Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu tăng cường các biện pháp rút ngắn thời gian thi công Dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu tăng cường các biện pháp rút ngắn thời gian thi công Dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn

Đón mùa xuân cao tốc

0:00 / 0:00
0:00
Một khí thế mới, xung lực mới đang lan tỏa mạnh mẽ trên khắp các đại công trường xây dựng đường cao tốc suốt từ Bắc chí Nam, nhằm sớm hiện thực hóa khát vọng 5.000 km vào năm 2030.

Mệnh lệnh không đổi

Chỉ ít giờ trước khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 vào sáng 1/1/2023, tại điểm cầu trung tâm của buổi lễ ở huyện Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi), trời bắt đầu hửng nắng sau chuỗi ngày liên tục mưa dầm như báo hiệu một sự khởi đầu thuận lợi cho công trình đặc biệt này.

Tại buổi khởi công chưa từng có trong lịch sử ngành giao thông được triển khai cùng lúc tại 9 tỉnh, thành phố, trải dài qua 3 miền theo hình thức kết nối trực tuyến, một lần nữa mệnh lệnh “nhanh hơn, khẩn trương hơn” tiếp tục được người đứng đầu Chính phủ đặt ra cho Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) - đơn vị chủ công trong phát triển đường cao tốc.

Sự sốt ruột của Thủ tướng Chính phủ là có cơ sở, bởi trong 20 năm vừa qua, mặc dù đã được quan tâm đầu tư, nhưng cả nước mới hoàn thành đưa vào khai thác khoảng 1.400 km đường bộ cao tốc. Con số đó thật khiêm tốn so với nhu cầu phát triển kinh tế, khai thác tiềm năng, lợi thế của đất nước. Trong khi đó, thực tiễn đã chứng minh, đường bộ cao tốc mở ra đến đâu là phát huy hiệu quả đầu tư đến đó, góp phần tăng trưởng GRDP của địa phương và cả nước.

Bên cạnh đó, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc. Như vậy, trong 10 năm tới, chúng ta phải đầu tư, xây dựng gần gấp 4 lần số km đường bộ cao tốc đã xây dựng trong giai đoạn 2000 - 2020, trong đó có một số đoạn chưa đạt tiêu chuẩn cao tốc.

“Để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần phải có cách làm, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tổ chức thực hiện khoa học, hợp lý, hiệu quả mới có thể đạt được mục tiêu đề ra”, Thủ tướng yêu cầu.

Được biết, trong hơn 2 năm qua, trong tất cả các cuộc họp Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình trọng điểm ngành GTVT, hay các buổi kiểm tra, thị sát, người đứng đầu Chính phủ liên tục nhấn mạnh mục tiêu quan trọng hàng đầu và không được phép thay đổi của Bộ GTVT trong 3 năm tới chính là việc nối thông tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau - hành lang kinh tế quan trọng nhất của đất nước dài 2.063 km từ cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn đến Cà Mau đi qua 32 tỉnh, thành phố vào năm 2025.

Trong đó, Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 có chiều dài 729 km, với tổng mức đầu tư gần 150.000 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe có thể coi như một “đường dây 500 KV” mà ngành GTVT đóng góp vào sự thịnh vượng chung của đất nước.

Những bài học thành công về phát triển hạ tầng cao tốc tại các quốc gia trên thế giới, hay từ chính kinh nghiệm thực tế tại Quảng Ninh đã khẳng định vai trò của đường bộ cao tốc - loại hình có cấp kỹ thuật cao nhất trong hệ thống đường bộ, có ưu điểm năng lực vận tải lớn, tốc độ cao và an toàn. Đường cao tốc mở ra đến đâu sẽ mang đến diện mạo mới cho đất nước, giúp tận dụng được lợi thế so sánh của các vùng, miền, khai thác hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, mở ra không gian phát triển mới.

Với ý nghĩa đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT cùng các bộ, ngành và địa phương liên quan phải xác định là chung một con thuyền, không đùn đẩy trách nhiệm, làm việc thực chất với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, khó khăn, vướng mắc ở đâu thì tháo gỡ ở đấy, chủ động nắm bắt tình hình, giải quyết các vấn đề đặt ra, tăng cường kỷ luật, kỷ cương.

“Phải xem việc này như việc nhà mình, đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm là có hiệu quả, có sản phẩm cụ thể, được nhân dân và các cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thừa nhận”, Thủ tướng nêu rõ.

Sẵn sàng cho trận đánh mới

Cần phải nói thêm rằng, thông điệp thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông vào năm 2025 và quyết tâm hoàn thành mục tiêu cả nước có 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ quán triệt rõ trong chuyến công tác đặc biệt ‘xuyên Tết, xuyên Việt’ của Thủ tướng vào đầu năm 2023, kéo dài 3 ngày, trên cung đường bộ dài gần 1.600 km và nhiều chặng bay vào Nam ra Bắc.

Cùng với hàng loạt vấn đề cụ thể vừa liên quan tới việc thi công các dự án, vừa liên quan tới các quy định chung về thể chế, cơ chế, chính sách được Thủ tướng quyết ngay trên công trường đầu Xuân, người đứng đầu Chính phủ cũng đã khơi dậy tinh thần tiến công, tranh thủ từng ngày trên nhiều dự án hạ tầng trọng điểm của ngành GTVT.

Ngay tại Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, nếu tính từ khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đến khi Bộ GTVT tổ chức khởi công đồng loạt 12 dự thành phần chỉ mất vỏn vẹn 10 tháng.

Theo ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT, ngoài điểm tựa là các cơ chế đặc thù được Quốc hội, Chính phủ cho phép áp dụng, các đơn vị chủ đầu tư, tư vấn khảo sát thiết kế đã bước vào chiến dịch thần tốc triển khai với tinh thần “hết việc, không hết giờ”, khắc phục mọi khó khăn để đáp ứng tiến độ khởi công dự án.

“Nếu trước đây, bình quân một dự án quan trọng quốc gia, thời gian chuẩn bị mất khoảng 2 đến 3 năm, thì bây giờ, với tư duy mới, cách làm mới mang tính đột phá, mặc dù dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, nhiều công trình có yếu tố kỹ thuật phức tạp, nhưng chúng ta chỉ thực hiện trong vòng một năm”, ông Huy chia sẻ.

Trong bối cảnh nền kinh tế cuối năm 2022 có tốc độ tăng trưởng chậm lại và dự báo năm 2023 sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, thì đầu tư công được xác định là một yếu tố quyết định để duy trì tăng trưởng.

Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đồng loạt được khởi công sẽ góp phần tạo ra những cơ hội kinh doanh, tăng sức chống chịu cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây lắp, vật liệu, thiết bị, máy móc… Khi càng có thêm nhiều doanh nghiệp trụ lại được thị trường, nhiều việc làm được duy trì, sẽ vừa thúc, vừa đẩy, vừa kéo nền kinh tế.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, khí thế tiến công được Thủ tướng khơi dậy cũng đã lan tỏa trên công trường Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, tạo ra động lực giúp nhiều nhà thầu vượt qua giới hạn bản thân.

Trên thực tế, từ khoảng một năm trở lại đây, nhất là khi Bộ GTVT tổ chức lễ phát động thi đua 120 ngày đêm, phần lớn lãnh đạo nhà thầu đã thoát khỏi tình trạng “ngủ đông”, kích hoạt năng lực tối đa để vừa giữ được việc làm trong tương lai, vừa vì danh dự của những người đã có thâm niên sống chết với nghề cầu đường 30 - 40 năm.

Vượt qua những khó khăn về thời tiết, khan hiếm vật liệu, giá cả nguyên vật liệu tăng đột biến, nhiều nhà thầu đã bán đất, cầm cố tài sản để “quyết một lần chơi lớn”, chấp nhận bỏ chữ “lợi”, giữ chữ “tín”, chữ “danh” trong nghề nghiệp.

Để động viên các đơn vị thi công, theo yêu cầu của Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương hoàn tất Dự thảo Nghị định quy định chế độ thưởng hợp đồng đối với gói thầu xây lắp thuộc các dự án giao thông trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới.

Cùng với việc xây dựng được phương pháp tính tiền thưởng khoa học, dễ thực hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn kiến nghị cho phép các gói thầu xây lắp thuộc các dự án nằm trong danh mục đã ký hợp đồng trước thời điểm nghị định có hiệu lực thi hành được áp dụng quy định về thưởng hợp đồng. Chủ đầu tư và nhà thầu sẽ ký kết bổ sung phụ lục hợp đồng về nội dung thưởng hợp đồng theo quy định tại nghị định này.

Trong trường hợp lý tưởng, các nhà thầu có thể được thưởng hợp đồng với giá trị tối đa lên tới 5% giá trị hợp đồng (không bao gồm dự phòng). “Đây là động lực đủ lớn để các nhà thầu có thể huy động thêm máy móc, thiết bị và nhân công để hoàn thành sớm công trình”, ông Trần Quang Tuyến, Phó tổng giám đốc Công ty Xây dựng Vạn Cường cho biết.

Để bắt tay vào “trận đánh lớn”, nhiều nhà thầu đã mạnh tay đầu tư mua sắm các thiết bị tiên tiến. Tiêu biểu là Tập đoàn Đèo Cả - đơn vị được chọn thi công Gói thầu XL1, Dự án thành phần cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng đầu tư thiết bị mới.

Nhà thầu này tiên phong ứng dụng công nghệ số khi khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công, thông qua hệ thống thiết bị quét tự động “3D-Laser-Scanning” và bay chụp “LiDAR” để hạn chế sự can thiệp bằng tay của con người nhằm tạo sự minh bạch, đồng bộ, nhanh và chính xác.

Tin bài liên quan