Đón tín hiệu tích cực, giới đầu tư gom hàng trở lại

Đón tín hiệu tích cực, giới đầu tư gom hàng trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall nhảy ra khỏi vực sâu và khởi sắc trong phiên ngày thứ Năm (25/3) nhờ những dữ liệu kinh tế tích cực.

Đầu ngày thứ Năm, thị trường hào hứng đón nhận báo cáo thất nghiệp hàng tuần từ Bộ Lao động Mỹ.

Dữ liệu cho thấy, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 20/3 là 684.000, đánh dấu lần đầu tiên con số này xuống dưới mốc 700.000 người kể từ tháng 3/2020, thời điểm đại dịch Covid-19 gây ra cuộc khủng hoảng đối với nền kinh tế.

Trước đó, giới chuyên gia kinh tế dự báo sẽ ​​có 735.000 đơn xin thất nghiệp mới trong tuần trước, giảm từ con số 770.000 trong tuần trước đó.

Trong khi đó, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell trên chương trình “Morning Edition” của đài NPR hôm thứ Năm cho biết, quá trình phục hồi kinh tế từ đại dịch hình thành nhanh hơn dự kiến ​​của các nhà hoạch định chính sách, song ông cũng nhấn mạnh, Fed sẽ chỉ giảm các biện pháp hỗ trợ một cách chậm rãi.

“Dần dần theo thời gian và với sự minh bạch cao, khi nền kinh tế đã phục hồi hoàn toàn, chúng tôi sẽ rút lại những biện pháp hỗ trợ đã cung cấp trong thời gian khẩn cấp trước đây", ông Powell nói, một ngày sau phiên điều trần kéo dài 2 ngày tại Quốc hội.

Động thái của Chủ tịch Fed diễn ra ngay cả khi lợi suất trái phiếu giảm trong tuần qua do lo ngại ngày càng tăng về tình hình dịch bệnh ở châu Âu. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giữ ở mức khoảng 1,625% đêm qua, trong khi cuối tuần trước ghi nhận 1,729%.

Mặt khác, tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm thứ Năm, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, ông sẽ nâng mục tiêu tiêm ngừa vắc-xin Covid-19 lên 200 triệu người trong 100 ngày đầu của nhiệm kỳ, thay vì 100 triệu như trước.

Dự kiến ông Biden cầm quyền đủ 100 ngày vào 29/4. Tính đến giữa tuần này, 85 triệu người Mỹ đã được tiêm liều vắc-xin đầu tiên và hơn 46 triệu người đã hoàn thành việc tiêm ngừa. Tuần trước, trung bình 2,5 triệu liều vắc-xin được tiêm mỗi ngày tại Mỹ.

Ngoài ra, ông Biden cũng công bố kế hoạch tái tranh cử tổng thống vào năm 2024, hứa hẹn khả năng tái đối đầu với người tiền nhiệm Donald Trump.

Kết thúc phiên 25/3, chỉ số Dow Jones tăng 199,42 điểm (+0,62%), lên 32.619,48 điểm. Chỉ số S&P 50 tăng 20,38 điểm (+0,52%), lên 3.909,52 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 15,79 điểm (+0,12%), lên 12.977,68 điểm.

Chứng khoán châu Âu giao dịch không mấy tích cực trong phiên ngày thứ Năm do lo ngại về các lệnh hạn chế mở rộng trong khu vực đồng tiền chung châu Âu khi ngày càng nhiều quốc gia tuyên bố siết chặt lệnh phong toả tại nhiều khu vực.

Kết thúc phiên 25/3, chỉ số FTSE 100 giảm 238,6 điểm (-0,57%), xuống 6.674,83 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 10,97 điểm (+0,07%), lên 14.621,36 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 5,12 điểm (+0,09%), lên 5.952,41 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản hồi phục khi giới đầu tư ồ ạt mua lại nhóm cổ phiếu chu kỳ, vốn đã giảm sâu gần đây.

Chứng khoán Trung Quốc giảm từ sớm, trong bối cảnh lo ngại kéo dài về khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ và căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và các nước phương Tây về vấn đề Tân Cương.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, chịu áp lực từ nhóm cổ phiếu công nghệ sau khi cơ quan quản lý chứng khoán Mỹ thực hiện các biện pháp có thể loại bỏ một số công ty nước ngoài ra khỏi phố Wall.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng điểm, chấm dứt chuỗi năm phiên giảm liên tiếp trước đó, nhờ sự trấn an từ các nhà hoạch định chính sách của Mỹ tạo ra hy vọng về sự phục hồi kinh tế nhanh hơn từ đại dịch Covid-19.

Kết thúc phiên 25/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 324,36 điểm (+1,14%), lên 28.729,88 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 3,47 điểm (-0,10%), xuống 3.363,59 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 18,53 điểm (-0,06%), xuống 27.899,61 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 11,89 điểm (+0,40%), lên 3.008,33 điểm.

Giá vàng phiên đêm qua biến động mạnh, tăng vọt rồi giảm trở lại trong bối cảnh đồng USD leo thang, chủ yếu do các nhà đầu tư lo ngại tình trạng đình trệ kinh tế kéo dài ở châu Âu và khả năng tăng thuế tại Mỹ.

Kết thúc phiên 25/3, giá vàng giao ngay giảm 7,60 USD (-0,44%), xuống 1.726,70 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 8,10 USD (-0,47%), xuống 1.725,10 USD/ounce.

Sau phiên hồi phục mạnh, giá dầu quay đầu giảm vào thứ Năm trước tình hình ngày càng mở rộng các đợt phong toả mới ở châu Âu và châu Á do số ca nhiễm Covid-19 gia tăng.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, chứng kiến ​​số ca nhiễm mới tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/2021.

Trong khi đó, OPEC+ dự kiến ​​sẽ cắt giảm nguồn cung hiện tại vào tháng 5 tại cuộc họp dự kiến diễn ra ​​vào ngày 1/4 tới, bốn nguồn tin nội bộ nói với Reuters. OPEC+ gần đây cũng đã từ chối tăng nguồn cung do lo ngại rằng làn sóng lây nhiễm tăng trở lại.

Kết thúc phiên 25/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 2,62 USD (-4,3%), xuống 58,56 USD/thùng, giá dầu thô giảm 2,46 USD (-3,8%), xuống 61,95 USD/thùng.

Tin bài liên quan