"Đòn thuế" của G20 sẽ dẫn đến sự xuất hiện những thiên đường thuế mới

0:00 / 0:00
0:00
Thỏa thuận của nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) nhằm trám các lỗ hổng thuế xuyên biên giới, có thể không loại bỏ được động cơ chuyển dịch lợi nhuận của một số công ty lớn trên thế giới.
Cho đến nay, hơn 130 quốc gia đã cùng tuyên bố thiết lập khuôn khổ mới về cải cách thuế quốc tế của OECD, trong khi một số quốc gia được cho là vẫn bảo lưu quan điểm riêng với các điều khoản trong thỏa thuận. Ảnh: AFP

Cho đến nay, hơn 130 quốc gia đã cùng tuyên bố thiết lập khuôn khổ mới về cải cách thuế quốc tế của OECD, trong khi một số quốc gia được cho là vẫn bảo lưu quan điểm riêng với các điều khoản trong thỏa thuận. Ảnh: AFP

Cải cách thuế là việc "không có đường lui"

Ngoài lập luận trên, các chuyên gia quốc tế cho rằng đề xuất cải cách thuế toàn cầu của G20 lại là bất bình đẳng đến "đáng kinh ngạc" cho các quốc gia thu nhập thấp.

Quan điểm trên được đưa ra sau khi các Bộ trưởng Tài chính G20 ủng hộ kế hoạch cải cách thuế toàn cầu nhằm buộc các công ty đa quốc gia phải trả phần thuế công bằng cho dù hoạt động ở bất cứ đâu. Thỏa thuận này được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ủng hộ và dự kiến sẽ áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15%.

Kế hoạch trên nhằm cải cách hệ thống thuế toàn cầu cho phù hợp với thời đại số hóa. Nhiều khả năng, kế hoạch này sẽ tác động đến các "ông lớn" như Amazon, Google, và Nike, cùng nhiều công ty khác. Từ thỏa thuận vừa đạt được, các quan chức tài chính kỳ vọng lãnh đạo các nước G20 sẽ thông qua kế hoạch cải cách thuế tại Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 10 tới.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã gọi thỏa thuận trên là "cuộc cách mạng thuế trong một thế kỷ qua", đồng thời nhấn mạnh: "Không có đường lui". Còn Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng sự ủng hộ từ các quan chức tài chính G20 gợi mở rằng "sự hợp tác đa phương có thể thành công".

Đến nay, hơn 130 quốc gia đã cùng tuyên bố thiết lập khuôn khổ mới về cải cách thuế quốc tế theo kế hoạch của OECD, trong khi đó một số quốc gia vẫn bảo lưu quan điểm riêng về các điều khoản trong thỏa thuận.

Ông Alex Cobham, Giám đốc điều hành Mạng lưới tư pháp thuế (Tax Justice Network) đánh giá, thỏa thuận về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu của OECD là vấn đề mang tính "lịch sử", nhưng không mang lại cải cách công bằng và hiệu quả.

Chuyên gia Tax Justice Network cảnh báo, thỏa thuận của OECD trong triển vọng sẽ "gây sốc", mang nguồn thu về cho các thành viên lớn nhất của OECD còn các quốc gia có thu nhập thấp hơn lại mất đi nguồn thu thuế lớn nhất khi áp dụng thỏa thuận.

Về tác động của thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu đến các thiên đường thuế, ông Alex Cobham cho rằng: "Yếu tố thiên đường thuế doanh nghiệp sẽ gần như chấm dứt".

"Nhưng vẫn sẽ có một số động lực thay đổi bởi nếu doanh nghiệp đóng mức thuế 25% ở quốc gia X nào đó thì chuyển sang mức 15% thì sẽ tốt hơn, nhưng theo cách mà các quốc gia đang thu thuế các công ty đặt trụ sở chính, thì đề xuất của OECD sẽ khiến họ chuyển dịch lợi nhuận sang Mỹ hoặc Pháp thay vì lãng phí thời gian và tiền bạc chuyển lợi nhuận sang Ireland hoặc Bermuda", ông Alex Cobham nói thêm.

"Do vậy, nó (thỏa thuận) sẽ dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ về mô hình hoạt động của các thiên đường thuế. Đó không phải là kết thúc tuyệt đối nhưng thỏa thuận càng được quy định chặt chẽ, thì mô hình thiên đường thuế sẽ càng được thiết lập một cách toàn diện hơn", chuyên gia Tax Justice Network nhận định.

Đường đi của lợi nhuận ra sao?

Chuyển dịch lợi nhuận là chiêu thức được một số công ty đa quốc gia áp dụng để trả ít thuế hơn mức phải nộp. Các công ty này chuyển lợi nhuận họ kiếm được ở các thị trường lớn, đơn cử như Vương quốc Anh - nơi họ sản xuất sản phẩm hoặc bán hàng hóa hoặc dịch vụ, sang các quốc gia có thuế suất thấp như Ireland và vùng Caribe. Lợi nhuận sau đó bị đánh thuế ở mức rất thấp hoặc có thể miễn thuế, tùy vào mức mức thuế mà quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó quy định.

Các nhà kinh tế ước tính các quốc gia đang hụt thu hơn 427 tỷ USD tiền thuế mỗi năm do các chiêu thức né thuế doanh nghiệp và hành vi trốn thuế của khu vực tư nhân.

Để khắc phục vấn đề dai dẳng này, OECD đã đề xuất một kế hoạch cải cách thuế quốc tế, gồm hai trụ cột. Trụ cột thứ nhất là đánh thuế vào 100 công ty hàng đầu thế giới với doanh thu toàn cầu hàng năm trên 20 tỷ USD và biên lợi nhuận trên 10%.

Các chuyên gia lo ngại rằng trụ cột thứ nhất này chỉ áp dụng đối với một phần nhỏ lợi nhuận của rất ít công ty và hầu hết các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia có thu nhập thấp, sẽ khó có thể lấy lại nguồn thu thuế có thể bị mất khi từ bỏ áp dụng các loại thuế dịch vụ số hiện hành.

Một trong những điều kiện của trụ cột thứ nhất là các quốc gia sẽ chỉ được tiếp cận quyền đánh thuế mới bằng cách loại bỏ tất cả các loại thuế đơn phương hiện áp dụng với các công ty công nghệ. Một số quốc gia không muốn thực hiện theo phương án này bởi thuế dịch vụ số có thể "gõ đầu" nhiều doanh nghiệp hơn so với áp dụng điều kiện thu thuế theo trụ cột thứ nhất. Trong một số trường hợp, nguồn thu thuế dịch vụ số của các quốc gia có thể nhiều hơn so với việc áp dụng điều kiện thu thuế theo trụ cột thứ nhất.

Đối với trụ cột thứ hai, mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sẽ được áp dụng là 15%. Đề xuất này được đánh giá cao hơn so với điều kiện thu thuế theo trụ cột thứ nhất và có thể mang lại khoản thu 275 tỷ USD nếu được áp dụng trên toàn cầu.

Tuy nhiên, ngoài Ủy ban Độc lập về cải cách thuế quốc tế (ICRICT), một số quốc gia đã lên tiếng chỉ trích trụ cột thứ hai vì thiếu tham vọng.

Bà Kate Barton, Phó chủ tịch toàn cầu về thuế tại hãng kiểm toán Ernst & Young bình luận trên đài CNBC rằng đề xuất thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu của OECD, đánh dấu một "bước tiến lớn" nhưng vẫn còn nhiều tranh luận.

"Điều thực sự thú vị ở đây là mốc thời gian", bà Kate Barton nói về mục tiêu hoàn tất các điều kiện trong thỏa thuận vào tháng 10 của OECD và thực hiện mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu vào năm 2023. "Tôi thấy điều đó thực sự cao cả", bà Barton nói thêm.

Đối với tương lai của các thiên đường thuế, bà Barton nhận định: "Nhiều quốc gia sẽ xem xét lại mã số thuế của mình và hướng đến sử dụng như một tiêu chuẩn".

Trong khi đó, ông Christian Hallum, Trưởng bộ phận chính sách thuế tại Oxfam đánh giá, kế hoạch cải cách thuế quốc tế hai trụ cột của OECD có nguy cơ "làm trầm trọng thêm những bất bình đẳng hiện có" trong một hệ thống thuế vốn đã rất bất bình đẳng. Ông cảnh báo kế hoạch của OECD có thể gây ra rủi ro bình thường hóa thuế suất liên quan đến các "thiên đường thuế" như Ireland và Singapore.

Theo chuyên gia Oxfam, thỏa thuận cải cách thuế quốc tế ở một mức độ nào đó sẽ là một tin xấu đối với những thiên đường thuế thu nhập 0% như Bermuda và quần đảo Cayman…

"Phải nói rằng, sẽ xuất hiện một số loại thiên đường thuế khác. Chúng ta hiện có (các thiên đường thuế) như Ireland, Luxembourg, và Hà Lan. Những thiên đường thuế khác sẽ có đặc tính khác và những gì chúng ta sẽ thấy là một hiệu ứng tiềm năng mang tên 'cải tổ thiên đường thuế'", ông Christian Hallum lưu ý.

Tin bài liên quan