Dọn “mạng nhện” trong ngân hàng

Dọn “mạng nhện” trong ngân hàng

(ĐTCK) Sở hữu chồng chéo là một trong những nguyên nhân làm hệ thống ngân hàng trở nên yếu kém và thiếu minh bạch.

Ngân hàng trong ngân hàng

Một NH góp vốn vào nhiều NH khác, ví dụ như NH Á Châu (ACB) góp vốn vào NH Đại Á (DaiABank), Xuất Nhập Khẩu (Eximbank), Kiên Long (KienLongBank); còn NH Ngoại Thương (Vietcombank) góp vốn vào NH Phương Đông (OCB), Eximbank; NH Công Thương (Vietinbank) góp vốn vào các NH Sài Gòn Công Thương (SaigonBank), VietCapital Bank.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là sự góp vốn chồng chéo giữa các NH, ví dụ ACB góp vốn vào Eximbank và Eximbank lại đi đầu tư vào Sacombank (nắm 9,73% vốn). Theo báo cáo tài chính năm 2010 của Vietcombank thì NH này có vốn tại 5 NH là Eximbank, SaigonBank, MB, VietCapitalBank, OCB, trong đó, tỷ lệ sở hữu tại MB là cao nhất - 11%. Hiện Vietcombank đã thoái hết vốn tại VietCapital Bank và vẫn đang nắm giữ khoảng 5% vốn điều lệ của OCB. Hiện Maritime Bank cũng đang nắm giữ trên 20% vốn cổ phần của MeKongBank.

 

Trục lợi và thôn tính

Việc sở hữu chéo như trên đã giúp ngành NH sử dụng sức mạnh nội lực trong hệ thống, tương trợ lẫn nhau. Tuy nhiên, nó cũng ẩn chứa bài toán “thôn tính” và các hậu quả khác.

TS. Vũ Thành Tự Anh (Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright) đưa ra ví dụ “ma trận”. Một NH A sở hữu một công ty bất động sản B, theo nguyên tắc, NH A không được phép cho các dự án của công ty B vay tiền. Thế nhưng NH A ủy thác đầu tư cho một quỹ đầu tư C. Quỹ C mang tiền đi đầu tư vào dự án bất động sản của công ty B! Vấn đề đáng nói là, “sự lòng vòng” này không chỉ xảy ra với quy mô tương đối lớn mà còn không rõ ràng, không minh bạch và không có cơ chế điều tiết.

TS. Vũ Viết Ngoạn, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng, sở hữu chồng chéo là vấn đề lớn hiện nay trong lĩnh vực tài chính. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm hệ thống ngân hàng trở nên yếu kém và thiếu minh bạch. Trên thế giới, việc sở hữu chéo tuy có nhưng chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ một chút chứ không quá nhiều.

 

Sở hữu vượt rào: khó xử

Trước đây, dự thảo sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng có cấm các NH sở hữu cổ phần của nhau. Tuy nhiên, khi chính thức ban hành thì lại không cấm. Điều 55 của Luật cho phép tổ chức được sở hữu tối đa 15%. Điều 129 của Luật quy định một NH và các công ty con, công ty liên kết của NH đó không được góp vốn vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp.

NH vi phạm thì sao? Đã có một số văn bản khẳng định sẽ hạn chế sự chi phối, thao túng của cổ đông lớn đối với NH, sẽ kiên quyết xử lý đối với các cổ đông lớn, người có liên quan vi phạm quy định về giới hạn sở hữu…, nhưng vẫn cho phép đến năm 2015 mới phải xử lý dứt điểm. Thậm chí, việc xử lý các NH yếu kém và các trường hợp được chỉ định góp vốn vượt giới hạn còn được “rê” đến năm 2020.

Kế hoạch xử lý thì vậy nhưng không phải dễ thực hiện vì sự chồng chéo quá phức tạp. TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng, các quan hệ sở hữu chằng chịt này như một mạng nhện. Cắt bất kỳ một nút nào trong cái mạng nhện đấy thì nó sẽ tác động lan tỏa, liên đới đến tất cả phần còn lại.