Theo quy hoạch, trong giai đoạn 2021 - 2030, mạng cảng hàng không Việt Nam gồm 14 cảng hàng không quốc tế, trong đó có sân bay Vân Đồn. Ảnh: Dũng Minh. Đồ họa: Đan Nguyễn
Nhu cầu thật sự
UBND tỉnh Hà Giang vừa gia nhập danh sách các địa phương muốn bổ sung một sân bay trên địa bàn vào Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cụ thể, đích thân ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã ký Công văn số 2980/UBND-KTTH ngày 29/9/2022 gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT đề nghị bổ sung sân bay Tân Quang vào Quy hoạch.
Theo đề xuất của UBND tỉnh Hà Giang, Cảng hàng không Tân Quang dự kiến đặt tại tọa độ 22°30′52N-104°53^27’’E, thuộc xã Tân Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Đây là sân bay quân sự cấp II và cấp 4C, tiêu chuẩn hàng không dân dụng (sân bay dùng chung quân sự dân dụng), với tổng diện tích đất khoảng 388,9 ha, trong đó đất bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng khoảng 70 ha.
Sau khi được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch, UBND tỉnh Hà Giang xác định mốc giới, công bố quy hoạch và quản lý ranh giới, quy hoạch sân bay, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu xây dựng. Cùng với việc bổ sung vào quy hoạch, UBND tỉnh này đề nghị thực hiện đầu tư Cảng hàng không Tân Quang trước năm 2030.
Về quỹ đất và kinh phí giải phóng mặt bằng, ông Nguyễn Văn Sơn cho biết, Hà Giang đã chuẩn bị quỹ đất tại vị trí nêu trên và bố trí ngân sách tỉnh để thực hiện công tác thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng để Dự án sớm được triển khai đầu tư xây dựng.
Tại Công văn số 2980, UBND tỉnh Hà Giang cho biết, là tỉnh địa đầu tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh, địa phương này có đường biên giới dài trên 277,5 km tiếp giáp hai tỉnh của Trung Quốc là Vân Nam và Quảng Tây, có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
Địa phương đang có nhiều lợi thế phát triển kinh tế như phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả có múi, trồng rừng và phát triển du lịch, kinh tế cửa khẩu, trong đó có Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn; Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì. Tuy nhiên, do vị trí địa lý và yếu tố địa hình, đây là một trong rất ít tỉnh chỉ có một loại hình vận tải là đường bộ với tuyến Quốc lộ 2 quy mô 2 làn xe kết nối với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh.
Từ trung tâm tỉnh lỵ đến sân bay gần nhất là sân bay Nội Bài khoảng 260 km, trong khi đường sắt, đường thủy nội địa chưa được đầu tư, đường cao tốc kết nối với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong vùng hiện mới được quy hoạch và đang triển khai thực hiện.
Ông Nguyễn Tuấn Mạnh, một cán bộ điều hành Sài Gòn Holiday Tour cho biết, du khách phía Nam rất thích khám phá, du lịch tại Đồng Văn và Hoàng Su Phì. Tuy nhiên, hành trình dài dằng dặc từ sân bay Nội Bài lên Hà Giang qua cung đường nhiều cua gắt khiến tour du lịch này chỉ dành cho số ít khách có sức khỏe và thích cảm giác mạnh.
“Để khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, rất cần ưu tiên phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng, là động lực và tiền đề cho sự phát triển kinh tế. Trong đó, việc quy hoạch, đầu tư xây dựng sân bay tại Hà Giang chính là chìa khóa cho việc phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng - an ninh, phát triển đa dạng các loại hình vận tải, nhằm phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ du lịch trên địa bàn”, ông Nguyễn Văn Sơn đánh giá.
Hạn chế về hạ tầng giao thông tiếp cận thuận lợi khiến UBND tỉnh Hà Giang đặt rất nhiều kỳ vọng vào sân bay Tân Quang. Liên tục từ cuối năm 2019 đến nay, UBND tỉnh Hà Giang đã 3 lần gửi kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung sân bay Tân Quang vào Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
“Việc sân bay Tân Quang được đưa vào Quy hoạch là điều kiện tiên quyết để tỉnh có thể kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư sân bay này”, lãnh đạo tỉnh Hà Giang cho biết.
Hạn chế về hạ tầng giao thông tiếp cận thuận lợi khiến nhiều địa phương đặt kỳ vọng vào đề xuất xin bổ sung sân bay vào Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Dũng Minh. Đồ họa: Đan Nguyễn |
Quy hoạch theo hướng mở
Theo thông tin của Báo Đầu tư, cuối tuần trước, Bộ GTVT đã có Công văn số 10011/BGTVT-KHĐT gửi Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) về việc bổ sung cảng hàng không trong Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại văn bản này, Bộ GTVT cho biết, đã nhận được Công văn số 6401/VPCP-CN ngày 27/9/2022 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ GTVT tổng hợp, xử lý kiến nghị của UBND các tỉnh Tuyên Quang, Sơn La, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Kon Tum đề xuất cho phép bổ sung các cảng hàng không của các tỉnh vào Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Để có cơ sở tổ chức làm việc với các địa phương về nội dung kiến nghị, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo TEDI, trong vai trò tư vấn lập quy hoạch hệ thống cảng hàng không, rà soát, chuẩn bị báo cáo đánh giá chi tiết khả năng hình thành cảng hàng không mới tại các địa phương nêu trên theo các tiêu chí đã xây dựng trong hồ sơ quy hoạch; nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý kiến nghị của các địa phương.
“Cục Hàng không Việt Nam, TEDI khẩn trương thực hiện, báo cáo Bộ GTVT trước ngày 5/10/2022”, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT đề nghị.
Cũng giống như Tân Quang, các sân bay đang được đề xuất đưa vào quy hoạch và triển khai sớm theo hình thức PPP đều có điểm chung là các cảng hàng không mới, quy mô nhỏ, chưa hiện diện trên bản đồ hàng không Việt Nam, nhưng có tiềm năng lớn trong việc kết nối đầu tư, phát triển du lịch trên địa bàn.
Không thể phủ nhận những lợi thế rất lớn mà cảng hàng không có thể đem lại cho một địa phương, đặc biệt các địa phương miền núi, hải đảo trong việc kêu gọi thu hút đầu tư phát triển du lịch, kết nối giao thương. Một tuyến cao tốc dù đầu tư lớn, nhưng cũng chỉ giúp kết nối trực tiếp 2 tỉnh lân cận, nhưng một sân bay có thể mở ra cơ hội thông thương với cả 63 tỉnh, thành phố, thậm chí với toàn thế giới.
Trong báo cáo rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gửi Bộ GTVT cuối tháng 8/2022, Cục Hàng không Việt Nam đã chấp nhận đưa quy hoạch hạ tầng hàng không theo hướng mở với việc để “chế độ chờ” cho nhiều sân bay mới.
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT cập nhật nội dung Quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030 “nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng quy hoạch, xây dựng cảng hàng không tại một số sân bay quân sự (Thành Sơn, Biên Hòa...) trong trường hợp đủ điều kiện” trong Dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch.
Cục Hàng không Việt Nam cũng đã cập nhật nội dung Quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030 “nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng quy hoạch đường cất cánh số số 3 tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh” trong Dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch.
Như vậy, trong giai đoạn 2021 - 2030, mạng cảng hàng không được quy hoạch theo mô hình trục nan với 2 đầu mối chính tại khu vực Thủ đô Hà Nội và khu vực TP.HCM, hình thành 28 cảng hàng không bao gồm: 14 cảng hàng không quốc tế (Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc); 14 cảng hàng không quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo).
Bên cạnh đó, hồ sơ quy hoạch vẫn để mở cho việc nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng: quy hoạch, xây dựng cảng hàng không, sân bay tại các đảo (Lý Sơn, Phú Quý...), quần đảo có nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; quy hoạch đường cất hạ cánh số 3 tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh; quy hoạch, xây dựng cảng hàng không tại một số sân bay quân sự (Thành Sơn, Biên Hòa...) trong trường hợp đủ điều kiện.
Về tầm nhìn đến năm 2050, hồ sơ quy hoạch kiến nghị hình thành 31 cảng hàng không, bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế nêu trên; 17 cảng hàng không quốc nội (thêm sân bay Cao Bằng và Cảng hàng không thứ 2 phía Đông Nam Thủ đô Hà Nội). Đối với các sân bay mới, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị huy động nguồn vốn xã hội đầu tư toàn bộ theo hình thức PPP và giao UBND các tỉnh có quy hoạch sân bay mới là cơ quan có thẩm quyền đầu tư theo phương thức PPP chủ động huy động, cân đối nguồn lực và tổ chức thực hiện đầu tư.
Một tín hiệu rất tích cực là hiện có khá nhiều nhà đầu tư lớn trong nước trong lĩnh vực du lịch và hàng không sẵn sàng tham gia đầu tư các sân bay mới với quy mô phân kỳ phù hợp nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Theo TS. Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam - người có nhiều năm nghiên cứu về kinh tế hàng không, Việt Nam đang thiếu nhiều sân bay nhỏ, sân bay chuyên dùng, sân bay phục vụ du lịch. Ông cũng từng đề xuất đầu tư sân bay Cần Giờ để đón các tỷ phú trên thế giới khi nơi đây đã được quy hoạch trở thành đô thị bất động sản cao cấp, phát triển dịch vụ, du lịch cao cấp.
“Tỉnh nào cũng có thể có sân bay, thậm chí tỉnh lớn có thể có vài ba sân bay, nhưng không phải cảng hàng không lớn. Đồng thời, các doanh nghiệp hàng không sẽ đầu tư phát triển đội máy bay nhỏ để bay đến địa phương, không phải toàn máy bay lớn, máy bay rất lớn như hiện nay. Khi đó, kết cấu ngành hàng không Việt Nam mới thực sự hợp lý và hiệu quả”, TS. Lương Hoài Nam nhấn mạnh.
Phần lớn sân bay được hình thành trong chiến tranh
Cũng như trên thế giới, phần lớn các sân bay ở Việt Nam được hình thành trong thời kỳ chiến tranh. Sau chiến tranh, do nhu cầu vận tải hàng không dân dụng, một số sân bay đã được chuyển thành cảng hàng không. Dù số lượng sân bay nhiều, nhưng không phải sân bay nào cũng có thể chuyển đổi thành cảng hàng không do yếu tố về kỹ thuật (điều kiện tự nhiên, vùng trời, tĩnh không…), yếu tố về kinh tế (nhu cầu vận tải) và yếu tố về quốc phòng - an ninh... Việt Nam đang khai thác 22 cảng hàng không được phân bổ tương đối đều cho các vùng miền.