Đón sóng EVFTA lên các ngành chủ chốt

Đón sóng EVFTA lên các ngành chủ chốt

(ĐTCK) Hiệp định EVFTA với những cam kết ở mức cao trong nhiều lĩnh vực sản xuất và dịch vụ chủ chốt của Việt Nam dự báo sẽ sớm có tác động trực tiếp và gián tiếp tới các doanh nghiệp trong lộ trình thực thi theo cam kết.

Ngành sữa và chế biến sữa

Đây là một trong những lĩnh vực trong nhóm ngành nông, lâm, thủy sản và ngành chế biến được đánh giá là sẽ có những tác động sớm với những cam kết mở cửa mạnh mẽ trong EVFTA. Bộ Công thương cho hay, EU cam kết mở cửa rất mạnh cho các sản phẩm sữa của Việt Nam, chủ yếu thể hiện trên 2 khía cạnh, đó là xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với phần lớn các dòng thuế nhóm sản phẩm sữa cho Việt Nam ngay khi EVFTA có hiệu lực, trong khi các sản phẩm này đang chịu mức thuế nhập khẩu khá lớn và xóa bỏ thuế quan với lộ trình 4 - 6 năm đối với nhóm sản phẩm bơ, nhóm sữa/kem chưa thêm đường/chất tạo ngọt.

Đây được đánh giá là cơ hội lớn mở ra cho ngành sản xuất sữa của Việt Nam vào thị trường khó tính bậc nhất EU với trên 70 doanh nghiệp sản xuất sữa có thương hiệu, trong đó không ít doanh nghiệp lớn đang có tỷ trọng xuất khẩu đáng kể như Vinamilk, TH True Milk cùng nhiều doanh nghiệp ngành chế biến có liên quan tới các sản phẩm thuộc nhóm ngành này.

Ngoài ra, nhóm đối tượng hộ kinh doanh chăn nuôi bò và kinh doanh các sản phẩm sữa tươi, cung cấp sữa tươi nguyên liệu và các sản phẩm sữa tiêu dùng ngay cũng được hưởng lợi gián tiếp khi tỷ trọng và giá trị kim ngạch xuất khẩu sữa sẽ tăng lên theo lộ trình thực thi EVFTA.

Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, một vấn đề đáng lưu tâm đối với ngành này là cam kết xóa bỏ gần như hoàn toàn thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực cho các các sản phẩm sữa cho Việt Nam sẽ khó có thể tác động tích cực tới triển vọng xuất khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa nếu EU không cấp phép nhập khẩu sản phẩm sữa của Việt Nam.

Do đó, các doanh nghiệp ngành sữa cần nghiên cứu tìm kiếm thị trường ngách thích hợp cũng như kết nối với các đối tác đảm bảo năng lực nhập khập tại thị trường EU để sẵn sàng tiếp cận thị trường này ngay khi được cấp phép nhập khẩu. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đẩy nhanh quy trình và và kế hoạch thực thi giám sát chất lượng sản phẩm để được EU sớm cấp phép nhập khẩu.

Theo đánh giá chung, tác động tích cực lớn nhất trước mắt chính là việc nhập khẩu sản phẩm sữa nguyên liệu từ EU với giá hợp lý khi EVFTA có hiệu lực, qua đó cải thiện giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường nội địa và các thị trường xuất khẩu thử nghiệm hiện hành của một số doanh nghiệp lớn như Thái Lan, Myanmar, châu Phi…

Đặc biệt, cơ hội này là khá lớn đối với các sản phẩm hiện nay Việt Nam phải nhập khẩu nhiều từ EU như sữa whey, pho mát với nguồn cung từ EU chiếm hơn 50% tổng nhập khẩu, hoặc sữa và sữa kem dạng bột với cơ cấu nhập khẩu 30% từ EU.

Bên cạnh đó, thách thức đặt ra với ngành sữa là các doanh nghiệp sữa Việt Nam sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh lớn hơn đến từ các sản phẩm sữa thành phẩm nhập khẩu từ EU khi cam kết của phía Việt Nam cũng là xóa bỏ thuế quan ngay đối với các sản phẩm sữa whey ngay khi EVFTA có hiệu lực và giảm đều, tiến tới xóa bỏ thuế quan sau 3 - 5 năm đối với các sản phẩm còn lại. Do đó, Bộ Công thương khuyến cáo, các doanh nghiệp nhập khẩu sữa cần lưu ý chiến lược tận dụng các cơ hội nguyên liệu có giá hợp lý từ EU và chuẩn bị sẵn chiến lược cạnh tranh trước các sản phẩm này trên thị trường nội địa.

Đón sóng EVFTA lên các ngành chủ chốt ảnh 1

EU cam kết mở cửa rất mạnh cho các sản phẩm sữa của Việt Nam.

Chế biến, xuất khẩu rau quả

Đối với ngành chế biến, xuất khẩu rau quả, cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cho các doanh nghiệp cũng được đánh giá cao với các cam kết mở cửa của EU cho sản phẩm rau quả Việt Nam trong EVFTA là xóa bỏ 94% trên tổng số 547 dòng thuế đối với rau quả và các chế phẩm từ rau quả, trong đó không ít sản phẩm có thế mạnh của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu rau quả hiện nay như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa…

Đặc biệt, phần lớn các dòng thuế EU cam kết xóa bỏ ngay đều đang có mức thuế trung bình trên 10%, thậm chí có sản phẩm rau quả chịu thuế trên 20%. Do đó, mức cam kết này được đánh giá là sẽ tạo ra lợi thế về giá cho rau quả Việt Nam, nhất là trong cạnh tranh nhập khẩu vào EU với các nước có thể mạnh về rau quả nhưng chưa có hiệp định thương mại tự do với EU như Thái Lan, Trung Quốc…

Đáng chú ý, các sản phẩm của EU có thế mạnh phần lớn là các loại rau quả ôn đới, ít cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam. Vì vậy, EVFTA sẽ không tạo ra sức ép cạnh tranh quá lớn cho rau quả Việt Nam trên thị trường nội địa.

Chế biến, xuất khẩu gạo

Trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu gạo, theo đại diện Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), cơ hội mở ra từ các cam kết EVFTA là tích cực cho các doanh nghiệp trong ngành khi mức thuế nhập khẩu gạo được cam kết giảm mạnh trong điều kiện thuế nhập khẩu của Việt Nam vào EU hiện nay khá cao, thậm chí có trường hợp một doanh nghiệp xuất khẩu gạo vào Croatia, một nước thành viên EU, lên tới 30 - 35%.

Không chỉ bất lợi về mức thuế nhập khẩu, gạo Việt Nam xuất khẩu đang chịu sức ép cạnh tranh lớn từ sản phẩm gạo của Thái Lan và Campuchia do chất lượng và thương hiệu gạo của Thái Lan được thị trường EU đánh giá cao, còn gạo Campuchia được hưởng mức hạn ngạch xuất khẩu khá lớn, trong khi gạo Việt Nam chỉ được cấp hạn ngạch trên dưới 80.000 tấn/năm.

Đón sóng EVFTA lên các ngành chủ chốt ảnh 2

Với việc cắt giảm thuế sớm theo lộ trình cam kết ngay khi EVFTA có hiệu lực, gạo Việt Nam sẽ được hưởng lợi về thuế, từ đó giúp giảm giá thành xuất khẩu vào thị trường này và đây là một lợi thế cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, theo Vinafood 1, gạo Việt Nam xuất khẩu chịu cơ chế cấp hạn ngạch từ EU, do đó, các doanh nghiệp mong muốn có sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng trong việc vận động EU nâng hạn ngạch cho gạo xuất khẩu Việt Nam.

“Bản thân doanh nghiệp cũng đang nghiên cứu kỹ các cam kết trong các lĩnh vực và nhóm ngành có liên quan nhằm đẩy mạnh thực hiện kế hoạch xây dựng thương hiệu mạnh cho gạo xuất khẩu Việt Nam vào EU, đồng thời tìm hiểu khả năng đa dạng hóa mặt hàng chế biến từ sản phẩm gạo để gia tăng giá trị xuất khẩu trên cơ sở tận dụng cơ hội từ EVFTA”, đại diện Vinafood 1 chia sẻ.

Bất động sản khu công nghiệp

Ở lĩnh vực kinh doanh bất động sản khu công nghiệp, tuy không hưởng lợi trực tiếp từ cắt giảm thuế theo EVFTA, song bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư TNG cho rằng, doanh nghiệp sẽ có cơ hội hưởng lợi từ làn sóng mở rộng đầu tư và quy mô sản xuất của các doanh nghiệp trong nước để đón sóng EVFTA từ các ngành cũng như làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp EU.

“Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được giảm thuế, khối lượng sản xuất sẽ tăng lên và giá trị kim ngạch xuất khẩu Việt Nam thu về nhiều hơn. Như vậy sẽ xuất hiện một nhu cầu tất yếu là đầu tư mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gia tăng, do đó nhu cầu thuê đất để mở rộng sản xuất đầu tư của doanh nghiệp trong nước gia tăng, tạo động lực và cơ hội mới cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khu công nghiệp, đặc biệt trong đầu tư phát triển hạ tầng để tạo mặt bằng sạch cho doanh nghiệp”, bà Hường nhận định.

Đánh giá về tác động tổng thể của Hiệp định, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, EVFTA giúp cho các sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa Việt Nam có điều kiện cạnh tranh, phát triển ở thị trường châu Âu và có điều kiện hình thành các chuỗi giá trị. Hơn nữa, toàn bộ hàng hóa xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU được hưởng ưu đãi thuế quan sắp tới và cả những điều kiện thuận lợi hóa thương mại đều là những ngành hàng quan trọng, kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.

Trong đó, các mặt hàng nông sản, gạo, cà phê, mật ong, sản phẩm chăn nuôi, cây trái... đều là những ngành hàng được hưởng ưu đãi cao ngay từ những năm đầu tiên. Những sản phẩm kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh ở EU như dệt may, da giày, chế biến đồ gỗ, tin học, các ngành công nghiệp như hóa dầu, ô tô, cơ khí cũng được hưởng ưu đãi khi cắt giảm thuế quan trong những năm tới.

Tin bài liên quan