Các đơn vị thi công đang tiến hành thảm bê tông nhựa những km đầu tiên tại Dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn là 1 trong 12 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông được khởi công vào năm 2023 và là đoạn tuyến có vốn đầu tư lớn nhất, trong đó điểm nhấn là 3 hầm xuyên núi. Riêng hầm số 3 nối hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định có chiều dài 3,2 km, khi đưa vào sử dụng sẽ là hầm đường bộ dài thứ 3 cả nước sau hầm Hải Vân và hầm Đèo Cả.
Huy động nguồn lực khủng
Để đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án thành phần cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, các đơn vị thi công đã huy động hơn 4.000 nhân sự cùng 1.750 máy móc thiết bị tổ chức 50 mũi thi công toàn tuyến, làm việc 3 ca 4 kíp, riêng các hạng mục hầm thi công 24/24.
Đại diện Tập đoàn Đèo Cả (đơn vị đứng đầu liên danh) cho biết, đến nay toàn dự án đã thi công đắp nền đường tuyến chính đạt hơn 9 triệu m3 đất đắp. Tại gói thầu XL1, nhà thầu đang tiến hành thảm bê tông nhựa, mục tiêu đến cuối năm nay nếu điều kiện thời tiết thuận lợi thì sẽ hoàn thành thảm bê tông nhựa khoảng 20% chiều dài tuyến, đủ điều kiện triển khai các hạng mục an toàn giao thông.
Về phần hầm, hầm số 1 và hầm số 2 đã hoàn thành phần xây dựng, riêng hầm 3 đã đào được 3.500 m trên tổng chiều dài 6.400 m(đạt hơn 53% khối lượng). Đối với hệ thống cầu đã thi công đồng loạt 77 cầu, trong đó có 27 cầu đã triển khai lắp dầm, thi công bản mặt cầu.
Về phần đường, ngay sau khi nhận bàn giao đủ mặt bằng và nguồn vật liệu từ địa phương trong tháng 6/2024, tận dụng thời gian ít ỏi còn lại của mùa khô, chỉ trong vòng hơn 2 tháng, nhà thầu đã huy động tối đa thiết bị để đắp hơn 4 triệu khối đất, trung bình mỗi ngày đắp khoảng 75.000 m3 đất, đến nay đã cơ bản hoàn thành phần nền đường.
Bên cạnh tăng cường nguồn lực, với vai trò thầu chính, Tập đoàn Đèo Cả đã cắt giảm khối lượng của các thầu phụ chậm tiến độ, bổ sung 7 mũi thi công mới do Đèo Cả trực tiếp triển khai và kiểm soát tiến độ.
Đồng thời bố trí 13 trạm bê tông xi măng dọc tuyến để kịp thời phục vụ thi công lớp cấp phối gia cố xi măng, lắp đặt 2 trạm bê tông nhựa và tiếp tục lắp đặt thêm 3 trạm vào quý 4 năm 2024 để phục vụ dự án. Các cấu kiện đúc sẵn, thiết bị ATGT, thiết bị cơ điện cũng được song song sản xuất và tập kết về công trường để sẵn sàng lắp đặt khi hoàn thành phần xây dựng.
Theo ông Nguyễn Quang Huy - Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, đến nay, sản lượng xây lắp toàn Dự án đã đạt hơn gần 6.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 45% tổng khối lượng. Dự kiến, hết năm 2024 sản lượng dự án sẽ đạt hơn 8.000 tỷ đồng, tương đương 60% tổng khối lượng xây lắp.
Cố gắng về đích trước 8 tháng
Không chỉ huy động tăng cường nguồn lực, Tập đoàn Đèo Cả còn kết hợp các biện pháp khác để đẩy nhanh tiến độ toàn dự án.
Đặc biệt, phương pháp thi công hầm NATM - hệ Đèo Cả do các kỹ sư Đèo Cả nghiên cứu cải tiến được áp dụng tại hầm số 1 và hầm số 2 giúp đẩy nhanh công tác đào, thông hầm sớm hơn thời gian yêu cầu từ 3 - 5 tháng.
Phương pháp thi công này cũng đang được áp dụng để đẩy nhanh tiến độ đào thông hầm số 3 - đường găng quyết định việc hoàn thành dự án vào cuối năm 2025. Phương pháp thi công hầm NATM - hệ Đèo Cả đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp thuận hình thức đơn đăng ký sáng chế tại Quyết định số 86294/QĐ-SHTT ngày 18/7/2024.
Hưởng ứng chiến dịch 500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km cao tốc Bắc - Nam vào năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động, nhà thầu đã tăng cường nhân sự, máy móc thiết bị, tổ chức thi công khoa học, liên tục để đẩy nhanh sản lượng.
Ông Nguyễn Quang Huy cho biết, nhà thầu mới chỉ được bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cuối tháng 6/2024 vừa qua. Ngay sau khi nhận bàn giao đủ mặt bằng, các mỏ vật liệu được cấp đầy đủ, các nhà thầu đang tăng tốc đẩy nhanh thi công tất cả các hạng mục trên công trường. Tập đoàn Đèo Cả đã lập lại tiến độ tổng thể với mục tiêu hoàn thành dự án sớm trước 8 tháng.
Cụ thể, đến 30/9/2024 sẽ hoàn thành đắp nền; 31/12/2024 hoàn thành hầm 1 và hầm 2 và đến 30/4/2025 sẽ thông hầm số 3, tiến tới hoàn thành dự án vào 31/12/2025.
Trước đó, công tác bàn giao mặt bằng của Quảng Ngãi nhiều lần “vỡ” tiến độ khi nhiều lần lùi mốc bàn giao từ 31/12/2023 đến 30/4/2024. Tuy nhiên thực tế đến 30/6/2024 mới hoàn thành bàn giao mặt bằng sạch, và đến hết tháng 8/2024 thì vẫn còn tồn tại một số vị trí đường điện dân sinh, công trình hạ tầng kỹ thuật trên tuyến chưa được di dời.
Cũng theo đại diện nhà thầu, công tác bàn giao mặt bằng chậm hơn kế hoạch khiến nhà thầu bỏ lỡ mất “thời điểm vàng” là mùa khô để tiến hành công đoạn đắp nền. Từ thời điểm bàn giao mặt bằng sạch đến nay khoảng 2 tháng cũng là thời điểm bước vào mùa mưa bão, khó khăn cho công tác thi công phần đường.
“Theo hợp đồng, tháng 8/2026 là mốc hoàn thành công trình. Tuy nhiên, với năng lực và nỗ lực của liên danh nhà thầu, sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT và đồng hành của địa phương, chúng tôi sẽ đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành dự án vào 31/12/2025. Nếu mặt bằng được bàn giao đúng như kế hoạch, các mỏ vật liệu được giải quyết sớm hơn thì dự án còn có thể về đích sớm hơn nữa”, ông Huy cho biết.