Đồng bản tệ có giá - điều đó nghe qua thì hay và có thể có tác động tích cực về chính trị, nhưng lại là lời nguyền chẳng hay ho gì về kinh tế và thương mại. Đồng bản tệ mạnh lên có nghĩa là xuất khẩu sẽ đắt và nhập khẩu rẻ hơn, đồng thời tiêu dùng bán lẻ ở trong nước sẽ suy giảm đáng kể, du lịch và xuất khẩu bị ảnh hưởng tiêu cực, thất nghiệp sẽ tăng. Thụy Sỹ hiện đang trong tình trạng đó. Sau những lần can thiệp không thành công vào thị trường ngoại hối, Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ đã buộc phải sử dụng công cụ chính sách tỷ giá hối đoái, cố định tỷ giá hối đoái của đồng Frank Thụy Sỹ với đồng Euro, cụ thể là không để cho đồng Frank Thụy Sỹ mạnh hơn so với đồng Euro quá mức 1 Euro ngang bằng 1,20 Frank Thụy Sỹ.
Như thế có nghĩa là, Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ ràng buộc giá trị đồng Frank Thụy Sỹ vào đồng Euro, như đã từng làm một lần trong quá khứ vào năm 1978 - khi đồng Frank Thụy Sỹ cũng mạnh lên vì đồng USD và đồng DM của Tây Đức mất giá dưới tác động của cuộc khủng hoảng dầu lửa. Lần đó, đồng Frank Thụy Sỹ được ràng buộc vào đồng DM. Cũng có thể nói rằng đây là bước đường cùng của Ngân hàng trung ương Thuỵ Sỹ và cũng chỉ có thể là giải pháp tình thế. Không ai phủ nhận tác động nhất thời của biện pháp này, nhưng cái rủi ro đi cùng cũng không phải nhỏ vì cứ in tiền để khống chế tỉ giá hối đoái thì sẽ không thể tránh khỏi nguy cơ lạm phát - như đã xảy ra năm 1978. Bài học ngày ấy vẫn chưa hết tác động cảnh báo đến tận bây giờ nhưng Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ hiện đâu có sự lựa chọn nào khác.
Cũng còn có thể thấy được từ chuyện này ở Thụy Sỹ là cuộc khủng hoảng đồng Euro đâu chỉ có tác động tới những thành viên EU sử dụng đồng Euro và khủng hoảng càng bộc lộ mức độ phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế và thị trường tài chính trên thế giới.