Một đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. (Ảnh: N.Mai).
Giao thông kìm hãm sự phát triển
Tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra vào cuối năm 2021, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã đánh giá: Vùng ĐBSCLcó vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, trung tâm sản xuất lúa gạo, thủy hải sản và trái cây hàng đầu của cả nước, là khu vực có tầm quan trọng đặc biệt trong bảo đảm an ninh, chính trị, phát triển kinh tế của đất nước. Những năm qua, vùng ĐBSCL đạt nhiều kết quả tích cực trong phát triển, tuy nhiên, tốc độ phát triển hạ tầng giao thông chưa tương xứng, chưa khai thác hết tiềm năng của vùng.
“Để vùng ĐBSCL phát triển nhanh cùng cả nước, cần dành nguồn lực và tập trung ưu tiên phát triển hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng gắn với tầm nhìn chung của toàn vùng, nhất là hệ thống đường cao tốc”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Hiện nay, tuyến đường huyết mạch kết nối TP.HCM với miền Tây có Quốc lộ 1, cao tốc TP.HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận. Lưu lượng xe trên các tuyến ghi nhận được rất lớn.
Theo báo cáo của Tổng cục đường bộ Việt Nam, lưu lượng trên tuyến TP.HCM - Trung Lương sau khi dừng thu phí tăng cao, trung bình khoảng 51.000 lượt xe/ngày đêm. Lượng xe tăng cao khiến tình trạng ùn ứ thường xuyên xảy ra, xe chạy dàn hàng ngang, chạy vào làn khẩn cấp… Năng lực thông hành rất thấp, ùn tắc kéo dài vào các giờ cao điểm hoặc khi phương tiện gặp sự cố, va chạm trên tuyến. So với vận tốc thiết kế ban đầu là 120 km/h thì hiện nay tốc độ lưu thông trung bình chỉ đạt 60 - 70 km/h.
Trong khi đó, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vừa hoàn thành giai đoạn một và đưa vào vận hành từ 30/4/2022, lượng xe trung bình 18.600 lượt xe/ ngày đêm. Tuy nhiên, do mới chỉ hoàn thành giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe, chưa có làn dừng khẩn cấp liên tục mà bố trí các điểm dừng khẩn cấp, vận tốc tối đa cho phép lưu thông trên tuyến chỉ đạt 80 km/h.
Riêng tuyến giao thông đường bộ “xương sống” của vùng ĐBSCL là Quốc lộ 1, đường nhỏ hẹp, thường xuyên ùn ứ. Hệ thống giao thông thiếu và yếu khiến chi phí logistics cho hàng hóa từ miền Tây về TP.HCM rất cao, chiếm từ 20-25% giá thành.
Hiện nay, từ trung tâm vùng ĐBSCL (TP. Cần Thơ) đi TP.HCM bằng ô tô với đoạn đường khoảng 160 km, nếu không bị ùn tắc giao thông thì mất khoảng 4 giờ di chuyển. Trong khi đó, với đoạn đường tương tự đi từ Thủ đô Hà Nội đến Quảng Ninh (cũng khoảng 160 km) di chuyển trên đường cao tốc chỉ mất chưa tới 2 giờ.
Với tình trạng, năng lực thông hành hiện tại, đặc biệt sau khi tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành hoàn thành và kết nối với cao tốc TP.HCM - Trung Lương, lưu lượng trên các tuyến về miền Tây sẽ càng tăng cao hơn. Thêm vào đó, do nhu cầu giao thương đi lại, vận chuyển hàng hóa ngày một lớn của người dân sẽ gây quá tải nghiêm trọng cho các tuyến hiện hữu.
Sớm hoàn thành hệ thống đường cao tốc theo quy hoạch
Để sớm hoàn thành hệ thống đường cao tốc theo quy hoạch, nâng cao hiệu quả khai thác các tuyến cao tốc, việc sớm đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là hết sức cần thiết và cấp bách.
Hiện nay, Tổng cục đường bộ Việt Nam đã báo cáo và kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải xem xét nghiên cứu đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương và cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021.
Trước đó, các địa phương gồm TP.HCM, tỉnh Long An và tỉnh Tiền Giang đều đã kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng giai đoạn 2 của 2 tuyến cao tốc này.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành cũng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, xử lý đề xuất của UBND TP.HCM, UBND tỉnh Tiền Giang, UBND tỉnh Long An về việc đầu tư giai đoạn 2 tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Quy mô đầu tư giai đoạn 1 của các tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận đã mãn tải do được tính toán cách đây hơn 10 năm, không còn phù hợp với tốc độ tăng trưởng lưu lượng phương tiện và nhu cầu lưu thông của người dân, không đảm bảo việc kết nối đồng bộ toàn tuyến ở khu vực ĐBSCL.
Được biết, cả 2 tuyến đều đã giải phóng mặt bằng với quy mô hoàn thiện 8 làn xe nhưng chưa được đầu tư giai đoạn 2. Nếu không sớm triển khai thực hiện đầu tư sẽ rất lãng phí ngân sách, nguồn lực đã bỏ ra.