Trái vải năm nay được mùa và đang bước vào chính vụ. Ảnh: Đức Thanh

Trái vải năm nay được mùa và đang bước vào chính vụ. Ảnh: Đức Thanh

Dồn lực xuất khẩu trái cây vào cao điểm thu hoạch

0:00 / 0:00
0:00
Nguồn cung nông sản, đặc biệt là trái cây đang vào vụ thu hoạch cao điểm đặt ra áp lực lớn về tiêu thụ khi thị trường nội địa chỉ hấp thụ một lượng có hạn; xuất khẩu, chủ yếu là sang Trung Quốc, vẫn là kênh chính yếu, nhưng lại đang có dấu hiệu ùn ứ.

Lo đầu ra cho nông sản vào vụ thu hoạch rộ

Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 5/2023 do Bộ Công thương tổ chức được kết nối với vài chục thương vụ ở nước ngoài tập trung vào nội dung chính là tìm kênh xuất khẩu cho một loạt trái cây đang vào vụ thu hoạch rộ, như vải, nhãn, mít…

Áp lực tìm thị trường tiêu thụ cho các loại trái cây này càng nóng hơn khi dấu hiệu ùn ứ xe nông sản chờ xuất khẩu sang Trung Quốc đã diễn ra tại một số tỉnh biên giới, nhất là Lạng Sơn, nơi có cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh…

Cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo khẩn các bộ, ngành, địa phương liên quan chủ động triển khai các biện pháp cấp bách nhằm giảm ùn ứ và thúc đẩy xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, sản lượng trái cây của cả nước trong quý II/2023 ước đạt trên 2,6 triệu tấn, trong đó, vải thiều 330.000 tấn, nhãn 110.000 tấn, cùng hàng trăm ngàn tấn dứa, xoài, cam, thanh long đang vào vụ thu hoạch.

Nguồn cung dồi dào đang đặt ra áp lực lớn về tiêu thụ khi xuất khẩu ở nhiều thị trường giảm mạnh, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng hạn chế. Thị trường xuất khẩu luôn biến động và tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là vải, nhãn tươi - những loại trái cây có sản lượng tập trung lớn, thời gian bảo quản và tiêu thụ ngắn.

Theo Bộ Công thương, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu trái vải của Việt Nam đạt 47,4 triệu USD, năm 2022 đạt 27,4 triệu USD, giảm 42,3%. Xuất khẩu nhãn năm 2021 đạt 23,318 triệu USD, năm 2022 đạt 13,893 triệu USD, giảm 40,4%.

Mùa vải năm nay đang bước vào chính vụ, nếu không khơi thông tốt đầu ra, có thể, một số thời điểm sẽ bị ùn ứ. Sản lượng vải thiều tại Bắc Giang niên vụ 2023 ước tính đạt hơn 180.000 tấn, cao nhất từ trước tới nay, trong khi thời gian thu hoạch chỉ trong vòng 2 tháng, “bài toán” tiêu thụ, điều phối không hề dễ giải.

Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cho biết, ngoài bán nội địa, năm 2023, tỉnh dự kiến xuất khẩu 99.000 tấn vải thiều, chủ yếu đi Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia, UAE…

Khẳng định Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất cho xuất khẩu vải thiều, nhãn và còn nhiều dư địa, nhưng Bắc Giang cũng lo ngại, việc ùn tắc hàng hóa tại biên giới ảnh hưởng đến xuất khẩu vải thiều sang thị trường này. Trong khi đó, năm 2022, vải thiều đã có 1 niên vụ xuất khẩu sụt giảm trên 40%.

Từ Mỹ, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại (Thương vụ Việt Nam tại Mỹ) chia sẻ: “Vải thiều có dư địa tiêu thụ tại Mỹ, nhưng gặp những trở ngại như: khoảng cách địa lý quá xa, dẫn đến thời gian vận chuyển kéo dài, dễ hao hụt, chưa có cơ sở chiếu xạ theo tiêu chuẩn của Mỹ đặt tại miền Bắc, doanh nghiệp phải vận chuyển vào phía Nam chiếu xạ, làm đội chi phí, nên giá bán tới tay người tiêu dùng còn cao. Trong khi đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam là Trung Quốc,

Mexico có nhiều kinh nghiệm, hệ thống phân phối rộng khắp, giá cả cạnh tranh, chi phí vận chuyển thấp hơn ta”.

Trên thực tế, chi phí vận chuyển đẩy giá tăng cao là vấn đề “muôn thủa” của nhiều mặt hàng nông sản Việt xuất khẩu. Ngay tại Malaysia, trái cây Việt cũng rất khó cạnh tranh với Thái Lan, nhất là trái nhãn, vì hạn chế về khâu bảo quản sau thu hoạch. Theo ông Lê Phú Cường, Tham tán thương mại (Thương vụ Việt Nam tại Malaysia), về lâu dài, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản phải đầu tư cho khâu bảo quản sản phẩm để vận chuyển bằng đường biển, giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh.

Về vấn đề giá, ông Nguyễn Thanh Huy, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cho hay, vải thiều và nhãn Việt Nam có thời gian thu hoạch tương đồng với Thái Lan, nhưng bảo quản chưa tốt, nên vỏ dễ thâm, chưa kể chi phí vận chuyển cao, nhận diện thương hiệu cũng chưa mạnh… “Giá bán cao chủ yếu do chi phí trung gian và vận chuyển cao, nên bên cạnh việc đảm bảo chất lượng, mẫu mã, cần hạ chi phí để tăng sức cạnh tranh, để xuất khẩu dài hạn, tăng được sản lượng sau mỗi năm”, ông Huy nói.

Cạnh tranh xuất khẩu sang Trung Quốc ngày càng nóng

Trong 5 tháng đầu năm 2023, rau quả trở thành “điểm sáng” xuất khẩu khi mang về gần 1,9 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2022. Mức tăng trưởng này chủ yếu đến từ thị trường Trung Quốc.

Cạnh tranh xuất khẩu sang thị trường tỷ dân ngày càng khốc liệt. Đơn cử, Thái Lan đẩy mạnh xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc thông qua hệ thống đường sắt kết nối 3 nước Thái Lan - Lào - Trung Quốc.

Các nước Đông Nam Á cung cấp phần lớn trái cây nhiệt đới cho Trung Quốc. Năm 2022, Thái Lan xuất khẩu trái cây vào Trung Quốc nhiều nhất, với giá trị gần 6,3 tỷ USD, còn Việt Nam chỉ đạt trên 1,5 tỷ USD, giảm 19,8% so với năm 2021, chiếm 45,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả.

Ông Nguyễn Hữu Quân, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc) lưu ý, các địa phương, doanh nghiệp cần chủ động kết hợp với đối tác nhập khẩu trong việc xây dựng, quảng bá hình ảnh doanh nghiệp và sản phẩm chủ lực, bên cạnh việc nắm vững và đáp ứng tốt các yêu cầu về kiểm dịch, chất lượng của thị trường Trung Quốc.

Theo ông Quân, hiện lượng xe hàng nông sản Việt Nam đưa lên biên giới rất lớn, gây áp lực tại cửa khẩu. Gần đây xuất hiện tình trạng ùn ứ cục bộ khi năng lực thông quan của cửa khẩu đến giới hạn. Các hiệp hội và doanh nghiệp cần cập nhật thông tin thường xuyên để phân luồng hợp lý, nắm bắt quy định kiểm dịch với trái cây nhập khẩu từ các thị trường, đặc biệt với vải thiều và nhãn để nâng cao hiệu quả xuất khẩu.

Nhìn rộng ra với tất cả nông sản, về giải pháp lâu dài, phải tăng xuất khẩu chính ngạch, đa dạng hóa các phương thức vận tải hàng nông sản xuất khẩu, mở rộng thị trường, tháo gỡ rào cản kỹ thuật. Cùng với đó, cần đẩy nhanh tiến độ đàm phán quản lý chất lượng để để giảm tỷ lệ nông sản Việt Nam phải kiểm tra khi xuất khẩu vào Trung Quốc.

Trong công điện ban hành cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh khu vực biên giới phía Bắc, các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát các quy định về xuất nhập khẩu nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc, chủ động về ngoại giao, tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa các thủ tục, tăng thời gian và hiệu suất thông quan. Mục tiêu là không để tái diễn tình trạng nông sản bị ùn ứ tại cửa khẩu.

Tin bài liên quan