Kể từ tháng 2/2022, đồng Baht Thái Lan liên tục suy giảm so với đồng USD, từ mức 32,11 Baht/USD vào ngày 18/2, xuống mức 33,7 Baht/USD vào ngày 28/3. Đồng Baht tiếp tục giảm xuống 34 Baht/USD vào cuối tháng 4 trước khi ghi nhận mức thấp nhất trong 5 năm qua là 34,62 Baht/USD.
Như vậy, kể từ đầu năm 2022 đến nay, đồng Baht đã giảm 3,4% so với USD. Theo giới chuyên gia tài chính - tiền tệ Thái Lan, xu hướng này sẽ còn tiếp diễn ít nhất đến hết nửa đầu năm 2022.
Sự suy giảm của đồng Baht so với USD được cho là do xung đột Nga - Ukraine đẩy giá cả nhiên liệu và nhiều mặt hàng thiết yếu tăng cao, khiến tỷ lệ lạm phát cũng tăng theo.
Bên cạnh đó, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất gần đây; đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Trung Quốc đặt ra những thách thức to lớn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu; thâm hụt tài khoản vãng lai và mùa chuyển lợi nhuận về nước của các nhà đầu tư Nhật Bản ở Thái Lan cũng là những yếu tố góp phần khiến Bạt trở thành đồng tiền bị mất giá mạnh trong Quý I/2022.
Theo giới chuyên gia, sự suy yếu của đồng Baht có thể là chỉ dấu cho thấy nền kinh tế Thái Lan đang từng bước được phục hồi, do xu hướng này sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu từ Thái Lan cũng như tăng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Thái Lan.
Tuy nhiên, thực trạng này cũng tác động tiêu cực đến nền kinh tế Thái Lan, nhất là làm tăng nợ công nước ngoài, tăng giá trị nhập khẩu và giảm dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Thái Lan.
Giới chuyên gia tài chính cho rằng, trong nửa cuối của năm 2022, đồng Baht có thể sẽ tăng trở lại. Động lực chính của việc đảo chiều này là do kỳ vọng đông đảo du khách quốc tế sẽ đến Thái Lan thời gian tới.