của, sao cho sử dụng nguồn lực thấp nhất nhưng hiệu quả mang lại cao nhất.