Dồn sức “làm khỏe” doanh nghiệp

Dồn sức “làm khỏe” doanh nghiệp

(ĐTCK) Doanh nghiệp (DN) “ốm yếu” được nhìn nhận là một trong ba khó khăn lớn nhất của nền kinh tế trong năm 2014, nên Chính phủ đang dồn lực tiếp sức cho DN.  

Dồn sức “làm khỏe” doanh nghiệp ảnh 1

Muốn gỡ khó được cho DN, cần xử lý  được vấn đề nợ xấu, khơi thông dòng chảy tín dụng

Vẫn ốm yếu

Được coi là “tế bào” năng động nhất của nền kinh tế, có vai trò quyết định trong việc hoàn thành hay không hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước hàng năm, nên với hiện trạng “sức khỏe” còn ốm yếu, cộng đồng DN đang khiến Chính phủ, cũng như các địa phương lo lắng.

Sự khó khăn, vật lộn để tồn tại của DN được thể hiện rõ nét qua con số mà Tổng cục Thống kế vừa công bố. Theo đó, ước trong năm 2013, số DN gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động lên tới 60.737 DN, tăng 11,9% so với năm trước.

Trong đó, số giải thể là 9.818 DN, tăng 4,9%; số DN đăng ký tạm ngừng hoạt động lên tới 10.803 DN, tăng 35,7%; số DN ngừng hoạt động nhưng không đăng ký là 40.116 DN, tăng 8,6%. Những con số này cho thấy, hoạt động của DN vẫn còn nhiều khó khăn. Tình trạng này được dự báo là sẽ tiếp diễn trong năm 2014.

Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương bàn giải pháp triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã nhìn nhận, sự khó khăn của DN cùng với nợ xấu vẫn còn cao và căng thẳng trong thu ngân sách nhà nước là ba khó khăn lớn nhất của nền kinh tế trong năm 2014.

Đáng nói là ba khó khăn trên có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, nên việc kém hiệu quả trong thực hiện các quyết sách để giải quyết hiện trạng này sẽ khó tiếp sức cho DN.

Thực tế, vì nợ xấu cao, nên hiện các DN vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn của các tổ chức tín dụng. Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối tháng 10/2013, tổng nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống tổ chức tín dụng là khoảng 146.500 tỷ đồng, chiếm 4,73% tổng dư nợ và tăng 28.100 tỷ đồng, tương đương 23,8% so với cuối năm 2012.

Một khi “sức khỏe” của DN chậm được cải thiện, thì đương nhiên thu ngân sách sẽ gặp khó. Hệ quả của vòng luẩn quẩn này là khó mở rộng dư địa cho triển khai các giải pháp miễn, giãn, giảm thuế hỗ trợ cho DN trong bối cảnh khó khăn. Thực tế này đòi hỏi bài toán tiếp sức cho DN trong năm 2014 cần có lời giải khôn ngoan và có sức nặng hơn so với năm 2013.

Tiếp sức ngay từ đầu năm

Nhận diện sớm những khó khăn của DN, nên tại hội nghị trên, Chính phủ xác định, tiếp sức cho DN là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chỉ đạo, điều hành các giải pháp phát triển kinh tế trong năm 2014.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, ngay từ cuối năm 2013, các bộ, ngành, địa phương phải gấp rút chuẩn bị triển khai các giải pháp, để tiếp sức cho DN ngay trong những ngày đầu năm 2014.

Để hỗ trợ DN hiệu quả hơn, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước quyết liệt hơn trong xử lý nợ xấu, để tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận vốn.

Trong đó, tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng rà soát, phân loại nợ, đối tượng vay, cơ cấu lại nợ…, để mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng lành mạnh.

Tiếp tục tập trung ưu tiên vốn tín dụng cho sản xuất hàng xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao. Đối với gói hỗ trợ nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành, địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2014 về những vướng mắc và kiến nghị các giải pháp khắc phục. Bộ Tư pháp chủ trì đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm các vụ việc thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng, để tạo điều kiện thu hồi nợ, giảm nợ xấu và mở rộng tín dụng...

“Thực tế cho thấy, không ít DN vừa và nhỏ có thị trường, có công nghệ tốt, nhưng vì không còn tài sản thế chấp, nên không vay được vốn. Hệ quả là nhiều DN rơi vào tình trạng đình đốn sản xuất, đối mặt với nguy cơ giải thể, phá sản.

Điều này là đáng báo động, bởi nếu tiếp tục để các DN có triển vọng phát triển tốt dừng hoạt động, thì sẽ triệt tiêu động lực tăng trưởng của nền kinh tế…”, TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam bày tỏ quan ngại, đồng thời cảnh báo, nếu các giải pháp trong tiếp sức DN vẫn tỏ ra kém hiệu quả, thì bản thân các ngân hàng cũng gặp bất lợi kép: vừa gia tăng tỷ lệ nợ xấu, vừa không thể đẩy mạnh cho vay để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng lành mạnh…

Do vậy, trong bối cảnh nguồn lực có hạn, các giải pháp hỗ trợ DN cần có trọng tâm, trọng điểm hơn trong năm 2014, thay vì vẫn còn dàn hàng ngang như năm 2013.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần tiến hành điều tra, khảo sát cụ thể về khả năng phát triển của từng ngành, lĩnh vực. Trên cơ sở đó, vừa đánh giá được tiềm năng phát triển của từng ngành, vừa cập nhật được hiện trạng sức khỏe của các DN.

Kết quả điều tra này là cơ sở để đánh giá DN thuộc ngành, lĩnh vực nào có khả năng bứt phá, thì các giải pháp tiếp sức về chính sách tiền tệ, tài chính tập trung hỗ trợ, qua đó tạo sức lan tỏa hỗ trợ DN các ngành khác cùng phát triển.

Cùng với yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đẩy mạnh triển khai kế hoạch phát triển DN nhỏ và vừa, khẩn trương đưa Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa vào hoạt động, Chính phủ còn yêu cầu các bộ, địa phương tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục hành chính và thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi trong các lĩnh vực thuế, hải quan, tiếp cận vốn, đất đai, đầu tư xây dựng..., để giúp DN phục hồi rõ nét hơn trong năm 2014.           

“Cần tiếp nhanh vốn cho DN”

Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội

Tỷ lệ nợ xấu trong khối ngân hàng vẫn còn cao, đang khiến nhiều DN gặp khó khăn trong tiếp cận vốn phát triển sản xuất - kinh doanh. Kéo dài tình trạng để DN “chết” hàng loạt trước khi được cứu rất nguy hiểm, bởi sẽ triệt tiêu các nguồn lực giải quyết công ăn việc làm, tạo nguồn thu cho ngân sách.

Thực tế trên đang đòi hỏi phải có giải pháp bơm vốn nhanh và trúng hơn cho DN. Đơn cử như trong lĩnh vực bất động sản, việc để các DN hoạt động lành mạnh, có tiềm năng phát triển, nhưng đói vốn, không chỉ là mối nguy cho chính DN, mà còn cả cho ngân hàng. Thực tế, nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản hiện chiếm tỷ lệ cao trong tổng khối nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng. Điều này đồng nghĩa, nếu DN chết, thì ngân hàng cũng khó sống. Do đó, nên chăng, trong năm 2014, các ngân hàng cần tính toán chi li để có thể triển khai các gói cho vay mới đối với các dự án, các DN bất động sản hiệu quả, để giải cứu cho chính khoản vay của ngân hàng, chứ không chỉ là cứu nguy cho thị trường bất động sản. Để giảm nguy cơ phát sinh nợ xấu mới, các ngân hàng cần tham gia sâu hơn vào quá trình hoàn thiện sản phẩm, bán hàng, để vừa giảm rủi ro thu hồi vốn, vừa góp phần hỗ trợ thị trường bất động sản dần phục hồi lành mạnh.

 

           

“Nên tiếp sức cho DN có trọng điểm”

Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP. HCM

Muốn đạt hiệu quả cao hơn trong giúp DN hồi sinh, các giải pháp tiếp sức cho DN cần có trọng tâm, trọng điểm hơn trong năm tới. Các chính sách ưu đãi này không chỉ giúp DN phục hồi trong ngắn hạn, mà quan trọng hơn là gia tăng dư địa cho tăng trưởng bền vững trong dài hạn, qua đó tạo thêm nhiều việc làm mới, đồng thời gia tăng đóng góp cho thu ngân sách. Điều này đã được chứng minh qua kinh nghiệm của TP. HCM trong năm 2013. Theo đó, Thành phố đã cho vay ưu đãi 7.400 tỷ đồng đối với các DN chú trọng đầu tư cho đổi mới công nghệ, cải tiến sản phẩm, mở rộng thị trường. Cách đi này đã hỗ trợ cho nhiều DN nâng cao năng suất, chất lượng hoạt động, tăng năng lực cạnh tranh, thậm chí có DN còn sản xuất được nhiều mặt hàng thay thế hàng nhập khẩu.

Trong năm 2014, ngoài tiếp tục cách hỗ trợ DN trên, UBND Thành phố đề nghị Chính phủ cần tập trung chỉ đạo các bộ, địa phương ưu tiên nguồn lực hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa có tiềm năng phát triển; các DN hoạt động trong các ngành công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi sản xuất của các DN lớn đang hoạt động hiệu quả.

 


>>“Cần ủy ban quốc gia giải cứu doanh nghiệp”